Hậu "thay máu" cổ đông, tương lai nào cho Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS)?

0:00 / 0:00
0:00
Dù có 209 cổ đông/ người được uỷ quyền tham gia, tỷ lệ tham dự tại ĐHĐCĐ thường niên vẫn chỉ đạt 14,09%. Cuộc họp đại hội đồng cổ đông lần 2 sẽ được tổ chức vào ngày 13/5.
Cơ cấu cổ đông của SBS đã thay đổi mạnh sau nửa năm.

Cơ cấu cổ đông của SBS đã thay đổi mạnh sau nửa năm.

Đại hội lần 1 bất thành do cơ cấu cổ đông phân mảnh

Cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS - sàn UPCoM) chưa thể tiến hành. Một tiếng đồng hồ sau giờ khai mạc đại hội, số cổ đông tham dự và ủy quyền là 209 cổ đông, đại diện cho 14,09% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Đây là con số khá lớn so với các cuộc họp thông thường.

Hội đồng quản trị công ty đã họp và quyết định triệu tập cuộc họp lần 2 vào ngày 13/5 tại TP HCM.

Từ giữa năm 2021, loạt cổ đông lớn của SBS đã rút dần vốn tại công ty chứng khoán này, đặc biệt từ tháng 11/2021. Đây cũng là khoảng thời gian giá cổ phiếu SBS trên sàn giao dịch ở vùng giá đỉnh 10 năm, có thời điểm vượt trên 20.000 đồng/cổ phiếu. Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE từ năm 2010 với quy mô vốn điều lệ ngay từ thời điểm lên sàn là 1.100 tỷ đồng.

Dù thuộc nhóm có quy mô vốn lớn giai đoạn này, tình hình khó khăn của thị trường giai đoạn đó đã kéo hoạt động nhiều công ty chứng khoán đi xuống. SBS đã rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt vào giữa năm 2012 với số lỗ luỹ kế 1.772 tỷ đồng. Sau khi cải thiện tỷ lệ an toàn tài chính, công ty này thoát khỏi diện kiểm soát đặc biệt năm 2014.

Giá cổ phiếu SBS thường xuyên ở mức giá trà đá (dưới 2.000 đồng/cổ phiếu) trong gần một thập kỷ từ năm 2011. Tuy vậy, từ tháng 10/2020, cổ phiếu SBS bất ngờ tăng “phi mã” từ gần 2.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 20.000 đồng/cổ phiếu trong hơn một năm. Từ mức đỉnh xác lập hồi cuối tháng 11/2021, SBS đã “bốc hơi” hơn 50%, đóng cửa phiên 22/4 ở mức 10.300 đồng/cổ phiếu.

Theo cơ cấu sở hữu tại ngày 31/12/2021, số lượng cổ đông công ty đã tăng vọt lên 28.119 nhà đầu tư từ con số hơn 3.500 hồi cuối năm 2020. Thay đổi đáng chú ý hơn là SBS chỉ còn duy nhất 1 cổ đông lớn là bà La Mỹ Phượng (sở hữu 7,2%) vốn; trong khi cách đó một năm, 4 cổ đông lớn nắm giữ 58,8% vốn điều lệ. Bà Hà Thu Hồng, bà Lưu Thị Lợi và Sacombank đã không còn là cổ đông lớn theo danh sách cổ đông được thống kê tại ngày 31/12/2021.

Công ty cũng không còn cổ đông nào sở hữu 1-5% vốn, trong khi nhóm này trước đây nắm gần 14% vốn điều lệ của công ty. Tới 92,3% vốn điều lệ của SBS tương đương số lượng cổ phiếu gần 117 triệu đơn vị đang nằm trong tay các nhà đầu tư có tỷ lệ sở hữu dưới 1%.

Đợt thay máu cổ đông khi hàng loạt cổ đông lớn ra đi, trong khi chưa thực sự xuất hiện một nhóm mới thay thế đã khiến cơ cấu cổ đông của SBS trở nên rất phân mảnh. Nếu tỷ lệ tham dự đại hội tiếp tục chỉ duy trì ở mức thấp như lần 1, cuộc họp ĐHĐCĐ của SBS nhiều khả năng phải đợi đến lần thứ 3 mới có thể tiến hành.

Tham vọng tăng vốn, trở lại sàn HoSE có khả thì?

Đến cuối năm 2021, khoản lỗ luỹ kế của SBS vẫn còn hơn 1.300 tỷ đồng. Quy mô vốn chủ sở hữu do vậy chỉ xấp xỉ 215 tỷ đồng. Nguồn vốn đi vay là hơn 531 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn 746 tỷ đồng của SBS.

Tuy nhiên, phần lớn nguồn vốn vay trên đến từ khoản đặt cọc trong hợp đồng môi giới mua trái phiếu Chính phủ cho hơn 10 cá nhân (479 tỷ đồng). Về cơ cấu tài sản, SBS đang giành 82% nguồn lực để cho vay (612 tỷ đồng), bao gồm 440 tỷ đồng hỗ trợ giao dịch chứng khoán cho nhà đầu tư và 172 tỷ đồng cho hoạt động ứng trước tiền bán của nhà đầu tư.

Kết quả kinh doanh năm 2021 dù đã có sự cải thiện nhờ tăng doanh thu mảng môi giới và cho vay margin, lợi nhuận của SBS vẫn chỉ ở mức khiêm tốn, đạt 7,6 tỷ đồng trong cả năm. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu gần 60 đồng.

Một nội dung quan trọng dự kiến được trình cổ đông trong kỳ đại hội này là phương án phát hành thêm cổ phiếu theo hình thức phát hành riêng lẻ. Công ty sẽ phát hành thêm 150 triệu cổ phần, tương ứng 1.500 tỷ đồng. Sau phát hành, vốn điều lệ của SBS sẽ đạt 2.760 tỷ đồng.

Mục đích phát hành là để tăng quy mô vốn chủ sở hữu để bổ sung nguồn vốn đầu tư cho hoạt động kinh doanh của công ty từ đó nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh và phù hợp với chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Cụ thể, SBS sẽ dùng 1.100 tỷ đồng vào hoạt động đầu tư tự doanh chứng khoán, 400 tỷ đồng vào hoạt động môi giới chứng khoán, giao dịch ký quỹ.

Ai sẽ là bên mua trong đợt phát hành trên? SBS đưa ra tiêu chí lựa chọn là dưới 100 nhà đầu tư cá nhân/ tổ chức có tiềm lực tài chính hoặc kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh của công ty mà HĐQT xét thấy đóng góp vào hoạt động kinh doanh hoặc mang lại lợi ích cho công ty. Giá phát hành bằng mệnh giá, tức tương đương với thị giá cổ phiếu này ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, nhà đầu tư chiến lược sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chịu hạn chế 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Bên cạnh đó, SBS cũng trình cổ đông thông qua đổi tên và thay đổi địa điểm trụ sở của Công ty. Tên công ty mới cũng được uỷ quyền cho HĐQT, Tổng giám đốc quyết định tên mới phù hợp với chiến lược phát triển kể từ năm 2022.

SBS cũng dự kiến chuyển sàn sang HoSE trong giai đoạn 2023-2024 sau khi phát hành tăng vốn thành công. Để đạt được các điều kiện niêm yết, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm liền trước năm đăng ký niêm yết của SBS tối thiểu 5%, đồng thời, hoạt động kinh doanh của 2 năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm.

Năm 2022, SBS lên kế hoạch doanh thu thuần khoảng 250-350 tỷ đồng, Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh SBS dự kiến khoảng 50-100 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận trên dự kiến có thể đạt được trong điều kiện VN-Index đạt từ 1.600-1.700 điểm.

Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết còn là SBS phải hoàn tất xoá lỗ luỹ kế. Điều này sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng thực hiện phương án phát hành tăng vốn mà công ty đề ra.

Không ít công ty chứng khoán với khoản lỗ luỹ kế lớn để lại từ giai đoạn khủng hoàng mười năm trước đã “tái sinh từ đống tro tàn” khi có sự xuất hiện của nhà đầu tư mới. Tuy nhiên, quá trình tái cấu trúc thường mất nhiều thời gian, kể cả khi sẵn sàng nguồn lực tài chính.

Như trường hợp của Chứng khoán Tiên Phong (tiền thân là Chứng khoán Phương Đông), công ty này cần tới 2 năm sau kể từ lần tăng vốn điều lệ hồi quý I/2019 để xoá sạch lỗ luỹ kế hơn 230 tỷ đồng. Ngoài 40 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần có sẵn, việc xoá lỗ luỹ kế phần lớn đến từ lợi nhuận tích luỹ qua các năm. SBS hiện cũng còn 140 tỷ đồng thặng dư vốn, nhưng con số trên chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng lỗ luỹ kế hơn 1.300 tỷ đồng cần xoá để chuẩn bị cho kế hoạch trở lại sàn HOSE.

Tin bài liên quan