Bản đồ quy hoạch Thủ đô Hà Nội

Bản đồ quy hoạch Thủ đô Hà Nội

Hậu Quy hoạch Hà Nội : Kỳ vọng và... chờ

Quy hoạch Thủ đô trong giai đoạn đưa ra lấy ý kiến, góp ý thì được người dân cũng như giới đầu tư đặc biệt quan tâm. Hệ quả của sự quan tâm đó là thị trường BĐS đã có biến động lớn, tính thanh khoản tăng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, kể từ khi quy hoạch được thông qua hơn hai tháng nay thì sự quan tâm của giới đầu tư đã giảm đi rất nhiều.

 

Mới chỉ là tiềm năng

Ai cũng biết, quy hoạch chung Thủ đô khi được triển khai chắc chắn sẽ vẽ nên một bộ mặt mới về kiến trúc, quy hoạch của Hà Nội. Việc nó tác động tới thị trường BĐS, trong đó mở ra những khu vực đầu tư mới, một cánh cửa kinh doanh mới cho các nhà đầu tư, các dự án tiềm năng dường như là một tất yếu.

Tuy nhiên, kể từ khi quy hoạch được ký thông qua thì sự quan tâm của giới đầu tư đối với quy hoạch đã giảm đi rất nhiều. Nguyên nhân có thể là do trước đó người dân nói chung và giới đầu tư nói riêng vẫn hy vọng quy hoạch được phê duyệt sẽ giải quyết được mọi ách tắc, trong khi giới đầu tư thì muốn đi tắt đón đầu để đạt được lợi nhuận.

Lý giải vấn đề trên, ông Nguyễn Kim Cương - Phó Giám đốc CTCP Thế Gia cho rằng, không phải giới đầu tư không kỳ vọng vào quy hoạch Thủ đô, thậm chí là họ rất kỳ vọng. Thế nhưng, quy hoạch được thông qua đúng vào thời điểm thị trường khó khăn, tính thanh khoản cực thấp nên việc tìm kiếm lợi nhuận từ quy hoạch là khá khó khăn.

Một số nhà đầu tư lại cho rằng, hiện tượng thị trường trầm lắng sau phê duyệt quy hoạch có thể do các nguyên nhân như: Trong quá trình lập quy hoạch, giới đầu tư “đánh hơi” được phương án chọn nên đã nhanh tay gom hàng trước. Hơn nữa, lượng tiền đổ vào BĐS của các nhà đầu tư nội đã tới hạn, nay không còn khả năng “bơm” thêm nữa.

Và theo nhận định của các chuyên gia, sở dĩ giới đầu tư tỏ ra thờ ơ với quy hoạch Thủ đô là do họ không muốn mình lại bị hớ như những gì đã xảy ra ở Ba Vì hai năm về trước. Những thông tin trong đồ án dù đã được công khai nhưng nó mới chỉ dừng ở cấp độ chung, còn các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu, các dự án trọng điểm thì vẫn là những ẩn số.

 

... Và chờ hiện thực

Chính ông Vũ Xuân Thiện – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS phải thừa nhận: “Đúng là giới đầu tư đã tỏ ra không mấy mặn mà, họ thận trọng hơn với đồ án bởi những cú vấp trước đó. Đến thời điểm này, quy hoạch Hà Nội mới chỉ là tiềm năng, chưa biến thành hiện thực”.

Cũng theo ông Thiện, thị trường BĐS đang tồn tại nhiều khó khăn như: Giá BĐS nói chung và nhà ở nói riêng tại các khu đô thị lớn đang quá cao so với mặt bằng chung của người dân; cơ cấu về hàng hóa BĐS đặc biệt là nhà ở còn bất hợp lý, chính vì vậy có những phân khúc kinh doanh tốt, có những phân khúc trầm lắng. Và cuối cùng là hệ thống tài chính về BĐS chưa hoàn thiện, chưa được quan tâm một cách đúng mức.

Còn theo GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, không ai có thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của đồ án quy hoạch Thủ đô đối với thị trường BĐS Hà Nội. Đồ án sẽ tạo ra một tiềm năng rất lớn cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải tính toán một cách thận trọng xem nên bắt đầu từ đâu và cũng không loại trừ phải tận dụng cả các mối quan hệ thì mới mong gặt hái được thành quả từ đồ án quy hoạch đồ sộ này.

Mặc dù vài tuần trở lại đây đã có những thông tin tốt liên quan đến chính sách vĩ mô về tài chính, đầu tư BĐS như: Tín dụng cho vay BĐS sắp tới được nới lỏng, BĐS có thể được nhấc ra khỏi nhóm cho vay phi sản xuất, từ tháng 9 lãi suất ngân hàng hạ... khiến nhiều người kỳ vọng thị trường BĐS sẽ khởi sắc trở lại. Mặc dù quan chức của cơ quan quản lý cũng “đánh tiếng” các ngân hàng sẽ nới van tín dụng cho các DN BĐS, nhưng dường như chưa có ngân hàng nào có động thái “xé rào” vượt quy định của NHNN để giải cứu thị trường BĐS.

Việc mở lại “van tín dụng” cũng đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ rủi ro cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt là nhóm các ngân hàng nhỏ mà các cổ đông của các ngân hàng này lại chính là các đại gia BĐS và cũng đồng nghĩa với việc đi ngược lại với những biện pháp và nỗ lực kiềm chế lạm phát của chính phủ.

Ông Trần Đinh Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế VN lo ngại, lĩnh vực BĐS sẽ còn khó khăn đến năm 2012. "Vì nền kinh tế chung, các DN phải “cắn răng” chờ thời. Trong thời buổi khó khăn, ai cũng cần vốn không riêng gì địa ốc" - Ông Thiên khẳng định.