Sau khi thực hiện các thương vụ M&A, các nhà băng thường bày tỏ sự hài lòng khi có cơ hội tăng trưởng thần tốc về tổng tài sản, vốn điều lệ, nhân sự, mạng lưới.
Đơn cử như HDBank, năm 2013, với sức mạnh hội nhập từ DaiABank và HDFinance, HDBank trở thành một trong những ngân hàng lớn tại Việt Nam. Sau thành công của chiến lược phát triển giai đoạn 2011 - 2016, năm 2017 đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của nhà băng này với lợi nhuận trước thuế hơn 2.400 tỷ đồng.
Đầu năm 2018, HDBank đã niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán, thu hút hơn 300 triệu USD từ nhà đầu tư nước ngoài trong đợt IPO trước khi lên sàn. Kết thúc 2 quý đầu năm nay, lợi nhuận Ngân hàng đạt hơn 2.000 tỷ đồng, nợ xấu được kiểm soát dưới mức 1%.
Đáng chú ý, HDBank đang trong quá trình hoàn tất việc sáp nhập thêm PGBank để tăng quy mô hoạt động, giúp mạng lưới tiếp tục được mở rộng thêm 45 chi nhánh và phòng giao dịch. Lũy kế tính đến cuối năm 2018, HDBank có 285 điểm ngân hàng và 13.000 điểm giao dịch tài chính trên cả nước.
Ngân hàng sau M&A được tăng thêm nguồn vốn sử dụng và khả năng tiếp cận nguồn vốn, chia sẻ rủi ro, tăng cường tính minh bạch về tài chính. Nhưng đi kèm với đó đều là sự “trả giá” khi chấp nhận sụt giảm lợi nhuận trong giai đoạn đầu, gồng mình xử lý nợ xấu.
Chẳng hạn, sau khi sáp nhập Habubank vào năm 2012, SHB có lợi nhuận trước thuế 1.825 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế và sau khi bù đắp lỗ lũy kế của Habubank chỉ còn 26 tỷ đồng. Dù vậy, sau những “hy sinh” ban đầu, những năm gần đây, tăng trưởng về quy mô tổng tài sản của SHB được cải thiện rõ nét. Ngân hàng đạt trên 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay nhờ tăng trưởng thu nhập tín dụng và giảm đáng kể chi phí dự phòng.
Trong khi đó, những nhà băng vẫn đang trong quá trình nỗ lực xử lý nợ xấu sau M&A phải kể tới như SCB, Maritime Bank, Sacombank. Từ năm 2011 đến nay, SCB sau hợp nhất 2 ngân hàng Ficombank, TinNghiaBank đã tích tụ tài chính từ nguồn quỹ dự phòng rủi ro gần 7.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ được hoàn nhập sau giai đoạn tái cơ cấu vào cuối năm 2019.
BIDV, MaritimeBank, Sacombank cũng là những ngân hàng đã có bước cải tổ mạnh mẽ trong thời kỳ hậu M&A, song vẫn còn khó khăn khi nợ xấu lớn.
Năm 2017, Sacombank đã xử lý được 20.000 tỷ đồng nợ xấu và nửa đầu năm nay thu về thêm 3.600 tỷ đồng. Nhưng theo lãnh đạo nhà băng này, đến nay, Ngân hàng vẫn còn khối nợ xấu khá lớn, vào khoảng 50.000 tỷ đồng chưa được xử lý.
Dù vậy, tình hình hoạt động của Ngân hàng đã có sự cải thiện, với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 đạt gần 1.000 tỷ đồng, tương đương 54,2% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank cuối năm 2017 là 4,28%, hiện đã giảm xuống còn 3,3% và dự kiến sẽ giảm xuống dưới 3% vào cuối năm 2018.
Đánh giá về quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, cũng như hoạt động M&A của ngành ngân hàng, TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng cho rằng, lĩnh vực này đã đạt được những thành công bước đầu. Cái lợi sau M&A là sự ổn định chung của toàn thị trường, nền kinh tế có một hệ thống ngân hàng mạnh hơn, phát triển, ổn định, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, cổ đông và nhà đầu tư cổ phiếu “vua”.
Hiện tại, mục tiêu giảm số lượng ngân hàng trong toàn hệ thống đòi hỏi các nhà băng phải có sự nỗ lực rất lớn trong hoạt động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tồn tại trên thị trường. Do đó, trong thời gian tới, hoạt động của ngành ngân hàng cần có sự thay đổi về mọi mặt, cả quản trị lẫn công tác quản lý rủi ro.
Bên cạnh đó, các chuyên gia tài chính cho rằng, từ nay đến hết năm 2018, thị trường M&A ngân hàng sẽ có phần trầm lắng. Việc tái cơ cấu ngân hàng trong vài năm tới vẫn chủ yếu dựa vào nguồn lực trong nước. Nhưng sau năm 2018, làn sóng M&A ngân hàng sẽ sôi động hơn, nếu nợ xấu đã được các nhà băng xử lý phần lớn. Như vậy, cuộc “đại phẫu” của ngành ngân hàng cần tiếp tục được đẩy mạnh.