Hậu khủng hoảng, Nhà Thủ Đức (TDH) lên kế hoạch mua 3 dự án trên 10.000 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Tân Tổng giám đốc, ông Đàm Mạnh Cường cho biết, Nhà Thủ Đức cần 3.000-5.000 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng cho một dự án. Nguồn huy động từ phát hành riêng lẻ chỉ đáp ứng một phần.
Hậu khủng hoảng, Nhà Thủ Đức (TDH) lên kế hoạch mua 3 dự án trên 10.000 tỷ đồng

Trước khi Đại hội cổ đông bất thường (ĐHCĐ) của Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (ThuDucHouse - mã chứng khoán TDH) diễn ra tuần trước, giới thạo tin đã thảo luận về việc có cổ đông/nhóm cổ đông mới/đối tác mới tham gia vào TDH, cùng tháo gỡ các “nút thắt” và dự TDH được “giải cứu”.

Diễn biến này càng được quan sát kỹ khi HĐQT Nhà Thủ Đức có tờ trình về việc sẽ phát hành riêng lẻ huy động vốn hơn ngàn tỷ đồng. Với thực trạng lùm xùm về truy thu thuế hàng trăm tỷ đồng, lãnh đạo công ty bị bắt tạm giam, khó khăn tài chính…, nếu không có sự góp sức từ nhân tố mới, khó lòng phát hành thành công.

Chia sẻ trong đại hội, lãnh đạo Nhà Thủ Đức cho biết, song song với việc xử lý khủng hoảng và đẩy nhanh tiến độ dự án cũ, Công ty có kế hoạch tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển dự án mới với quy mô vừa và nhỏ, phù hợp với tình hình tài chính của công ty, tập trung ở TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Quy mô quỹ đất hướng đến 1-10 ha để xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân, hợp tác đầu tư văn phòng vừa và nhỏ, hạn chế đầu tư vào các khu vực, dự án có liên quan đến đất công để tránh vướng mắc về pháp lý.

Tiết lộ đáng chú ý, ông Đàm Mạnh Cường, Tổng giám đốc Nhà Thủ Đức cho biết, Công ty đang làm việc với một số đối tác có quỹ đất lớn, vị trí đẹp ở TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Cần Thơ... Để đảm bảo tính chất bảo mật thông tin nên chưa thể chia sẻ cụ thể hơn để đạt được thoả thuận về chuyển nhượng dự án. Các dự án có quy mô khá lớn có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Riêng việc nhận chuyển nhượng dự án cũng cần 3.000-5.000 tỷ đồng/dự án. Việc phát hành riêng lẻ huy động 1.440 tỷ đồng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu vốn.

Do đó, ngoài huy động vốn từ phát hành riêng lẻ, công ty sẽ huy động từ nguồn vốn vay, từ ngân hàng, tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư. Đồng thời, nay khi đủ điều kiện, công ty sẽ có phương án phát hành cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu để gia tăng nguồn lực tài chính do nhu cầu nguồn vốn phát triển quỹ đất và triển khai các dự án là rất lớn.

Sở dĩ hiện nay TDH chưa thể phát hành cho cổ đông hiện hữu là bởi theo quy định của Luật Chứng khoán, công ty đang lỗ lũy kế nên không được thực hiện chào bán cho cổ đông hiện hữu. Do đó, ban điều hành chuyển hướng sang phát hành riêng lẻ.

Ông Cường cho biết, công ty đang đàm phán với một số nhà đầu tư quan tâm để có thể hoàn tất phát hành trong quý 2/2022.

Để thuận tiện cho việc chớp cơ hội, ĐHCĐ Nhà Thủ Đức cũng xin ý kiến cổ đông về việc uỷ quyền cho HĐQT quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị 35% tổng giá trị tài sản trở lên.

Theo ông Cường, do giá trị đầu tư dự án lớn vượt quá 35% tổng tài sản nên việc quyết định đặt cọc đầu tư dự án không thuộc thẩm quyền HĐQT, phải đợi thông qua ĐHCĐ và việc này có thể ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư và phát triển dự án.

Nếu công ty có thể đạt được thoả thuận về việc chuyển nhượng dự án, HĐQT công ty sẽ thực hiện đặt cọc và sau đó thông qua ý kiến của cổ đông bằng văn bản, bao gồm các thông tin chi tiết về dự án, tổng mức đầu tư, doanh thu, lợi nhuận dự kiến,... để quyết định thực hiện đầu tư dự án. Nếu đạt được, TDH có một tiềm lực mạnh để phát triển về hoạt động kinh doanh lẫn tài chính cho công ty và đảm bảo quyền lợi cổ đông.

Bên cạnh đó, TDH cũng có kế hoạch quay lại mảng quản lý chợ. Dự kiến, HĐQT sắp tới sẽ trình và xin ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua chủ trương, định hướng quay lại thế mạnh của TDH: BĐS và quản lý chợ - lĩnh vực đã tạo nên tên tuổi của Thuduc House.

“Chúng tôi đang xúc tiến với các đối tác để gia tăng hình ảnh của TDH trong vai trò nhà quản lý chợ, không chỉ tại TP.HCM mà còn ở các địa phương khác có nhu cầu phát triển mô hình chợ nông sản”, ông Cường nói.

Nói về thông tin lãnh đạo cấp cao của TDH bị bắt, một cổ đông của TDH lâu năm, gắn bó với TDH từ năm 2008 muốn đích thân nghe Chủ tịch nói cho biết những vi phạm của các cá nhân này đã ảnh hưởng như thế nào đến tình hình hoạt động kinh doanh của công ty trong thời gian vừa qua và tương lai?

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT cho biết, sự việc xảy ra vừa qua ngoài ý muốn của ban điều hành cũng như Ban Tổng giám đốc. HĐQT cũng không ngờ tới.

"Theo nhận định của tôi, hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của công ty là hoạt động bình thường, có sự kiểm soát của cơ quan thuế và hải quan. Công ty được hoàn thuế nhiều lần trong hai năm 2018, 2019 và trong khoảng thời gian đó, không có bất kỳ hiện tượng gì thể hiện công ty có sai sót", ông Hiếu nói.

“Tuy nhiên, trên thực tế chúng tôi có thể vướng vào một đường dây nào đó mà chúng ta hoàn toàn không biết sự việc đằng sau thế nào. Nhưng theo ý kiến chủ quan của tôi, ban điều hành làm đúng trách nhiệm của mình”, ông Hiếu cho biết thêm.

Tất nhiên, điều này ảnh hưởng đến hoạt động công ty. Cụ thể, công ty phải huy động toàn lực để có 365 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra. May mắn Công ty đã giải quyết xong vào tháng 6/2021. Phần nợ còn lại là lãi do ngành thuế tính, các khoản lãi này cứ treo đến khi có kết luận của cơ quan điều tra mới xử lý được.

Để biết được chính xác công ty có vướng sai phạm hay không, ông Hiếu cho biết, phải chờ kết luận cơ quan điều tra. Nếu không sai phạm sẽ được hoàn số tiền này và không bị tính lãi, còn nếu sai phạm chúng ta phải đối mặt với những sự thật này.

Quá trình này kéo dài từ đầu năm đến nay, HĐQT đã thành lập ngay ban xử lý khủng hoảng và đích thân ông Hiếu thay mặt Tổng Giám đốc xử lý toàn bộ hoạt động công ty, cấu trúc lại cơ cấu tài chính, bộ máy nhân sự. Hiện nay, công ty vẫn còn một số tài sản để đảm bảo hoạt động được diễn ra bình thường, không ảnh hưởng đến tình hình công ty trong tương lai.

Tin bài liên quan