Hậu “khoanh vùng”, lối vào bảo hiểm học sinh có rộng mở?

(ĐTCK) Tiếp sau công văn bị coi là “chỉ đạo mua bảo hiểm” hôm 23/7 như Đầu tư Chứng khoán đã đăng tải, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa chính thức ra thêm công văn được xem là động thái mang tính “gỡ gạc” trước áp lực của dư luận. Thế nhưng, liệu việc đó có giúp mở rộng cửa cho mọi doanh nghiệp bảo hiểm tiếp cận các trường học ở Hà Nội? 
Hậu “khoanh vùng”, lối vào bảo hiểm học sinh có rộng mở?

Gỡ gạc?

Ngày 21/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành Công văn số 7594/SGD&ĐT-HSSV, được ký bởi Phó giám đốc Sở Nguyễn Hiệp Thống, gửi tới các phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã cùng các đơn vị trực thuộc.

Công văn nêu rõ: “Với các loại bảo hiểm tự nguyện, trong quá trình triển khai thực hiện, các trường phải bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật và tinh thần tự nguyện của học sinh, phụ huynh học sinh trong việc lựa chọn tham gia bảo hiểm; tuyệt đối không được ép buộc chỉ định hoặc giới hạn đơn vị bảo hiểm để gia đình học sinh phải tham gia”.

Những nội dung nói trên được cho là để bổ sung thông tin, tránh “hiểu lầm” về Công văn số 7198/SGD&ĐT-HSSV ngày 23/7 của Sở, trong đó gợi ý đích danh 5 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), gồm Bảo Việt Hà Nội, PJICO Hà Nội, Bảo Minh Thăng Long, Bảo Minh Hà Nội và BSH mà các trường học nên hợp tác để bán bảo hiểm tự nguyện cho học sinh. Tuy nhiên, vẫn còn có sự băn khoăn từ các DNBH khác cũng như chính lãnh đạo một số đơn vị thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về khả năng tiếp cận của các DNBH ngoài 5 DN nói trên với học sinh của trường.

Doanh nghiệp bảo hiểm không được “điểm tên” có dễ “vào”?

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một số hiệu trưởng trên địa bàn Hà Nội cho biết, dẫu có văn bản chỉ đạo cập nhật là không giới hạn đơn vị bảo hiểm, nhưng các trường vẫn thấy băn khoăn và khó nghĩ nếu muốn hợp tác với bất kỳ doanh nghiệp bảo hiểm nào không có tên trong Công văn 7198.

“Dẫu Công văn số 7198 chỉ là văn bản thừa lệnh, còn Công văn 7594 mới là ký thay Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, mang tính chỉ đạo, nhưng công văn mới không nêu rõ hủy công văn cũ. Do đó, chúng tôi vẫn sẽ ưu tiên những doanh nghiệp  được nêu tên, tránh phiền phức không đáng có về sau”, hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Nội nói.

Về phía nhà cung cấp sản phẩm bảo hiểm, một số doanh nghiệp bảo hiểm cũng cho biết, sau ngày 21/8, họ vẫn không thể tiếp cận được các trường học.

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng công tác học sinh, sinh viên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, hôm 26/8: “Sở vẫn cứ nhận công văn đề nghị hợp tác từ các doanh nghiệp bảo hiểm, còn nếu doanh nghiệp bảo hiểm nào có đủ khả năng làm việc trực tiếp với các trường (không cần qua Sở - PV) thì cứ làm”.

Ông Tuấn cũng tiết lộ, có 3 doanh nghiệp bảo hiểm vừa gửi hồ sơ báo cáo về việc hợp tác bán bảo hiểm cho các trường tại Hà Nội là PTI, MIC và Xuân Thành. Dựa trên hồ sơ mà các doanh nghiệp bảo hiểm gửi đến, Sở sẽ thẩm định và ký/đóng dấu trực tiếp vào từng bộ hồ sơ, từ đó, các DNBH sẽ trực tiếp mang hồ sơ đến các trường để mời mua bảo hiểm.

Cũng theo ông Tuấn, việc bán sẽ gặp thuận lợi hơn nhiều với những doanh nghiệp bảo hiểm “báo cáo” Sở. Nhiều năm qua, hầu hết trong 5 đơn vị bảo hiểm kể trên đều bán được và năm nào cũng có công văn đề nghị hợp tác với Sở trong bán bảo hiểm học sinh.

Mặc dù vậy, các DNBH chưa báo cáo Sở cũng cho rằng, nếu thiện chí để thị trường cạnh tranh lành mạnh, đã đến lúc Sở nên công bố hủy công văn cũ và quán triệt thực hiện theo công văn mới, không nên để các trường khó xử.

“Doanh nghiệp bảo hiểm được Bộ Tài chính cấp phép để hoạt động, được Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm chấp thuận cho kinh doanh sản phẩm bảo hiểm, trong đó có sản phẩm bảo hiểm học sinh, vậy có thừa không nếu Sở hay bất kỳ cơ quan chức năng nào khác  xen vào việc quản lý của hai cơ quan trên?”, một lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm đặt vấn đề.

Các doanh nghiệp khác thì cho rằng, Sở chỉ làm thông báo yêu cầu các trường tham gia bảo hiểm cho học sinh thì được, còn đòi thẩm định hồ sơ năng lực của doanh nghiệp bảo hiểm thì không đúng chức năng.

Còn báo cáo cuối năm về bảo hiểm học sinh, theo các doanh nghiệp bảo hiểm, đó là việc của trường phải báo cáo lên Sở, chứ không phải là doanh nghiệp bảo hiểm. Việc của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ là cung cấp dịch vụ tốt, giá cạnh tranh, bồi thường đúng cam kết.

Đầu tư Chứng khoán đã hỏi ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) trong tư cách là đại diện của các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên, AVI sẽ có động thái gì trước những hành vi bị coi là “can thiệp bán bảo hiểm”. 

Ông Lộc cho biết, trong phạm vi quyền hạn hoạt động của mình, AVI sẽ nhắc nhở doanh nghiệp bảo hiểm hội viên nếu sử dụng các văn bản hành chính để chi phối đến người mua bảo hiểm, còn việc xử lý vi phạm là của Bộ Tài chính. Ngoài ra, cũng theo ông Lộc, trách nhiệm sẽ thuộc về những người trực tiếp ký văn bản được xem là “can thiệp bán bảo hiểm”.

Tin bài liên quan