Từ đầu năm đến nay, trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã có 6 DN hủy niêm yết, trong đó có 3 DN hủy niêm yết tự nguyện, 3 DN hủy niêm yết bắt buộc. Theo HOSE, số DN hủy niêm yết có thể tiếp tục tăng lên từ nay đến cuối năm, nếu nhìn vào kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp như FBT, VSG…
Theo quy định mới tại Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, có hiệu lực từ 15/9/2012, thì một trong những trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc là doanh nghiệp có kết quả sản xuất - kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất. Quy định này mở rộng hơn trước đây là công ty lỗ 3 năm liên tục sẽ bị hủy niêm yết.
Sau khi công ty hủy niêm yết, cổ đông rơi vào tình cảnh bơ vơ về mọi mặt. Trước tiên là giá cổ phiếu giảm do thông tin hủy niêm yết, sau đó nếu muốn mua bán cổ phiếu cũng hết sức khó khăn. Bởi lẽ, sau khi hủy niêm yết, các công ty không mặn mà chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM, trong khi cổ phiếu “bị” lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán.
“Khi ra quyết định hủy niêm yết, chúng tôi đều yêu cầu công ty chuyển qua giao dịch trên UPCoM, song chưa thấy công ty nào thực hiện việc này”, một cán bộ của HOSE cho biết.
Đặc biệt, không niêm yết, cũng không đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM, doanh nghiệp lại rút lui vào “bóng tối”. Cổ đông tìm hiểu thông tin về công ty khó khăn hơn trước rất nhiều.
“Trước đây, chúng tôi đọc báo cáo tài chính hàng quý khi doanh nghiệp công bố trên Sở GDCK, hay có vấn đề gì báo chí đưa tin, doanh nghiệp phải giải trình Sở. Bây giờ, muốn biết thông tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư phải tự tìm hiểu và trông chờ vào tính tự giác công bố của doanh nghiệp là chính”, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu của một công ty rời sàn nói.
Rõ ràng, bảo vệ quyền lợi cổ đông của những công ty hủy niêm yết là vấn đề đáng quan tâm, bởi số lượng công ty hủy niêm hiện tại không phải là nhỏ và được dự báo tăng lên cho đến cuối năm, thậm chí cả sang năm 2013 - một năm được nhận định là nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Trước tình trạng các doanh nghiệp phải rời sàn, lãnh đạo HOSE cho rằng, đây là sự sàng lọc tất yếu của thị trường, song cũng là bài học cho nhiều nhà đầu tư trong việc lựa chọn cổ phiếu, doanh nghiệp để đầu tư.
Ngay cả đầu tư lướt sóng, nhà đầu tư cũng cần chọn cổ phiếu cơ bản để mua. Nếu chọn một công ty có nguy cơ thua lỗ kéo dài hoặc không minh bạch thông tin, chỉ vì cổ phiếu đó có nhiều sóng, sẽ là rủi ro lớn, vì tin xấu có thể ập đến bất cứ lúc nào, khiến nhà đầu tư thua lỗ hoặc kẹt vốn. Những nhà đầu tư muốn nắm giữ cổ phiếu lâu dài phải năng động hơn trong việc thực hiện quyền cổ đông của mình, không nên phó mặc tất cả cho đội ngũ quản lý điều hành doanh nghiệp.
Trên thực tế, trong giai đoạn đầu phát triển của thị trường, lợi dụng chủ trương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lên niêm yết, không ít lãnh đạo doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn nhằm mục tiêu chính là kiếm lợi cho cá nhân, bằng cách “đánh bóng” doanh nghiệp để bán cổ phần với giá cao. Sau đó, các ông chủ này vừa huy động thêm vốn từ phát hành cho cổ đông hiện hữu hay cổ đông chiến lược, vừa âm thầm bán cổ phần của mình ra thị trường tại thời điểm giá cao. Cho đến lúc thị trường khó khăn, nhiều cổ đông mới vỡ lẽ, doanh nghiệp không có được những tiềm năng như quảng bá ban đầu và năng lực của những người quản lý, điều hành doanh nghiệp là có hạn. Cổ đông bên ngoài chịu thua thiệt, nhưng rất nhiều cổ đông sáng lập đã kiếm bộn tiền từ việc niêm yết công ty.