Ông James Gia Co, đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Jinko Solar cam kết, Công ty có đầy đủ nguồn tài chính để triển khai xây dựng dự án. Về công nghệ, Nhà máy sử dụng công nghệ biến đổi quang năng thành điện năng sử dụng tấm năng lượng (công nghệ PV- Photovoltaic) cho hiệu suất chuyển đổi điện cao, chi phí đầu tư hợp lý và phù hợp với khí hậu Việt Nam.
Ông James Gia Co cho biết: “Sau khi được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Công ty sẽ liên hệ đơn vị chó chức năng đo vẽ phối hợp với UBND nơi được cấp đất dự án, xác định tính pháp lý khu đất làm cơ sở thực hiện việc đền bù, giải tỏa và làm thủ tục thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong thời hạn 3 tháng hoặc sớm hơn”.
Dự án thứ hai là Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 3 Công ty CP Đầu tư Phát triển Năng lượng Việt Lào, đại diện cho Tổ hợp các nhà đầu tư bao gồm: Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, Công ty CP Đầu tư Phát triển Năng lượng Việt Lào và Công ty TNHH Xây dựng Thủy lợi - Cầu và Đường Phongsubthavy (doanh nghiệp có trụ sở chính đặt tại thủ đô Viêng Chăn - Lào).
Nhà đầu tư đề xuất địa điểm thực hiện dự án tại Trung tâm điện lực Sông Hậu, xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện để cung cấp điện thương phẩm hòa vào mạng lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tiêu thụ năng lượng điện. Công suất thiết kế của Nhà máy khoảng 2.000 MW (3 x 660 MW), số giờ vận hành tại công suất đạt khoảng trên 6.500 giờ/năm; sản lượng tiêu thụ hàng năm là 13 tỷ kWh/năm.
Diện tích đất dành cho dự án là 117,08 ha, gồm: khu vực nhà máy chính, bãi xỉ, sân thi công...
Thời hạn thực hiện dự án trong 50 năm kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến 81.000 tỷ đồng (tương đương 3,636 tỷ USD), 100% từ nguồn vốn của nhà đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án khoảng 50 tháng kể từ khi khởi công đến thời điểm vận hành thương mại tổ máy cuối cùng.
Trong Báo cáo thẩm định dự án đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 3 do Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang, Nguyễn Văn Quân ký gửi UBND tỉnh Hậu Giang, Dự án này phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đã được phê duyệt. Đồng thời dự án cũng phù hợp với quy hoạch và kế hoạch của tỉnh trong lĩnh vực phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, có hai vấn đề cần lưu ý đó là vấn đề môi trường và công nghệ sản xuất của Nhà máy. Các vấn đề môi trường, chủ đầu tư đã nêu trong dự án cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, trước, trong và sau khi hoàn thành dự án đưa vào sử dụng và vận hành.
Còn về công nghệ của nhà máy, đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ theo hướng cập nhật công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường...
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang chho biết, do cả 2 dự án trên đều chưa có trong quy hoạch, cho nên tỉnh đã có công văn gửi Bộ Công thương đề nghị bổ sung vào quy hoạch, khi được bổ sung rồi, tỉnh sẽ làm các bước thủ tục tiếp theo, xúc tiến việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 29 dự án FDI, với tổng số vốn 808.563.599 USD. Nếu 2 dự án trên được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì Hậu Giang sẽ vươn lên đứng thứ nhì về thu hút đầu tư FDI trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (chỉ sau tỉnh Long An, hiện thu hút vốn FDI trên 6,7 tỷ USD).