Kết quả ấn tượng
Năm 2007, tỉnh Hậu Giang thành lập KCN đầu tiên là KCN Sông Hậu - giai đoạn I (tại huyện Châu Thành) với quy mô 290,79 ha.
Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch và đang phát triển 2 KCN, 4 cụm công nghiệp (CCN) tập trung với quy mô diện tích khoảng 912,6 ha; Khu Trung tâm Điều hành KCN Sông Hậu (12,55 ha) và Trung tâm Điện lực sông Hậu (355 ha).
Các KCN, CCN của tỉnh được quy hoạch xây dựng tại vị trí thuận lợi về giao thông. Về đường bộ, các KCN, CCN tiếp giáp với các tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ 1, Quốc lộ 61C…, kết nối thuận tiện với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM. Về đường thủy, các KCN, CCN tiếp giáp với sông Hậu, sông Ba Láng, kênh xáng Xà No, liền kề hệ thống cảng biển quốc tế, như cảng Vinalines (trong KCN Sông Hậu), cảng Cái Cui, có thể tiếp nhận tàu 10.000 - 20.000 tấn, thuận tiện cho việc vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Về đường hàng không, các KCN, CCN cách Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ trong bán kính 15 - 20 km.
Bên cạnh vị trí thuận lợi, các KCN, CCN của tỉnh Hậu Giang nằm trên vùng nguyên liệu nông sản, thủy hải sản dồi dào (lúa gạo, trái cây, rau củ, tôm, cá…) tại địa phương và các tỉnh lân cận. Đây là lợi thế lớn để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến. Thêm vào đó, các KCN, CCN đều nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nên được hưởng ưu đãi ở mức cao nhất theo quy định.
Thủ tục hành chính khi đầu tư vào các KCN, CCN được thực hiện theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”. Tất cả thủ tục đều được tiến hành nhanh và hiệu quả chỉ qua “một cửa” tại Ban Quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang.
Với quan điểm: “Sự thành công và lớn mạnh của doanh nghiệp cũng là sự phát triển bền vững của tỉnh”, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, chi phí khi đầu tư tại KCN, CCN từ giai đoạn tiếp xúc ban đầu đến khi dự án hoạt động. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh, Ban Quản lý các KCN, các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, kịp thời trợ giúp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhất là về công tác giải phóng mặt bằng, giao đất và cho thuê đất để nhà đầu tư triển khai dự án.
Tuy hình thành muộn, nhưng với lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống kết nối hạ tầng giao thông thuận lợi, cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội và môi trường đầu tư thông thoáng của tỉnh, nên các KCN, CCN tập trung của Hậu Giang thu hút đầu tư đạt kết quả rất ấn tượng.
Hiện KCN Sông Hậu - giai đoạn I đã lấp đầy trên 90% diện tích đất công nghiệp, KCN Tân Phú Thạnh - giai đoạn I cũng đạt tỷ lệ lấp đầy trên 73,4%. Đặc biệt, về thu hút vốn đầu tư, các KCN, CCN tập trung của tỉnh Hậu Giang đang đứng thứ 2 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (sau Long An).
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang, tại các KCN, CCN của tỉnh tính đến nay có 106 dự án đầu tư (trong đó có 60 dự án đã đi vào hoạt động), với tổng vốn thu hút đầu tư trong nước là 76.178 tỷ đồng, vốn đầu tư nước ngoài là 3.802,5 triệu USD. Trong đó, với sự nỗ lực trong công tác kêu gọi, thu hút đầu tư, hiện trong KCN, CCN do tỉnh (Ban Quản lý các KCN) quản lý đã thu hút được 73 dự án (gồm 12 dự án nước ngoài) với tổng vốn đăng ký là 74.309 tỷ đồng và 3.802,5 triệu USD. Tại các CCN do cấp huyện quản lý thu hút được 33 dự án, có tổng vốn đăng ký đầu tư là 1.869 tỷ đồng.
Trong những năm qua, các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Riêng năm 2020, các doanh nghiệp trong KCN, CCN của tỉnh tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 28.202 tỷ đồng, chiếm 68,29% so với toàn tỉnh; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 531,665 triệu USD, chiếm 79,35% so với toàn tỉnh; giá trị nhập khẩu đạt 342,481 triệu USD, chiếm 87,59% so với toàn tỉnh; thu ngân sách khoảng 543 tỷ đồng, chiếm 16,72% so với toàn tỉnh (giá trị thu nội địa); tham gia giải quyết việc làm cho trên 25.000 lao động của địa phương và các tỉnh, thành phố lân cận.
KCN Sông Hậu - giai đoạn I (huyện Châu Thành) đã lấp đầy trên 90% diện tích đất công nghiệp |
Đề xuất phát triển thêm 12 KCN
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ triển khai đầu tư nhiều công trình, dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng giao thông, như: Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng… Bên cạnh đó, các dự án nâng cấp, mở rộng một số tuyến quốc lộ trong vùng cũng đang được triển khai. Các dự án này không chỉ tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông, mà còn tạo động lực quan trọng cho các địa phương trong vùng tiếp nhận làn sóng đầu tư.
Là một trong những “điểm sáng” về thu hút đầu tư của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và được hưởng lợi trực tiếp từ các dự án trên, Hậu Giang sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, hiện nay, quỹ đất công nghiệp để kêu gọi thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh không còn nhiều để có thể đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong thời gian tới. Do đó, nhu cầu thành lập KCN mới là rất cấp thiết.
Nhằm tạo quỹ “đất sạch” đón đầu cơ hội thu hút đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang đã tham mưu UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận Đề án Bổ sung quy hoạch KCN Đông Phú (diện tích khoảng 120 ha) vào Quy hoạch Phát triển các KCN ở Việt Nam ngay khi Thủ tướng Chính phủ thống nhất bổ sung tăng chỉ tiêu sử dụng đất KCN 120 ha cho tỉnh Hậu Giang. Bên cạnh đó, Ban cũng đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN để kêu gọi thu hút nhà đầu tư hạ tầng KCN, CCN tập trung.
Ông Nguyễn Phong Minh, Trưởng ban, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang cho biết, UBND tỉnh Hậu Giang đã có chủ trương giao Ban Quản lý các KCN lập Đề án Bổ sung quy hoạch phát triển KCN trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030 vào quy hoạch các KCN Việt Nam; trong đó, dự kiến quy hoạch phát triển 12 KCN với tổng diện tích khoảng 5.438 ha.
Cụ thể, địa bàn huyện Châu Thành quy hoạch 7 KCN, gồm KCN Đông Phú (120 ha), KCN Đông Phú - giai đoạn II (290 ha), KCN Đông Phú - giai đoạn III (334 ha), KCN Sông Hậu - giai đoạn II (305 ha), KCN Sông Hậu - giai đoạn III (202 ha), KCN Phú Tân (1.406 ha), KCN Phú Hữu - giai đoạn I (1.105 ha). Huyện Châu Thành A quy hoạch KCN Nhơn Nghĩa A (237 ha), KCN Tân Phú Thạnh - giai đoạn II (274 ha), KCN Tân Hòa (475 ha). Huyện Phụng Hiệp quy hoạch KCN Long Thạnh (290 ha) và TP. Ngã Bảy quy hoạch KCN Tân Thành (400 ha).
“Song song với việc lập Đề án Bổ sung quy hoạch phát triển KCN trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2030 vào quy hoạch các KCN Việt Nam, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang cũng đã đề xuất 6 khu vực có vị trí liền kề KCN để xây dựng các khu đô thị - dịch vụ, tái định cư, dân cư, nhà ở xã hội phục vụ KCN có diện tích khoảng 654 ha tại địa bàn các huyện: Châu Thành, Châu Thành A và Phụng Hiệp”, ông Nguyễn Phong Minh thông tin.
Danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào các KCN, CCN tập trung trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
- Nhóm ngành sản xuất, chế biến thực phẩm
- Nhóm ngành sản xuất đồ uống
- Nhóm ngành sản xuất trang phục
- Nhóm ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu
- Nhóm ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác
- Nhóm ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị)
- Nhóm ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học
- Nhóm ngành sản xuất thiết bị điện
- Nhóm ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu
- Nhóm ngành sản xuất ô tô và xe có động cơ khác
- Nhóm ngành sản xuất phương tiện vận tải khác
- Nhóm ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế
- Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khác
- Nhóm ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị
- Nhóm ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí
- Nhóm ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước
- Nhóm ngành thoát nước và xử lý nước thải
- Nhóm ngành kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải
- Các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường.