Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và các đại biểu thực hiện nghi thức công bố các hệ thống thông tin, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh.
Theo ông Đoàn Quốc Thật, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang, các hệ thống thông tin của tỉnh Hậu Giang bao gồm các nội dung: Cổng dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng di động Hậu Giang; hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội trực tuyến; hệ thống quản lý văn bản; trục liên thông dữ liệu (LGSP).
Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang là bộ não của chính quyền số. Trung tâm có nhiệm vụ quản trị trung tâm dữ liệu tỉnh, giám sát điều hành an ninh trật tự, phản ánh hiện trường và điều hành phát triển kinh tế- xã hôi của tỉnh Hậu Giang.
Trung tâm giám sát an toàn, an ninh thông tin có nhiệm vụ giám sát, điều phối, xử lý sự cố an ninh mạng, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho các cơ quan của tỉnh trên không gian mạng.
Cổng dịch vụ công trực tuyến giúp người dân và doanh nghiệp nộp và theo dõi hồ sơ trực tuyến; các cơ quan có thể xử lý hồ sơ thủ tục hành chính hoàn toàn trên môi trường điện tử.
Ứng dụng di động Hậu Giang là kênh tương tác giữa người dân với chính quyền qua internet cũng như tương tác giữa các cán bộ công chức với nhau, như: Phản ánh hiện trường, đặt lịch khám bệnh, xem lịch làm việc...
Tổng đài cải cách hành chính giúp người dân phản ánh, giao tiếp với chính quyền qua số điện thoại và tài khoản zalo về giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.
Hệ thống báo cáo kinh tế- xã hội trực tuyến giúp các sở, ngành, địa phương quản lý các số liệu báo cáo của ngành, địa phương mình, đồng thời là phương tiện để gửi báo cáo lên cơ quan cấp trên thay cho việc gửi báo cáo bằng văn bản.
Trục liên thông dữ liệu tỉnh (LGSP) là hệ thống nền tảng giúp các hệ thống thông tin của tỉnh chia sẻ, kết nối với nhau, đồng thời kết nối với các cơ sở dữ liệu Quốc gia...
Phát biểu tại buổi Lễ nêu trên, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, việc công bố các hệ thống thông tin, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang được xem là cột mốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình lịch sử của tỉnh Hậu Giang trong nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cơ quan nhà nước.