Ngày 29/4/2022, ĐHCĐ thường niên 2022 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương OGC diễn ra thành công từ lần đầu tiên với mọi tờ trình được thông qua, trong đó có nội dung miễn nhiệm và bầu bổ sung lại hầu như toàn bộ Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát – tín hiệu cho thấy cuộc đổi chủ tại OGC đã hoàn tất sau nhiều năm dai dẳng.
Diễn biến cổ phiếu OGC cũng cho thấy có sự chuyển nhượng rốt ráo trước ngày tổ chức đại hội, đặc biệt, 2 phiên có lệnh thoả thuận khủng 28/3/2022 với 23,36 triệu đơn vị và ngày 1/4/2022 thoả thuận 46,656 triệu đơn vị. Tổng cộng từ 28/3-5/4, có đến 90,9 triệu cổ phiếu OGC, tương ứng khoảng 30,3% lượng cổ phiếu đang lưu hành đã được chuyển nhượng.
Tháng 4 cũng là giai đoạn mà nhiều cựu lãnh đạo và các nhân sự thuộc diện công bố thông tin bán ra lượng lớn cổ phiếu theo phương thức thoả thuận, tổng cộng vào khoảng hơn 31 triệu đơn vị.
Về diễn biến giá cổ phiếu OGC giai đoạn này cũng tăng vọt từ vùng giá dưới 10.000 đồng/CP lên cao nhất 20.500 đồng/CP (phiên 5/4), nhưng sau đó giá cổ phiếu OGC giảm sâu, chung xu hướng thị trường, thậm chí có lúc về dưới 10.000 đồng/CP.
Tính từ đầu năm đến nay, OGC thường xuyên có các lệnh thoả thuận, từ vài chục ngàn đến 3,8 triệu đơn vị, với tổng số lượng hơn 134,95 triệu đơn vị. Số lượng cổ phiếu này tương ứng 45% lượng cổ phiếu đang lưu hành của OGC.
Theo chia sẻ từ nguồn tin, nhóm cổ đông đã đạt được thoả thuận tăng sở hữu chi phối tại OGC sau nhiều năm đeo đuổi thương vụ.
Đến thời điểm hiện tại, công cuộc sắp xếp, tái cấu trúc tại OGC đang thực hiện rốt ráo, dự kiến IDS Holdings với sự góp sức của nhóm cổ đông liên quan đến tập đoàn đa ngành, từ bất động sản, khách sạn, năng lượng, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, sẽ giúp OGC có thêm nguồn lực và có thể tham gia thêm nhiều dự án bất động sản hơn, nguồn tin cho biết.
Được biết, phân khúc bất động sản mà Tập đoàn này đang tập trung là cho thuê bất động sản khu công nghiệp (đang đầu tư và khai thác 14 khu công nghiệp trên cả nước với khoảng 3.000 ha), và là nhà đầu tư, nhà phát triển bất động sản lớn đã đưa ra thị trường hơn 20.000 sản phẩm.
Thông tin này có phần trùng khớp với chia sẻ của bà Lê Thị Việt Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty (bổ nhiệm 29/4/2022) chia sẻ tại tại ĐHCĐ trước câu hỏi của cổ đông “chủ mới OGC là ai”.
Theo bà Nga, IDS Equity Holding hợp tác cùng một số nhà đầu tư để đầu tư vào OGC, đang nắm chi phối tại OGC. Thời gian tới, Công ty tiếp tục hợp tác cùng tập đoàn bất động sản lớn, định chế tài chính và ngân hàng để khai thác các dự án trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, với biến động tiêu cực suốt 10 năm qua, cổ đông nhỏ lẻ liệu có an tâm đồng hành với công ty hay chưa? Bà Nga cho biết, với sự tham gia cổ đông lớn hiện tại là IDS Equity Holding và một số cổ đông khác, tức có người lèo lái mới, xây dựng định hướng phát triển mới và tháo gỡ khó khăn lớn nhất là vốn, tài chính. OGC hiện có nguồn lực mới gồm nhân sự giàu kinh nghiệm, năng lực tài chính vững mạnh và sự hỗ trợ từ các tập đoàn bất động sản lớn, định chế tài chính - sẽ giúp công ty phát triển dài hạn.
Thông tin về danh tính “đại gia bí ẩn” sở hữu lớn tại OGC đã rò rỉ trên thị trường, nhiều nhà đầu tư nhạy tin chia sẻ nhìn công cuộc đổi chủ tại cấu trúc tại OGC là game hay, đáng để “đặt cược”.
Điều này cũng lý giải một phần cho giá cổ phiếu OGC gần đây, sau giai đoạn gần như không mấy biến động ở vùng 13.000 đồng/CP, đã có những phiên bứt phá trần cứng và đi lên vùng 15.500 đồng/CP. Tính từ đầu tháng 8 đến 9/9, OGC ghi nhận mức tăng giá 23%.
Quan sát kỹ hơn thông tin mà đội ngũ mới của OGC chia sẻ trong ĐHCĐ dường như cũng cho thấy OGC sẽ được tái cấu trúc thành đơn vị chuyên về bất động sản. Cụ thể, OCH là công ty thành viên cốt lõi và quan trọng của OGC với lĩnh vực kinh doanh trọng yếu khách sạn, dịch vụ, thực phẩm, trong đó có giải pháp tập trung vào yếu tố thị trường, thu hút khách hàng, tập trung vào cốt lõi là xây dựng nhà xưởng...
Bà Nga cho biết, OCH có tài sản lớn, thời gian tới có thể tái cấu trúc các dự án bất động sản từ OCH và chuyển trực tiếp về OGC để quản lý và phát triển dự án, nhằm tối ưu hoá nguồn lực 2 bên, tạo điều kiện thu hút vốn hợp tác trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, và tập trung cho các dự án còn dang dở.
Hiện Công ty cổ phần Khách sạn Dịch vụ OCH đã đổi tên thành One Capital Hospitality, được biết đến là chủ sở hữu hàng loạt resort, khách sạn lớn như Sunrise Nha Trang, Sunrise Hội An, Starcity Nha Trang, Starcity Airport TP.HCM, Starcity Tây Hồ, đồng thời là chủ sở hữu thương hiệu bánh Girval và kem Tràng Tiền.
Luồng thông tin hành lang cho biết, có khả năng OGC cũng sẽ nhận hàng chục dự án bất động sản từ các đơn vị trong hệ sinh thái của tập đoàn đa ngành kể trên để cùng hợp tác, phát triển và khai thác. Song song đó, OGC cũng sẽ có thể có thêm các hợp tác khác có nguồn lực tài chính cũng như kinh nghiệm về bất động sản để cùng đi nhanh hơn.
Với riêng OGC, đơn vị này cũng được cho là có nhiều tài sản, nhưng với nguồn lực tài chính hạn hẹp ( do các khoản nợ xấu lớn, hiện đã trích lập 100% giá trị vào khoảng 2.553,2 tỷ đồng) nên chưa khai thác hiệu quả, nhiều dự án đang tạm dừng triển khai.
Thông tin về các dự án của OGC |
Ở thời điểm hiện tại, có thể điểm danh nhanh một số dự án bất động sản của OGC có vị trí đắc địa, giá trị thị trường tốt. Cụ thể, theo thông tin công bố trước đó của OGC, Công ty có kế hoạch tiếp tục khởi động triển khai dự án ngay khi có đủ điều kiện như dự án Tổ hợp văn phòng, TTTM, khách sạn và căn hộ cho thuê tại số 25 Trần Khánh Dư, Hà Nội. Dự án Tổ hợp văn phòng – TTTM Legafashion House tại quận 10, Hồ Chí Minh. Song song đó là việc tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh thực hiện dự án.
Dự án 25 Trần Khánh Dư có vị trí vàng với diện tích hơn 5.400 m2, vốn đầu tư ước tính 700 tỷ đồng, khởi công từ 2016 nhưng đang dừng triển khai theo yêu cầu của cơ quan chức năng. OGC kỳ vọng có thể sớm tái khởi động lại dự án khi đủ điều kiện.
Còn dự án Lega Fashion House, quận 10, rộng hơn 5.000 m2, tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng. Năm 2015, OGC đã tính đến việc thoái vốn khỏi dự án nhưng thời gian gần đây, OGC đang đàm phán với Legamex và các bên tham gia dự án nhằm tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Theo kế hoạch của OGC năm 2022, tổng mức đầu tư cho 2 dự án ở công ty mẹ là 1.000 tỷ đồng mỗi dự án. Bên cạnh đó, OGC chấm dứt hợp tác đầu tư và rút vốn của công ty mẹ tại dự án Công viên Hồ Điều Hoà để tái cơ cấu khoản nợ đối với dự án này, thoái vốn tại dự án Licogi19; tiếp tục thực hiện hoặc nhận lại phần vốn góp tại dự án Gia Định Plaza.
OGC cũng sẽ mở rộng hoạt động sản xuất của Kem Tràng Tiền và bánh Givral; và nghiên cứu để đầu tư, hợp tác đầu tư từ 1-2 dự án mới trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, kho vận, nhà ở.
Bà Nga chia sẻ trong ĐHCĐ, OGC là tập đoàn có quỹ tài sản và hoạt động đầu tư nên có nhiều tiềm năng khai thác phát triển, cần nguồn lực lớn để tiếp tục đầu tư và tái khởi động các dự án đóng băng trước nay để tạo doanh thu và lợi nhuận.
Tính đến 30/6, OGC còn lỗ luỹ kế 2.760 tỷ đồng, và cổ phiếu OGC vẫn đang nằm trong diện bị hạn chế giao dịch - là hai vấn đề lớn cần "ông chủ mới" của OGC tháo gỡ.
Dưới góc độ chứng khoán, câu chuyện lớn về tái cấu trúc và luồng thông tin về danh tính các ông chủ của OGC đã thu hút sự chú ý của dòng tiền. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng phân tích và theo dõi sát các diễn biến của OGC để đánh giá tính khả thi của kế hoạch, từ đó có những hành động phù hợp trong việc đầu tư vào OGC - là lời khuyên từ chuyên gia phân tích lâu năm trên thị trường với các nhà đầu tư ưa thích game đổi chủ, game hồi sinh như OGC.