Hậu Covid, vốn Nhật gia tăng sự quan tâm vào Việt Nam

Hậu Covid, vốn Nhật gia tăng sự quan tâm vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việt Nam hiện đang là điểm đến của hơn 32.000 dự án với tổng vốn đăng ký 378 tỷ USD từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai với hơn 60 tỷ USD vốn đầu tư.

Hiện thực hóa mối quan tâm

Với thành công trong khống chế và kiểm soát dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá là đất nước an toàn, điểm đến đầu tư hấp dẫn. Trong đó, các nhà đầu tư Nhật Bản, vốn có truyền thống gắn bó với hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam đã tỏ rõ mối quan tâm.

Một trong những minh chứng dễ thấy là việc có hơn 1.000 nhà đầu tư Nhật Bản đăng ký tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư phối hợp với Ðại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) tổ chức. Ðây là lần đầu tiên hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến được tổ chức với quy mô lớn như vậy.

Bên cạnh đó, theo khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại châu Á và châu Ðại Dương của JETRO tháng 2/2020, có 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN và đứng thứ ba trong khu vực châu Á, châu Ðại Dương (sau Bangladesh và Ấn Ðộ).

Trưởng đại diện Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - Văn phòng đại diện tại Hà Nội, ông Aguin Toru nhấn mạnh: "JBIC đánh giá Việt Nam là khu vực trọng điểm, là quốc gia đối tác quan trọng của JBIC trong nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, sản xuất, tài nguyên. Hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 tại thị trường Việt Nam với 82 dự án".

Ðáng chú ý, theo ông Aguin Toru, hiện tại, số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đang nộp đơn xin hỗ trợ hướng dẫn/giới thiệu đầu tư tại Việt Nam đã ở mức trên 100 doanh nghiệp. Do vấn đề về nguồn lực và các điều kiện mà JBIC chỉ có thể lựa chọn để hỗ trợ số lượng có hạn.

Trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu có khả năng suy giảm tới 40% trong năm 2020 trước tác động của đại dịch Covid-19, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài nửa đầu năm của Việt Nam vẫn khả quan.

Cụ thể, tổng vốn đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% cùng kỳ năm 2019. Tổng vốn đăng ký mới đạt 8,43 tỷ USD và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,72 tỷ USD, tăng tương ứng 13,8% và 26,8% so cùng kỳ.

Trong đó, ông Vũ Ðại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư nhấn mạnh, Việt Nam hiện đang là điểm đến của hơn 32.000 dự án với tổng vốn đăng ký 378 tỷ USD từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai với hơn 60 tỷ USD vốn đầu tư.

Liên tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh

Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

Với việc Quốc hội vừa thông qua các luật bao gồm Luật Ðầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Ðầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), ông Thắng khẳng định, khung khổ pháp lý sẽ trở nên thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với các thông lệ quốc tế nhằm thu hút có hiệu quả các dự án FDI có chất lượng, cũng như cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới.

Ðáng chú ý, Việt Nam đang tích cực vừa hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, khung khổ pháp lý, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, triển khai Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số. Năm 2019, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 3 bậc lên vị trí thứ 42 trong 129 quốc gia. Cải thiện 17 bậc so với 3 năm trước đó, đưa Việt Nam chỉ đứng sau Singapore và Malaysia trong ASEAN.

Những nỗ lực kể trên, cùng với việc chống dịch hiệu quả khiến các thành viên thị trường đánh giá Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong khu vực và trên toàn cầu. Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam Okabe Daisuke nhấn mạnh, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên đón nhận lợi thế của đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Hiện tại, Bộ Kinh tế công nghiệp của Nhật Bản đã xây dựng gói ngân sách 2,3 tỷ USD để thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng và JBIC đã áp dụng gói tài chính ứng phó với Covid-19. Ðây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Nhật Bản tăng nhanh đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo ông Okabe Daisuke, việc sớm vận hành tuyến metro số 1 TP. HCM, tái triển khai thi công cao tốc Bến Lức - Long Thành, sớm khởi công tuyến metro số 1 Hà Nội sẽ là giải pháp kích thích kinh tế vô cùng năng suất và hiệu quả đối với nền kinh tế Việt Nam.         

Tin bài liên quan