Dưới đây là 5 nhóm vấn đề mà các doanh nghiệp hậu cổ phần hóa cần lưu ý, nhằm tiếp quản, thực hiện tốt công tác quản trị, tận dụng những lợi thế sẵn có và nắm bắt cơ hội để phát triển theo mục tiêu đề ra.
Bài toán khó sau cổ phần hóa
432 là số lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải hoàn tất cổ phần hóa trong hai năm 2014 và 2015, tỏ rõ sự quyết tâm của Chính phủ trong việc chuyển đổi hình thức doanh nghiệp vốn Nhà nước sang công ty cổ phần (CTCP). Gần đây nhất, phiên đấu giá chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thành công của Công ty Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Nhìn nhận một cách khách quan, quy trình đổi mới, sắp xếp và cổ phần hóa các DNNN của Chính phủ giúp minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả trong hoạt động sử dụng vốn, sản xuất - kinh doanh, qua đó thu hút thêm nguồn vốn ngoài Nhà nước tham gia phát triển nền kinh tế, thúc đẩy hiệu quả hoạt động, cũng như đảm bảo quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, không phải DNNN nào sau khi “thay máu” cũng đều có những chuyển đổi tích cực.
Công ty Beton 6 là một ví dụ. Trong những năm đầu sau khi cổ phần hóa, Beton 6 duy trì được hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định, nhưng bất ổn đã nảy sinh từ chính bộ máy quản lý và nhân sự của Công ty. Quy trình kiểm soát các công ty liên doanh yếu kém dẫn đến chi phí tăng cao, không đem lại hiệu quả lợi nhuận. Nội bộ mâu thuẫn khiến Beton 6 trở thành một trong những đối tượng đầu tiên của làn sóng M&A giai đoạn 2009 - 2011. Không giữ chân được cổ đông chiến lược, thay đổi cơ cấu cổ đông lớn, khiến cho tình hình nhân sự tại Beton 6 bị xáo trộn, xác định chiến lược không hiệu quả..., làm cho con đường kinh doanh của Công ty sau đó trở nên khó khăn.
Từ kinh nghiệm nhiều năm trong hoạt động tư vấn tài chính doanh nghiệp, bà Lê Quang Ngọc Thanh, Giám đốc bộ phận Tư vấn tài chính doanh nghiệp, CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) - Chi nhánh TP. HCM nhấn mạnh: “Bài toán khó cho các doanh nghiệp hậu cổ phần hóa là làm thế nào để tiếp quản, thực hiện tốt công tác quản trị, biết tận dụng những lợi thế sẵn có và nắm bắt cơ hội để phát triển doanh nghiệp theo mục tiêu đề ra”. Tuy nhiên, trong thực tế, rất ít doanh nghiệp hậu cổ phần hóa làm tốt công tác này. Hệ quả là doanh nghiệp bị giảm năng lực cạnh tranh, lúng túng và chậm thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh”.
Và lời giải
Nhằm giúp doanh nghiệp có thể khắc phục, tháo gỡ những khó khăn và bất cập nêu trên, bà Ngọc Thanh đưa ra 5 vấn đề trọng tâm mà doanh nghiệp cần lưu ý sau cổ phần hóa.
Thứ nhất là về tổ chức bộ máy quản lý. Đây là một trong những điểm hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp hậu cổ phần hóa hiện nay, khi mà cơ chế quản lý vẫn còn mang đặc điểm của quản lý nhà nước, do Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Cổ phần hóa giống như một hình thức “bình mới, rượu cũ”, nên xét về mặt bản chất, cơ chế quản lý không có sự thay đổi lớn. Do đó, để cổ phần hóa thật sự là một bước ngoặc cho con đường phát triển của doanh nghiệp, tự bản thân ban lãnh đạo doanh nghiệp phải thay đổi quan điểm quản trị, tiếp nhận những tư duy mới từ cổ đông bên ngoài, xem xét cho họ có quyền tham gia sâu vào quản trị công ty.
Thứ hai là về quản trị chiến lược. Đa phần các doanh nghiệp hiện nay ưu tiên thực hiện xây dựng chiến lược ngắn hạn, khai thác các cơ hội trước mắt, mà bỏ qua việc xác định cụ thể sứ mệnh, mục tiêu dài hạn, không xây dựng mô hình phát triển lâu dài. Hệ quả, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất phương hướng hoạt động chỉ sau 3 - 4 năm cổ phần hóa.
Thứ ba là về quản trị tài chính, kế toán. Tình trạng chung của các DNNN và doanh nghiệp sau cổ phần hóa là chưa thật sự xây dựng được hệ thống quản trị tài chính tiên tiến, khoa học và minh bạch. Phần lớn các doanh nghiệp còn lạ lẫm, lúng túng trong công tác quản trị dòng tiền, gặp khó khăn trong huy động và quản trị vốn. Kế toán quản trị chưa được áp dụng hoặc chỉ được áp dụng hạn chế, không kịp thời cung cấp thông tin tài chính phục vụ cho việc điều hành, quản lý của lãnh đạo doanh nghiệp.
Thứ tư là về quản trị nhân lực. Đối với các DNNN sau cổ phần hóa, quản trị nhân lực là một bài toán khó khi vẫn còn tình trạng phân công công việc không hợp lý, không tận dụng và giúp người lao động phát huy được khả năng, thù lao và cơ hội thăng tiến chưa tương xứng... Ở nhiều đơn vị, người lao động không nắm rõ định hướng phát triển nên thiếu gắn bó với nơi họ làm việc. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu sáng tạo, định hướng và thiếu tính ổn định, doanh nghiệp bị rời vào thế bị động trong việc bố trí, sắp xếp nhân sự thay thế cho những vị trí chủ chốt sau khi thôi việc.
Thứ năm là công khai, minh bạch thông tin. Hoạt động này của doanh nghiệp sau cổ phần hóa những năm gần đây có sự thay đổi lớn như cổ đông được tiếp cận các thông tin về doanh nghiệp, nhưng tính kịp thời, đầy đủ, chuyên sâu chưa được đảm bảo.
Sắp tới, ngày 1/11/2014, Quyết định 51/2014 QĐ-TTg chính thức có hiệu lực. Theo đó, các DNNN sau khi cổ phần hóa sẽ có các nghĩa vụ, trách nhiệm mới như nghĩa vụ công bố thông tin, quản lý cổ đông, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông... Nếu không có một bộ phận chuyên trách đảm nhiệm những công việc này, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Quá trình xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp không thể thực hiện trong ngắn hạn và tự bản thân doanh nghiệp cũng khó thực hiện, vì đòi hỏi rất nhiều thời gian, nhân lực với trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cao. Do đó, doanh nghiệp nên phối hợp với một tổ chức tư vấn chuyên nghiệp để hoàn thiện, tháo gỡ những khó khăn vừa nêu, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian, đồng thời đạt được hiệu quả như mong muốn.
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) là thành viên của Tập đoàn FPT. Ngoài thế mạnh về hoạt động môi giới khi liên tục duy trì vị trí Top 10 về thị phần môi giới trên cả hai Sở GDCK, FPTS còn có thế mạnh trong các hoạt động tư vấn bao gồm: lNhóm dịch vụ tư vấn quản trị DN: tư vấn tổ chức ĐHCĐ trực tuyến (EzGSM); tư vấn quản lý cổ đông trực tuyến (EzLink); tư vấn quan hệ nhà đầu tư (IR) thông qua cổng thông tin trực tuyến EzSearch; tư vấn rà soát và xây dựng điều lệ, quy chế quản trị, lập báo cáo thường niên, tư vấn DN xây dựng chính sách cổ tức tối ưu, xây dựng quy chế ESOP… lNhóm dịch vụ tư vấn quản lý DN: tư vấn quản trị nguồn nhân lực (với giải pháp quản trị nhân sự EzHRM); tư vấn quản trị tài chính (với giải pháp quản trị tài chính EzFAM); tư vấn lập kế hoạch kinh doanh; tư vấn dự báo tài chính... lNhóm dịch vụ ngân hàng đầu tư: tư vấn phát hành, chào bán chứng khoán, bảo lãnh phát hành; tư vấn tái cấu trúc vốn; tư vấn mua bán, sáp nhập DN. |