Ngân hàng TNHH một thành viên Đông Á đổi tên thành Ngân hàng TNHH một thành viên Số Vikki theo quyết định số 42/QĐ-TTGSNH2 ngày 14/02/2025 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tên gọi mới đầy đủ bằng tiếng Anh: Vikki Digital Bank Limited. Tên viết tắt: Vikki Bank.
Trụ sở chính của Ngân hàng Số Vikki đặt tại số: 72 Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Việt Nam theo Quyết định số 237/QĐ-NHNN ngày 14/02/2025 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Toàn bộ quyền và lợi ích của khách hàng được đảm bảo. Chào mừng thương hiệu mới, Ngân hàng số Vikki sẽ triển khai chuỗi chương trình ưu đãi tri ân khách hàng hiện hữu và chào đón khách hàng.
Ngân hàng số Vikki là một ngân hàng số thế hệ mới đầu tiên kết hợp ứng dụng công nghệ hiện đại nhất với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch cung cấp các dịch vụ ngân hàng, tài chính, đầu tư, bảo hiểm, du lịch, mua sắm… không giới hạn. Đồng thời, Ngân hàng số Vikki ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất và mạng lưới rộng khắp giúp cung cấp trải nghiệm khách hàng hiện đại, thuận tiện và an toàn, bảo mật tuyệt đối. Đây là dấu mốc quan trọng trong kỷ nguyên số khởi đầu hành trình mới ổn định và phát triển bền vững cho Ngân hàng mang lại những lợi ích tốt hơn cho cán bộ nhân viên, đối tác, khách hàng và cộng đồng.
Sau khi về với Vietcombank, Ngân hàng Xây dựng (CB) đổi tên thành Ngân hàng Ngoại thương Công nghệ số (VCBNeo). Việc đổi tên được thực hiện theo Quyết định số 30/QĐ-TTGSNH1 ngày 17/01/2025 của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc sửa đổi nội dung giấy phép hoạt động của Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CB). Theo đó, từ ngày 17/01/2025, Ngân hàng Xây dựng chính thức hoạt động với tên gọi mới.
![]() |
Vietcombank vừa qua cũng đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo với việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Tuân - Chủ tịch HĐTV CBBank giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Vietcombank kể từ ngày 16/01/2025. Đồng thời, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Thành viên HĐQT Vietcombank được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên (kiêm nhiệm) VCBNeo kể từ ngày 16/01/2025.
Vietcombank đã công bố các quyết định cử biệt phái công tác, bổ nhiệm Ban lãnh đạo VCBNeo các quyết định chỉ định bí thư, điều động, bổ nhiệm nhân sự giám đốc một số chi nhánh và lãnh đạo một số đơn vị Trụ sở chính Vietcombank. Cử biệt phái ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Vietcombank Thái Nguyên đến công tác tại VCBNeo và bổ nhiệm giữ chức vụ Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc VCBNeo kể từ ngày 16/1/2025; Cử biệt phái ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng phòng Công nợ Trụ sở chính Vietcombank đến công tác tại VCBNeo và bổ nhiệm giữ chức vụ Trưởng ban kiểm soát VCBNeo kể từ ngày 16/1/2025.
Tương tự, OceanBank trở thành ngân hàng con của MB và đã chính thức đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam hiện đại (MBV). MB cũng đã đưa 80 nhân sự sang MBV để bổ sung vận hành, đào tạo nhân sự cho ngân hàng này. Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB cũng cho biết sẽ bán dư nợ sinh lời để "vực dậy" MBV ở thời kỳ mới. Đây là nguồn lực “đòn bẩy” mà MBV được dùng để vay Chính phủ và NHNN khoản tiền tương đối lớn với lãi suất bằng 0, từ đó tạo ra cơ chế sinh lời cho MBV.
Như vậy, đến nay chỉ còn GPBank là ngân hàng duy nhất trong bốn ngân hàng chuyển giao bắt buộc chưa đổi tên. Trước đó, cùng ngày 17/1, VPBank đã nhận chuyển giao GPBank. Sau khi được chuyển giao bắt buộc, GPBank và DongA Bank sẽ là các NHTM TNHH một thành viên do VPBank và HDBank sở hữu 100% vốn điều lệ.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện còn duy nhất SCB là ngân hàng thuộc diện kiểm soát bắt buộc. Theo Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chắc chắn sẽ hoàn thiện phương án xử lý tái cơ cấu ngân hàng này trong thời gian tới.
Chuyển giao bắt buộc các TCTD yếu kém là một trong những giải pháp nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Vấn đề này được các cấp có thẩm quyền quan tâm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan để chỉ đạo các ngân hàng xây dựng Phương án chuyển giao bắt buộc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng các quy định của pháp luật.
VDSC cho rằng, giá trị của hoạt động chuyển giao bắt buộc sẽ được nhân cho cả bên đến và bên nhận. Điển hình như trường hợp HDB và DongA Bank, VDSC kỳ vọng HDBank tiếp tục duy trì tăng trưởng về quy mô tín dụng nhờ cơ chế ưu đãi từ Ngân hàng Nhà nước đối với ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc. Ngoài ra, HDBank cũng có thể tận dụng hệ thống 200 chi nhánh và phòng giao dịch sẵn có của DongA Bank để nâng cao nhận diện thương hiệu. Mặt khác, điều đó cũng có nghĩa DongA Bank sẽ được “tận dụng” mọi lợi thế của HDBank để củng cố và cộng hưởng sức mạnh cho thương hiệu mình.