Hậu bão số 3, ngân hàng cần cơ chế hỗ trợ

Hậu bão số 3, ngân hàng cần cơ chế hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Đỗ Quang Huy, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán xung quanh câu chuyện ngành ngân hàng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tái thiết cuộc sống sau cơn bão số 3.

Lào Cai là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3, với tổn thất về kinh tế ước tính đến ngày 23/9 được công bố là trên 6.641 tỷ đồng. Điều này cũng có nghĩa nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng chịu thiệt hại lớn. Ngành ngân hàng Lào Cai đã có giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ra sao?

Lào Cai không phải là địa phương nằm trong tâm bão Yagi nhưng do ảnh hưởng hoàn lưu từ đêm ngày 7 - 11/9/2024 trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa vừa, mưa to đến rất to kéo dài và trên diện rộng. Mưa lớn kết hợp với lũ từ thượng nguồn dồn về gây lũ trên sông Hồng, sông Chảy và nhiều sông, suối khác trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt từ ngày 9 - 11/9/2024, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh bị ngập sâu trên diện rộng, lũ ống, lũ quét, sạt lở ở nhiều nơi.

Tính đến ngày 20/9/2024, tổng hợp báo cáo sơ bộ của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho thấy, có 3.744 khách hàng đang vay vốn ngân hàng bị thiệt hại, với dư nợ 5.100 tỷ đồng, chiếm 8,4% tổng dư nợ trên địa bàn.

Ông Đỗ Quang Huy, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai

Ông Đỗ Quang Huy, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai

Chính Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh và các ngân hàng thương mại hoạt động trên địa bàn cũng chịu ảnh hưởng. Khu nhà công vụ cũ của Chi nhánh bị nước ngập trên 1,2 m, 2 phòng giao dịch của Agribank huyện Bắc Hà ngập sâu hơn 1,6 m; chi nhánh Agribank huyện Bảo Yên ngập gần 1 m. Tại Sapa, một phòng giao dịch của VietinBank Lào Cai phải dừng hoạt động 1 ngày do sạt lở đường, nhân viên không đến làm việc được…

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Cụ thể như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, cho vay mới để khách hàng khôi phục sản xuất - kinh doanh… theo các quy định hiện hành.

Ngày 20/9/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành đối với 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của bão số 3 để triển khai các giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng đối với khách hàng bị thiệt hại do bão. Tại hội nghị, các ngân hàng đã cam kết, ngoài việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ thì thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 2%/năm, tùy theo mức độ thiệt hại của từng khách hàng; cho vay mới với lãi suất phù hợp. Hiện nay, các ngân hàng thương mại hoạt động trên địa bàn tỉnh Lào Cai như Agribank, BIDV, SHB… đang khẩn trương triển khai các giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ổn định đời sống, khôi phục sản xuất - kinh doanh.

Sát sao quá trình thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng của các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai có biện pháp gì?

Chúng tôi cũng mong Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Để theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng của các ngân hàng trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lào Cai đã có các biện pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, yêu cầu định kỳ các ngân hàng báo cáo kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Thứ hai, tiếp nhận thông tin khiếu nại, phản ánh của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã thông qua số điện thoại đường dây nóng, hoặc qua chuyên mục Hỏi - Đáp trên cổng thông tin điện tử của Chi nhánh.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra hoặc lồng ghép nội dung này vào các đoàn thanh tra để đánh giá kết quả thực hiện của các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn.

Làm thế nào để hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp, người dân không thể tiếp cận thông tin về các phương án hỗ trợ từ các ngân hàng?

Hiện nay, công tác truyền thông trong hệ thống ngân hàng nói chung và hệ thống ngân hàng Lào Cai nói riêng được quan tâm đẩy mạnh.

Hoạt động truyền thông được triển khai qua nhiều kênh như báo, đài địa phương, qua các trang mạng xã hội, website của tổ chức tín dụng và các điểm giao dịch trực tiếp của ngân hàng (chi nhánh, phòng giao dịch…). Theo đó, người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đều có thể dễ dàng tiếp cận thông tin về các chính sách của ngành ngân hàng.

Tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp, phải quan tâm tới mục tiêu lợi nhuận. Liệu có cần một cơ chế, chính sách riêng để các tổ chức tín dụng yên tâm hỗ trợ khách hàng?

Các tổ chức tín dụng là doanh nghiệp, nhưng kinh doanh trong lĩnh vực đặc biệt, đi vay để cho vay. Do đó, việc tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động và bảo toàn vốn được đặt lên hàng đầu. Các tổ chức tín dụng muốn thực hiện các giải pháp, cơ chế hỗ trợ khách hàng nhưng vẫn phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, do vậy, rất cần các cơ chế, chính sách riêng biệt để có thể thống nhất áp dụng trong toàn ngành các giải pháp hỗ trợ cho những khách hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Như trong đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã trình xin Chính phủ một cơ chế, chính sách riêng biệt để các tổ chức tín dụng áp dụng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ…), từ đó tổ chức tín dụng yên tâm thực hiện hỗ trợ khách hàng.

Hiện nay, do ảnh hưởng của siêu bão Yagi và hoàn lưu cơn bão đối với 26 tỉnh, thành phố, Ngân hàng Nhà nước cũng đang trình Chính phủ để ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và chính sách đối với tổ chức tín dụng như phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro...

Theo ông, để hoạt động của ngành ngân hàng mang lại hiệu quả tối đa cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng bởi bão lũ, cần thêm những giải pháp gì?

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai rất mong muốn các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành quan tâm, phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong việc thực hiện các quy trình, thủ tục, rà soát, tổng hợp, xác nhận mức độ thiệt hại của khách hàng để các ngân hàng thuận lợi trong quá trình hỗ trợ khách hàng.

Chúng tôi cũng mong Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành Thông tư hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Đồng thời, chỉ đạo trụ sở chính các tổ chức tín dụng khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn để các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh, thành phố có cơ sở để triển khai hoạt động hỗ trợ khách hàng, góp phần giúp người dân, doanh nghiệp sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất - kinh doanh.

Về phía Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lào Cai, chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại theo các cơ chế, chính sách quy định; tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tích cực chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; triển khai nhiều gói sản phẩm cho vay phù hợp với từng đối tượng khách hàng (cho vay tín chấp; cho vay dựa trên tài sản bảo đảm hình thành từ khoản vay mới…); quan tâm đến cho vay tiêu dùng đối với khách hàng cần tiền mua sắm vật dụng thiết yếu phục vụ đời sống.

Tin bài liên quan