Ngành trồng trọt và xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển.

Ngành trồng trọt và xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển.

Hạt tiêu xuất khẩu lại đắt giá

(ĐTCK-online)Giá hạt tiêu trên thị trường Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Chỉ tính từ đầu tháng 3/2007 đến nay, giá thu mua hạt tiêu đã liên tục lên dốc, từ 30.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg và cho đến thời điểm đầu tháng 5 này, có những ngày, giá thu mua hạt tiêu lên đến 70.000 đồng/kg.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam , giá hạt tiêu xuất khẩu đã tăng vọt lên mức 3.300 - 3.400 USD/tấn, gấp ba lần so với mức giá cùng kỳ năm trước và là mức kỷ lục trong vòng 6 năm qua. Cơ hội vàng của ngành trồng, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam đã đến, khi các nước sản xuất hạt tiêu hàng đầu thế giới là Brazil và Indonesia giảm sụt mạnh về sản lượng, trong khi nhu cầu hạt tiêu thế giới mỗi năm lại tăng thêm 3-5%.

Bản tin của IPC (Cộng đồng Hồ tiêu thế giới) đã nhận định rằng, Việt Nam đang tiếp tục “lèo lái thị trường”. Đồng thời với nhận định này, họ còn cho rằng, nông dân trồng tiêu Việt Nam đang tiếp tục găm giữ hạt tiêu nguyên liệu, chờ khi giá đạt được sự mong đợi mới bán ra. Và hiện tượng găm giữ hạt tiêu nguyên liệu này sẽ tiếp tục là một sức ép cho các nhà nhập khẩu tiêu từ Việt Nam, vì theo dự đoán, do các khó khăn về mùa màng, năm nay, sản lượng hạt tiêu Việt Nam chỉ còn khoảng 40.000 tấn, thay vì 100.000 tấn như hàng năm. Mức sụt giảm sản lượng của Việt Nam khoảng 15-20% trong năm 2007 cũng đủ để IPC cho rằng, sẽ ảnh hưởng lớn đến sự sụt giảm sản lượng hồ tiêu thế giới, ở mức 20-23%.

Theo đánh giá từ tờ Economic Times thì 2007 là năm đầu tiên sau rất nhiều năm, giá hạt tiêu đen Việt Nam lại cao hơn giá của Ấn Độ. Ví như, loại hạt tiêu ASTA -550 g/l của Việt Nam đang chào với giá 4.100 USD/tấn và loại 500g/l giá 3.900 USD/tấn, trong khi đó, giá hạt tiêu tốt nhất của Ấn Độ cũng chưa tới 4.000 USD/tấn.

Các nhà nhập khẩu từ Nga, Đức, Mỹ, Canada trong tuần cuối tháng 4, đầu tháng 5/2007 đã ký hợp đồng mua 1.500 - 2.000 tấn tiêu đen từ Ấn Độ. Tuy nhiên, trên thực tế thì các nhà xuất khẩu Ấn Độ cũng đã cạn nguồn hàng và phải mua bù vào từ Srilanca.Và như vậy, từ nay đến cuối năm, thậm chí theo dự báo từ các chuyên gia xuất khẩu hạt tiêu sành sỏi Việt Nam, thì trong vòng 3 năm nữa, giá tiêu vẫn giữ ở mức cao.

Ngành ngân hàng Việt Nam hiện đã có những động thái tốt để hỗ trợ các nhà cung ứng và xuất khẩu tiêu Việt Nam , nhất là với các doanh nghiệp đang rất cần có thêm các nguồn tài chính để dự trữ đủ nguồn hàng và chỉ tung ra bán vào thời điểm cần thiết. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chính các doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu thế giới đã có những phối hợp tốt nhất với các nhà cung ứng tài chính và thu được những khoản lợi nhuận đáng kể nhờ sự phối hợp này. Hàng ngàn tỷ đồng sẽ được các ngân hàng dành cho đầu tư tín dụng cho hạt tiêu Việt Nam , trong đó, chỉ riêng lượng tiền mua hàng dự trự cũng chiếm đến vài trăm tỷ đồng. Cộng đồng hồ tiêu thế giới cũng đánh giá rất cao sự hỗ trợ của ngành ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua đối với ngành hồ tiêu, khi nhiều ngân hàng đã đứng sau, khiến nông dân và nhà kinh doanh Việt Nam tự tin hơn trong việc găm giữ hàng và giúp giá hạt tiêu tiếp tục tăng.

Ông Lưu Đức Khánh, Tổng giám đốc ABBANK cho biết: “Vấn đề mà ABBANK quan tâm khi tiếp tục hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam là tư vấn các vòng quay vốn thích hợp và làm sao để mỗi thương vụ, người vay vốn kinh doanh tiêu xuất khẩu có lợi lớn nhất. Chúng tôi cũng chú ý đến các dự án đầu tư vào việc mở rộng trồng hạt tiêu khả thi và hiệu quả, bởi theo đánh giá chung, trong vài năm tới, việc trồng tiêu xuất khẩu vẫn cho kết quả tốt. ABBANK luôn đứng sau các nhà kinh doanh tiêu xuất khẩu Việt Nam ”.