Ngày 3/7, HAR công bố quyết định của HĐQT về việc nhận chuyển nhượng lại 100% vốn tại CTCP Du lịch Đảo San Hô, tiền thân là công ty có vốn đầu tư nước ngoài - đơn vị đầu tư dự án Nha Trang Coral Beach với quy mô 13,5 ha. Đây cũng là mốc bắt đầu cho diễn biến thăng hoa 15 phiên trần của HAR.
Sau một tuần “nghỉ giữa hiệp” với các phiên tăng giảm, HAR đang tiếp tục có 3 phiên tăng trần khi công bố thông tin nhận chuyển nhượng ít nhất 45% vốn của của CTCP Cơ khí Ngân hàng, được thị trường tin rằng đang sở hữu 2 khu đất tại quận 5 và quận Phú Nhuận, TP.HCM. Sự tăng giá của cổ phiếu HAR được lý giải rằng, nhà đầu tư đang kỳ vọng HAR dần hiện thực hóa kế hoạch mở rộng quỹ đất thông qua M&A.
Với định hướng chiến lược là thực hiện các thương vụ M&A trong ngành thì tiềm lực tài chính hiện hữu của HAR khá mỏng
Trong suốt diễn biến tăng giá trên, không có thông tin chính thức nào về quy mô tài sản, lợi thế, vốn điều lệ... của 2 công ty mà HAR nhận chuyển nhượng, cũng như không có một văn bản nào từ phía HAR lên tiếng về việc giá cổ phiếu HAR tăng trần liên tiếp.
Xu hướng M&A trong lĩnh vực bất động sản, thông qua đầu tư vốn cổ phần vào các doanh nghiệp có quỹ đất lớn hoặc mua đứt các dự án không quá mới mẻ và là cách thức nhiều doanh nghiệp sử dụng để nhanh chóng mở rộng quỹ đất. Thông thường, để thực hiện việc M&A có hiệu quả, các doanh nghiệp cần có tiềm lực về tài chính và đặc biệt là năng lực phát triển dự án.
Đối với HAR, lĩnh vực chủ yếu là kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khu du lịch, đồng nghĩa với việc phần lớn doanh thu của HAR đền từ cung cấp dịch vụ cho thuê.
Ưu điểm của lĩnh vực này là ổn định nhưng ngược lại, không tạo doanh thu đột biến. Điều này cũng cho thấy, HAR có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản cho thuê nhưng vẫn còn “non tay” đối với lĩnh vực phát triển dự án bất động sản.
Về nguồn lực tài chính, trong kỳ, HAR ghi nhận khoản lợi nhuận hơn 11 tỷ đồng từ chuyển nhượng một phần vốn góp tại CTCP Phát triển GHome cho Tập đoàn Frasers Centerponit Limited (Singapore). Nhờ hoạt động chuyển nhượng, tiền và tương đương tiền cuối quý II tăng mạnh, gấp rưỡi so với đầu năm, ghi nhận 132 tỷ đồng.
Kết quả, Công ty lãi sau thuế gần 9 tỷ đồng, bằng 43% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, HAR chỉ đạt 8,4 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 4,6 tỷ đồng, hoàn thành 24,5% kế hoạch cả năm (18,79 tỷ đồng).
Trong cơ cấu nguồn vốn, tỷ lệ nợ vay của HAR không đáng kể. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 52 tỷ đồng. Giả sử, HAR sẽ hoàn thành kế hoạch năm trong 2 quý còn lại thì nguồn vốn bổ sung cũng không đáng kể.
Trong cơ cấu tài sản, tài sản dài hạn chiếm tỷ trọng lớn hơn với 790 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn 440 tỷ đồng. Trong trường hợp có thương vụ tốt, HAR có thể bán các tài sản hiện hữu để gia tăng nguồn vốn nhưng điều này cũng cần có thời gian.
Như vậy, với định hướng chiến lược là thực hiện các thương vụ M&A trong ngành thì tiềm lực tài chính hiện hữu của HAR khá mỏng. Đây sẽ là khó khăn cho HAR về vấn đề nguồn vốn triển khai dự án nếu không có nguồn tài trợ khác.
Việc bổ sung nguồn vốn đối với HAR có thể thông qua việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn hoặc vay nợ. Hiện tại, vốn điều lệ của HAR là gần 968 tỷ đồng. Với giá đóng cửa phiên 2/8 là 12.600 đồng/cổ phiếu, PE khoảng 109,6 lần, nếu HAR tăng vốn, áp lực pha loãng sẽ rất đáng kể. Trong trường hợp vay nợ, công ty cũng sẽ đối mặt áp lực lãi vay.
Một điểm đáng chú ý khác tại HAR chính là cơ cấu sở hữu. Tính đến cuối năm 2016, cơ cấu cổ đông HAR gồm 99,82% cổ đông trong nước, trong đó có hơn 5.000 cổ đông cá nhân, chiếm hơn 94%. Cổ đông tổ chức chỉ 5,22%. Không có cổ đông lớn nào sở hữu trên 5% vốn.
Mới đây nhất, Chủ tịch HĐQT HAR là ông Nguyễn Gia Bảo đã đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu. Nếu giao dịch thành công, ông Bảo sẽ trở thành cổ đông lớn duy nhất của HAR với tỷ lệ sở hữu 6,95%.
Theo giới phân tích, tại các thị trường phát triển với yêu cầu minh bạch cao, cơ cấu cổ đông này khá “tuyệt vời”, bởi không có cổ đông nắm quyền chi phối, Ban điều hành được thuê hoàn toàn, không chịu áp lực từ cổ đông lớn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vấn đề minh bạch còn kém, những DN không có cổ đông lớn không rõ ông chủ là ai, “ông chủ” ẩn danh ở chỗ nào. Nguyên nhân của việc ẩn danh rất có thể là nhằm tránh công bố thông tin về giao dịch, thuận lợi cho việc lướt sóng cổ phiếu.
Có thể nói rằng, gia tăng quỹ đất là tin vui với cổ đông HAR nhưng mọi thứ còn quá mới. HAR cần thời gian để chứng minh rõ ràng hơn nữa về nội lực của chính mình và hiệu quả từ các dự án. Do vậy, việc đua trần cổ phiếu HAR thời điểm này, theo đánh giá của một chuyên gia phân tích là khá rủi ro.