Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm gian hàng của Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro, thành viên mới nhất của Tập đoàn BRG, với nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam đang được giới thiệu, quảng bá với bạn bè quốc tế như gạo, hạt điều, tiêu, cà phê, các loại gia vị Việt …
Hiện Hapro đang giao dịch với hơn 30 khách hàng lớn tại thị trường Trung Quốc. Trong đó, gạo là một mặt hàng chủ lực, từ con số xuất khẩu 13 nghìn tấn năm 2016 đã tăng lên gấp đôi đạt 26.000 tấn, tương đương khoảng 18 triệu đôla Mỹ, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2018 của Hapro lên con số gần 90 triệu đô la Mỹ, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo định hướng của Tập đoàn BRG, Hapro dự kiến sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 20% đến 30% trong năm 2019.
Từ ngày 5-10/11, đoàn Hapro do bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Hapro, dẫn đầu đã tham dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc 2018 (CIIE 2018) do Bộ Thương mại Trung Quốc phối hợp với Ủy ban Thương mại Thượng Hải chủ trì tổ chức tại thành phố Thượng Hải.
Hội chợ được tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2018 và sẽ là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của Chính phủ Trung Quốc, nhằm mục tiêu mở cửa thị trường ra thế giới, tạo cơ hội cho các quốc gia tiếp cận thị trường rộng lớn của Trung Quốc.
Hội chợ CIIE 2018 có quy mô trưng bày hơn 200.000 m2 và dự kiến có hơn 100 quốc gia tham gia trưng bày, khoảng 150.000 khách hàng thương mại đến từ Trung Quốc và các nước trên thế giới tới giao dịch.
Hapro tham dự Hội chợ này cũng là dịp để thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2018, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Ông Quách Thiếu Phong, đại diện Công ty Guangdong Xihe Trading Co. Ltd cho biết “Sau nhiều năm nhập khẩu gạo từ Việt Nam, chúng tôi nhận thấy phẩm chất gạo Việt Nam rất tốt, không thua gì Thái Lan, đặc biệt giống gạo thơm ST21 rất được ưa chuộng trên thị trường Trung Quốc vì độ thơm, dẻo. Vì vậy, Công ty chúng tôi chủ yếu nhập loại gạo ST21 để đóng bao nhỏ phân phối tại các siêu thị và nhận được phản hồi rất tốt từ người tiêu dùng.
Tôi tin rằng trong thời gian tới nếu Việt Nam duy trì được mức giá ổn định và ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng của loại gạo này thì khả năng đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc là rất lớn”.
Ông Quách Thiếu Phong cũng đánh giá cao năng lực của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam, trong đó có Hapro vì sự nhanh nhạy với nhu cầu, thị hiếu của thị trường Trung Quốc, khả năng tiếp cận khách hàng và tác phong làm việc chuyên nghiệp.
“Tôi mong rằng trong thời gian sắp tới Hapro cùng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, tăng cường sự hợp tác theo chiều sâu để tăng tính bền vững”, ông Phong nói.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, sau cổ phần hóa sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển Hapro là một Tổng công ty xuất nhập khẩu và thương mại nội địa có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Trọng tâm phát triển của Hapro là đẩy mạnh và nâng cao kim ngạch xuất khẩu, đưa thương hiệu xuất khẩu Hapro trở thành thương hiệu quốc tế hàng đầu tại khu vực, bao trùm mọi hoạt động của Tổng công ty, đồng thời xây dựng Hapro trở thành Công ty chủ lực của Tập đoàn trong lĩnh vực xuất khẩu, gắn thương hiệu xuất khẩu Hapro với thương hiệu BRG của Tập đoàn.
Xây dựng thành công 5 mặt hàng xuất khẩu nằm trong top 5 danh nghiệp xuất khẩu hàng đầu cả nước gồm: Gạo, hạt điều, hạt tiêu, cà phê, thủ công mỹ nghệ.