Hoang sơ
Biển vẫn trong xanh, vỗ nhịp đều vào bờ cát, chỉ có bờ mới chứng kiến những đổi thay kỳ diệu. Ấy là những tòa cao ốc mọc lên, những rặng dương xanh hoang hoải rì rào được thay thế bằng những villas, biệt thự, bến du thuyền… Ở những nơi mà dấu chân người chưa bao giờ đặt đến cách đây vài chục năm, thì nay đã tấp nập du khách thập phương tìm về. Một dải lụa ven biển miền Trung bao đời nay với bạt ngàn màu cát trắng đã được đánh thức hoàn toàn, phô ra những hấp lực mạnh mẽ, yêu kiều và trở nên quyết rũ.
Hơn 20 năm trước, những cư dân ven biển miền Trung có lẽ chẳng ai ngờ nơi họ đang cư ngụ bên những bãi cát dài mệt nhoài vì nghe biển suốt ngày ầm ĩ lại có những bước chuyển mình ngoạn mục như bây giờ. Ấy là từ ngày máy móc đo tọa độ, tim đường được lỉnh kỉnh mang đến, rồi sau đó là những con đường ven biển hình thành, đường ngang lối dọc được thi công, khu dân cư được quy hoạch vuông vức…, những cao ốc chọc trời, những khu biệt thự nghỉ dưỡng mọc lên gắn với tên tuổi của các công ty như Vingroup, Sun Group, Vinacapital, Furama, Alphanam, PPCat, Mường Thanh…
Những “người khổng lồ” đi qua để lại những “dấu chân” rõ nét, in đậm trên bờ cát mà không bị sóng biển xóa nhòa như quy luật tự nhiên. Ấy là ven những biển Nhật Lệ (Quảng Bình), Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Mỹ Khê - Non Nước (Đà Nẵng), Cửa Đại - An Bàng (Hội An, Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên) hay Nha Trang (Khánh Hòa)…
Những công trình, dự án dựng lên đã đem theo những đổi thay rõ nét, kéo gần hơn không gian và địa lý khu vực, quốc tế, đưa những đoàn khách từ khắp các châu lục đổ về, đã khiến cho bức tranh kinh tế của Việt Nam ngày càng đa dạng hơn. Từ những du khách là công dân bình thường đến các doanh nhân, ngôi sao danh tiếng và nguyên thủ quốc gia trên thế giới đã đến với miền Trung. Họ đến, họ đi, họ nhớ, rồi họ “quay về”… với những người bạn mới, ý tưởng mới và kế hoạch mới ngày càng làm cho miền Trung hấp dẫn hơn.
Trong sự “trở về” ấy là những điều rưng rưng khó nói thành lời trong mỗi tâm khảm con người… Đó có thể là ấn tượng về những dự án đẳng cấp, là môi trường trong lành, không gian thoáng đãng, dịch vụ hoàn hảo, hay là một đêm lãng mạn bên bờ biển cho những cặp tình nhân, nhưng chắc hẳn rằng, cũng còn những điều dung dị, mộc mạc mà từ trong sâu thẳm mỗi du khách khi họ được trải nghiệm, cảm nhận về đất và con người miền Trung.
“Những khu nghỉ dưỡng sang chảnh cũng chỉ là những khối bê tông được các kiến trúc sư tỉa tót, trang trí… và cũng chỉ là nơi ở nếu không có những chất kết dính đi kèm”, câu nói ấy của một chuyên gia về kinh doanh thương hiệu toàn cầu Marriott International tại một lễ ký kết vận hành khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng khiến tôi ấn tượng mãi.
Nhưng “chất kết dính” đó là gì? Là thị trường, uy tín nhà đầu tư, là hỗ trợ của chính quyền, là chất lượng ở, nghỉ ngơi, là nơi vui chơi, giải trí hay còn gì nữa? Câu hỏi thường được đặt ra ngay lập tức, nhưng câu trả lời thì cần có thời gian và cứ kéo dài đằng đẳng nhưng không phải lúc nào cũng có câu trả lời.
Hạ tầng đồng bộ, sân bay kết nối, bãi biển đẹp, lượng khách du lịch luôn tăng cao, vị trí địa lý lý tưởng cho nghỉ ngơi hàng đầu thế giới, nơi sinh lời hấp dẫn đầu tư… có lẽ luôn là những lý giải, mục tiêu của các nhà đầu tư khi nói đến miền Trung. Tuy nhiên, còn những hấp lực không lấp lánh, mà ẩn hiện phía sau đã góp phần không nhỏ cho thành công của các nhà đầu tư và được du khách ghi nhận, hưởng ứng đưa đến những hiệu ứng tích cực hơn.
Và mặn mòi hương vị
Những “chất kết dính” ấy dần được hé lộ qua chính những trải nghiệm của ai đã từng đến miền Trung, cùng thở, cùng ăn, cùng vui buồn với mảnh đất được ví như “chiếc đòn gánh” này. Đó là ẩm thực, là con người nơi đây …
Ẩm thực miền Trung không đa dạng như miền Bắc, cũng không được phồn thực như lối ẩm thực của miền Nam, mà có một chiều sâu rất riêng, mang đậm nét bản sắc của một vùng đất thanh lịch, nhẹ nhàng. Những thế hệ người miền Trung cũng khó mà lý giải được vì sao, nhưng có một điều họ chắc rằng, đó được sáng tạo và góp nhặt từ sự gian khổ, khó nghèo của từng vùng đất khô cằn, nhưng vẫn mang hơi thở Việt và lưu truyền ra cả mọi miền đất nước.
Người miền Trung hay nói về tương lai, bởi vượt ra khỏi cái cơ cực của hiện tại, cái khát vọng từ tận đáy lòng của họ là một ngày mới bắt đầu với thời tiết ôn hòa, mùa màng thu hoạch thuận lợi để thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Chính vì vậy, người miền Trung hay dành dụm tiền bạc để cho con cái được ăn học đến nơi đến chốn. Trong suy nghĩ của họ, chỉ có học mới là con đường duy nhất, cách nhanh nhất để thoát nghèo. Chính vì thế, có khổ cỡ nào, khó cỡ nào, họ cũng lo cho con ăn học thành đạt.
Và những đứa trẻ được sinh ra, lớn lên tại miền Trung, từ nhỏ đã được thấm nhuần tư tưởng phải dùng tri thức, phải nỗ lực trong học tập thì mai này mới thành tài, mới thoát khỏi cái nghèo, cái khổ. Vì vậy, người miền Trung hiếu học, thèm học và chính đức tính cần cù này đã tạo ra nguồn nhân lực dồi dào trên các lĩnh vực sản xuất cho các doanh nghiệp khi đến mảnh đất này đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Khúc ruột miền Trung còn làm say lòng bao lữ khách không chỉ bởi đặc sản ngon rẻ, các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa đa dạng, mà còn bởi tình người chân phương, mộc mạc, hồn hậu. Miền Trung được biết đến là nơi đất cày lên sỏi đá, cũng là nơi chịu khổ sống chung với những cơn bão, lũ. Dù cuộc sống chịu nhiều khó khă, vất vả, nhưng người miền Trung vẫn phải luôn kiên trì, lạc quan, hài hước, vui tươi.
Không chỉ vậy, người miền Trung còn rất thân tình và đoàn kết. Họ sống với nhau vì cái tình cái nghĩa, nên vào những dịp nhà có công có việc, mọi người sẽ cùng tập trung lại để giúp đỡ lẫn nhau.
“Con gái miền Trung lạ lắm”- bạn tôi từ phía Bắc vào, đã phải thốt lên như vậy. Còn vì sao lạ thì hãy cùng cảm nhận theo cách của mỗi người, nhưng theo lý giải của bạn thì: “Con gái miền Trung vừa có sự dịu dàng của gái Bắc, vừa mang nét ngọt ngào của gái miền Nam”. Có lẽ sở hữu những nét thanh lịch dịu dàng pha chút ngọt ngào thủy chung cùng với giọng nói dễ nghe, con gái miền Trung đã khiến bao chàng trai phải mê đắm.
Nhưng đúng là con gái miền Trung lạ lắm: “Dịu dàng và thùy mị vừa đủ để không trở nên ủy mị, ngọt ngào khéo léo vừa đủ để không lẳng lơ, cá tính sắc sảo vừa đủ để biết chiều chồng thương con và không phụ thuộc. Một khi đã thương là “mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”.
Còn vô vàn những lý do khác để đưa ra những “chất kết dính”, nhưng chắc hẳn rằng, trong các quyết định đến miền Trung làm ăn, có ai dám phủ nhận rằng, không “phải lòng” những chất kết dính đó của “chiếc đòn gánh gánh hai đầu hai vựa lúa”?!
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com