1. Đã 39 mùa Xuân non sông liền một dải. Cũng 60 năm “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, song bản anh hùng ca trác tuyệt thuở trước vẫn vọng vang trong trái tim son của những người lính có mái đầu đã bạc. Nhất là khi tháng Năm đã đến và tháng Tư vừa nói lời giã biệt.
Đó là bài ca về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, người đã cả đời vì nước vì dân, vì độc lập và hạnh phúc của người dân nước Việt. Để ngày Bắc - Nam sum họp một nhà, dù trái tim Người đã vĩnh viễn nằm lại nơi Quảng trường Ba Đình đầy nắng, nhưng quân dân cả nước vẫn “như có Bác Hồ trong ngày vui Đại thắng”.
Là lời ca về vị Đại tướng của Nhân dân, người đã gắn cả đời mình với cuộc trường chinh lịch sử của dân tộc Việt Nam. Để mai này, cháu con còn nhắc mãi, rằng quyết định kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra ở Chiến dịch Điện Biên Phủ của Đại tướng là quyết định khó khăn nhất, nhưng đó là mệnh lệnh từ những trái tim yêu nước. Rằng đó cũng là quyết định quan trọng nhất để Điện Biên Phủ có một ngày 7/5/1954, ngày mà chỉ chờ câu “Hô-lê-manh (giơ tay lên) vang lên đanh gọn, vị bại tướng Đờ Cát đã run rẩy, lắp bắp: “Xin các ông đừng bắn, chúng tôi đầu hàng”…
Để rồi 21 năm sau buổi chiều hè lịch sử đó đó, khi chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập vào trưa ngày 30/4/1975, chiến tranh ở Việt Nam đã hoàn toàn chấm dứt. Đất nước thống nhất. Giang sơn liền một dải. Cả thế giới nghiêng mình trước một nước Việt Nam ANH HÙNG.
Nhưng bài ca có những nốt nhạc bay bổng nhất, lại là chuyện thoát chiến tranh, vượt đói nghèo, sau 39 năm thống nhất giang sơn, nước Việt giờ đã là bè bạn của năm châu, sánh vai và là đối tác quan trọng của nhiều quốc gia lớn trên toàn cầu, như Mỹ, như Nhật, như Pháp, như Anh...
30 năm trường chinh đánh Pháp, đuổi Mỹ, cũng vừa đúng bằng chặng đường 30 năm Đổi mới mà Việt Nam đã qua đi, bắt đầu từ năm 1986, với kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI - kỳ Đại hội đã đi vào lịch sử dựng xây đất nước như là một bước ngoặt thần kỳ.
30 năm chiến tranh, Việt Nam đã có những chiến thắng khiến cả thế giới phải ngả mũ, nghiêng mình. 30 năm Đổi mới, đất Việt đã có những thành tựu khiến cả những nền kinh tế lớn nhất toàn cầu cũng đặt bút ký vào các văn kiện hợp tác, trở thành đối tác chiến lược, tin cậy và chia sẻ lợi ích lẫn nhau. 30 năm, dù là trong chiến tranh hay thời bình, Việt Nam đều đã đi những bước dài thần tốc. Thần tốc, thần tốc và chiến thắng.
2. Thời gian thoắt bóng thoi đưa. Nhưng hào khí Điện Biên, hào khí tháng Tư vẫn ngút trời đất Việt, ngàn năm vang vọng tới ngàn sâu. Nước Việt, lạ thế, càng trong khó khăn, bản lĩnh càng ngời sáng. Thế nên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nói, giờ bản lĩnh đó cũng sẽ giúp Việt Nam mạnh hơn, tiếp tục Đổi mới, không những “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, mà còn ngày càng cường thịnh.
30 năm Đổi mới, những thành tựu của chặng đường đã qua đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, dù vẫn ở mức thấp. Nhưng những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến nền kinh tế đang đối mặt với biết bao khó khăn, thử thách. Tăng trưởng kinh tế những năm gần đây đã chậm lại đáng kể, chỉ làng nhàng 5-6%. Nỗi lo tụt hậu so với láng giềng, với khu vực và toàn cầu đang hiện hữu. Có người còn bảo, không còn là nguy cơ hay mối lo nữa, bẫy thu nhập trung bình đã hiện hữu. Nếu không Đổi mới và vươn lên, cứ mãi dậm chân tại chỗ, thì thành quả của 30 năm Đổi mới sẽ hao hụt bớt đôi phần…
Thế nên, lại có ý kiến rằng, đã đến lúc phải đưa tinh thần của Điện Biên Phủ năm xưa vào đổi mới kinh tế - xã hội để thắng tư duy chậm đổi mới và thắng trong công cuộc hội nhập đang ngày trở nên sâu rộng và toàn diện hơn.
Tinh thần quật khởi ấy, hào khí ấy phải đưa cả vào việc làm sao đổi mới, tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế, mà trụ cột là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Vào việc xử lý nợ xấu và nợ công. Vào cả chuyện làm sao thúc đẩy khu vực dân doanh phát triển.
Khí thế của ngày tháng Tư lịch sử năm nào, với thế trận như chẻ tre, phải chống được tham nhũng, vạch tội kẻ xấu, để lành mạnh hóa và minh bạch hóa cả nền kinh tế. “Không minh bạch thì chẳng thể phát triển được đâu” - có vị bộ trưởng đã nói thế.
Nếu năm xưa, trong chiến tranh, Việt Nam đã thắng bằng tinh thần đoàn kết, bằng ý chí quật cường của cả dân tộc, thì ý chí ấy, tinh thần đoàn kết ấy, cũng cần được hun đúc, ngày càng mạnh mẽ hơn trong thời nay. Không có niềm tin, không thể có trong tay hoa hồng, hay khúc khải hoàn vang dội. Vậy nhưng, niềm tin ấy, dường như đã vài phần mai một…
3. Khi cả nước đang hào hứng khí thế kỷ niệm 39 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thủ tướng Chính phủ có cuộc gặp với cả cộng đồng doanh nghiệp, mấy trăm ngàn. Thủ tướng, đáng trân trọng thay, khi đã nói lời xin lỗi với nhân dân, với doanh nghiệp, vì “quyết tâm cải cách ở trên thì hăng hái, nhưng càng xuống dưới càng giảm đi, tới nhân viên thì lại như không có gì xảy ra”.
Lời xin lỗi của Thủ tướng là vì chuyện cải cách hành chính, bao lâu nay, nói hoài, nói mãi, mà chưa cải cách được bao lăm. Nhưng có lẽ, không chỉ ý nghĩa với chuyện cải cách mấy thủ tục hành chính, mà còn là với mệnh lệnh phải Đổi mới và Đổi mới, mà Thủ tướng đã nhắc đến trong Thông điệp đầu năm. Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp. Còn các chuyên gia hội bàn trong Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân, với mong muốn và kỳ vọng nhanh chóng cải cách thể chế, để làm sao đưa nền kinh tế trở về quỹ đạo tăng trưởng cũ, để sự phục hồi mong manh hôm nay trở nên vững bền hơn.
Chẳng có chiến thắng nào mà không phải trả giá. TS. Trần Đình Thiên đã nói, phải chấp nhận trả giá để ổn định vĩ mô. Phải ưu tiên tốt đa cho nhiệm vụ tái cơ cấu. Phải có tư duy triệt để cho đột phá…
Khi ông Thiên lo chuyện tái cơ cấu kinh tế sau 3 năm “quyết liệt hô hào”, hầu như vẫn không nhúc nhích theo đúng lộ trình, lại nhớ lời xin lỗi của Thủ tướng. Vì trên đã quyết, nhưng dưới không thông.
Chẳng phải chỉ riêng chuyện tái cơ cấu kinh tế, nhiều chuyện khác, dù vĩ mô hay vi mô, khi đưa ra giải pháp, luôn có thêm câu “vấn đề là ở khâu thực thi”. Vì thế, quyết tâm Đổi mới, chỉ hô hào thôi chưa đủ, cần một cái đầu lạnh và một trái tim nóng, để mọi nghị quyết, mọi chính sách ban ra, từ trên xuống dưới, đâu đâu cũng thực thi nghiêm túc và bài bản…
Lại nhớ chuyện năm xưa, khi Đại tướng quyết định đưa pháo vào rồi lại phải kéo pháo ra. Lúc ấy, chỉ có niềm tin vững bền, có ý chí quyết thắng, tinh thần sẵn sàng chịu hy sinh và gian khổ, mới giúp cả dân tộc đồng lòng tiến lên. Chiến thắng cuối cùng mới về tay, lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu.
Bài học ấy, kỳ diệu thay, cũng đã mang lại một Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Và cả những chiến thắng vang dội suốt hành trình 30 năm Đổi mới.
Bài học ấy, phải chăng, vẫn còn nguyên giá trị, khi một công cuộc Đổi mới, dường như cam go hơn, đang bắt đầu…