Báo cáo mới được công bố của Euromonitor International về thị trường gạo, mì ăn liền Việt Nam cho thấy, ở phân khúc mì ăn liền, Acecook Vietnam JSC tiếp tục là doanh nghiệp dẫn đầu (19,3% thị phần) và vị trí thứ hai thuộc về Masan Consumer Corp (13,7% thị phần).
2 công ty này chiếm tới hơn một nửa doanh số bán lẻ sản phẩm tại thị trường Việt Nam.
Doanh thu bán sản phẩm mì ăn liền tại thị trường Việt Nam năm 2021 đạt 31.707,4 tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm trước đó.
Các nhãn hàng nổi tiếng trong danh mục của Acecook bao gồm Hảo Hảo, Handy, Modern và Miến Phú Hương… đều nhắm tới phân khúc giá trung bình. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ của Acecook đang giảm dần trước sức cạnh tranh của các đối thủ, trong đó phải kể tới Omachi và Kokomi của Masan Consumer, khi các sản phẩm này tấn công phân khúc giá trung bình.
Các thương hiệu mì dẫn đầu thị trường về thị phần |
Một sự kiện ảnh hưởng tới doanh số bán hàng của Acecook trong năm qua là việc tháng 8/2021, sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo xuất khẩu sang Ireland bị thu hồi bởi nhà chức trách nước này bởi có chất cấm ethylene oxide.
Trong khi đó, Masan Consumer từng bước tăng trưởng doanh số bán lẻ trong cùng giai đoạn, nhất là khi tung ra dòng sản phẩm mì ăn liền có thịt miếng đóng gói và tăng cường sản phẩm mì ly.
Euromonitor đánh giá, tốc độ tăng trưởng doanh số bán các mặt hàng gạo, mì ăn liền sẽ chậm lại trong thời gian tới, khi các dịch vụ ăn uống hồi phục lại sau đại dịch kể từ năm 2022. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam chú tâm hơn tới chất lượng thực phẩm và vấn đề sức khoẻ. Người dùng sẽ giữ tâm lý cẩn trọng hơn trước các quảng cáo thực phẩm và muốn tiêu dùng sản phẩm khi có niềm tin đối với giá trị sức khoẻ mà sản phẩm mang lại.
Trong thời gian tới, các “tay chơi” tại thị trường nội địa sẽ vẫn chiếm lĩnh thị trường so với các đối thủ quốc tế, cả về phát triển sản phẩm mới, marketing và sản xuất.