Hanosimex đã từng là một thương hiệu mạnh của ngành dệt may Việt Nam

Hanosimex đã từng là một thương hiệu mạnh của ngành dệt may Việt Nam

Hanosimex: đằng sau một "đòi hỏi vô lý" của cổ đông

(ĐTCK-online) Thời gian gần đây, hàng trăm cổ đông liên tục tìm đến Tổng công ty Dệt may Hà Nội (Hanosimex) đòi được thoái vốn. Vấn đề là mức giá nhóm cổ đông này đưa ra gấp cả chục lần mệnh giá, trong khi kết quả kinh doanh của Hanosimex không có gì đột phá và cổ phiếu của DN này được giao dịch trên thị trường OTC chỉ loanh quanh mệnh giá.

Mức giá "không tưởng"

Giữa tháng 10/2011, hàng trăm cổ đông của Hanosimex (phần lớn là CBNV đã nghỉ hưu) kéo lên trụ sở Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) yêu cầu được thoái vốn tại công ty này. Tại buổi làm việc, đại diện Vinatex cho biết, Tập đoàn đang tìm nhà đầu tư mua lại số cổ phần mà cổ đông định thoái với giá dự kiến khoảng 32.000 đồng/CP. Trong bối cảnh TTCK ảm đạm như hiện nay, mức giá này là không thấp, nhưng nhóm cổ đông trên không đồng ý, vì cho rằng vẫn thấp hơn nhiều so với giá trị thực.

Bà Ngô Kim Khánh, đại diện nhóm cổ đông trên cho biết, năm 2008, Hanosimex tiến hành cổ phần hóa và người lao động được mua cổ phần với giá bằng mệnh giá (10.000 đồng/CP). Thời điểm đó, thị giá mỗi cổ phần Hanosimex trên thị trường vào khoảng 90.000 đồng. Sau đó, do ảnh hưởng bởi thị trường chung nên giá cổ phần của Hanosimex trên thị trường tự do liên tục sụt giảm. Hiện giá cổ phiếu của công ty này dao động xung quanh mệnh giá. Trước tình hình nhà xưởng của Hanosimex bị di dời, lấy phần đất cũ để xây dựng khu chung cư, bà Khánh và nhóm cổ đông này đã làm đơn đề nghị Hanosimex mua lại số cổ phần trên.

Trước yêu cầu này, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Hanosimex cho biết, thời điểm năm 2010, trước việc khoảng 200 cổ đông (sở hữu khoảng 400.000 cổ phần, tương đương 1% vốn điều lệ) đề nghị thoái vốn, Hanosimex đã tích cực tìm đối tác mua lại. Khi đó, có đối tác đưa ra giá 32.000 đồng/CP và một số cổ đông đã đồng ý bán, nhưng vẫn còn gần 200 cổ đông giữ lại. Đến tháng 6/2011, nhóm cổ đông này lại đưa ra đề nghị thoái vốn, nhưng lần này đưa ra mức giá rất cao (trên 100.000 đồng/CP) nên đối tác đã từ chối.

 

Tiền đất chuyển đổi đi đâu?

Tuy nhiên, đằng sau những đòi hỏi tưởng như bất hợp lý của cổ đông về giá cổ phiếu Hanosimex có những uẩn khúc. Bà Ngô Kim Khánh cho biết, các cổ đông nhỏ hiện rất băn khoăn về việc khoản tiền 723 tỷ đồng (từ việc hỗ trợ di dời nhà xưởng của Công ty đi nơi khác và dự án xây dựng tổ hợp nhà ở thương mại trên nền nhà máy tại 25/13 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội, có diện tích 15 héc-ta) lẽ ra phải được tính vào nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty, thuộc sở hữu của các cổ đông, thì nay không biết đi về đâu. Các cổ đông cũng đề nghị Hanosimex phải công khai, minh bạch toàn bộ dự án, kế hoạch kinh doanh của Công ty, cũng như quyền lợi của cổ đông tại dự án nhà ở thương mại này.

Đáp lại đòi hỏi này, lãnh đạo Hanosimex đã không đưa ra những con số cụ thể, mà chỉ giải thích chung chung, với lý do "nhóm cổ đông này chỉ chiếm 1% cổ phần của Hanosimex nên không có quyền được biết các kế hoạch kinh doanh cụ thể của Công ty"(?)

Theo bà Bình, thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, Hanosimex hợp tác với Công ty Bất động sản Dệt may (Vinatexland) và CTCP Phát triển đô thị Nam Hà Nội lập dự án chuyển mục đích sử dụng đất và được UBND TP. Hà Nội chấp thuận. Bà Bình cho biết, theo Quyết định 86/2010/TTg ngày 22/12/2010 của Chính phủ, số tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải nộp vào ngân sách. Sau khi trừ các chi phí cần thiết để DN thực hiện việc di dời và ổn định sản xuất, Nhà nước có thể tăng vốn đầu tư cho DN phải di dời. Hiện tại, cơ quan có thẩm quyền chưa có quyết định cụ thể về việc cấp lại số tiền trên cho Hanosimex, nên trong tờ trình cổ đông của DN chưa có con số cụ thể.

Đối với câu hỏi vì sao không đấu giá quyền sử dụng đất để tăng lợi nhuận, bà Bình cho rằng, Hanosimex là đơn vị thuê đất hàng năm nên không có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, do đó không thể tiến hành đấu giá.

Như vậy, có thể thấy, mấu chốt của việc cổ đông sáng lập đòi thoái vốn tại Hanosimex với giá "không tưởng" chính là khúc mắc về việc sử dụng số tiền hỗ trợ di dời nhà máy 723 tỷ đồng. Cho dù tất cả những lý lẽ của lãnh đạo Hanosimex về việc đấu giá và nộp tiền sử dụng đất như trên đều xác đáng thì Công ty vẫn cần có những thông báo, giải thích cụ thể để các cổ đông nắm được đầy đủ thông tin, vì đây là quyền của cổ đông, dù họ chỉ sở hữu 1 cổ phần.