Hanoimilk đối diện với 8 loại tồn đọng

(ĐTCK-online) Cũng giống như đại hội năm ngoái, cuộc họp ĐHCĐ năm nay của CTCP Sữa Hà Nội (Hanoimilk, mã HNM) khá sôi nổi khi phải kéo dài thêm gần 3 giờ đồng hồ so với dự kiến (dự kiến kết thúc lúc 11h30), bởi có rất nhiều vấn đề cần thảo luận sau một năm HNM được "thay máu", từ thành phần ban lãnh đạo đến cấp nhân viên.

Không khí đại hội càng sôi nổi hơn khi có sự hiện diện của cả ban lãnh đạo cũ, những người đã đệ đơn xin từ nhiệm tại đại hội năm ngoái vì gây ra khoản lỗ khổng lồ năm 2008 lên tới gần 50 tỷ đồng. Đó là ông Trần Đăng Tuấn (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc), ông Đinh Văn Thịnh (nguyên Phó chủ tịch HĐQT).

 

Còn lỗ do Melamine hay đầu tư dàn trải?

Năm 2009, Công  ty đạt 314  tỷ đồng doanh thu,  lãi 12,8  tỷ  đồng, hiện lỗ lũy kế 37 tỷ đồng. Điều đáng nói tại HNM, đó là Công ty hiện vẫn chưa giải quyết được các vấn đề tồn đọng từ các năm trước để lại (từ thời ban lãnh đạo cũ), mà theo HĐQT Công ty, đó mới là những nguyên nhân chính gây ra khoản lỗ năm 2008 chứ không chỉ do cơn bão Melamine dội vào HNM như ban lãnh đạo cũ từng viện ra trước đó. "Những 'tàn dư' này còn có thể tạo ra các khoản lỗ cho các năm kế tiếp và gây thêm thiệt hại cho Công ty và cổ đông nếu chưa được giải quyết dứt điểm", ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty nói.

Mặc dù tỷ lệ cổ đông bên ngoài tại HNM chiếm đa số nhưng chính họ cũng không được rõ về các vấn đề tồn đọng của HNM (mà lẽ ra họ phải được biết tại các kỳ đại hội trước) nếu tại đại hội lần này không được HĐQT mới "khơi ra" để xin ý kiến cổ đông thông qua việc ủy quyền HĐQT giải quyết. Điểm danh thì có tới 8 tồn đọng đang bị chôn vùi, mặc dù giá trị không quá lớn nếu tính theo từng dự án. Nào là dự án khu đất Bình Dương (đầu tư 15,4 tỷ đồng, đã nhận được sổ đỏ nhưng hiện tại khu đất vẫn bị bỏ hoang); dự án Vitan (đầu tư trên 5,2 tỷ đồng nhưng dây chuyền thiết bị cũ đã bị tháo rời, chỉ xếp trong kho và không có khả năng lắp đặt và vận hành lại được trong khi Công ty vẫn phải trả tiền thuê đất 240 triệu đồng/năm; dự án đầu tư CTCP Bao Bì Đức Tấn - Sài Gòn và dự án  đầu tư vào CTCP Ô tô Việt Nam (vẫn chưa đòi được số tiền góp vốn lần lượt là 1 tỷ đồng và 2,8 tỷ đồng), dự án đầu tư CTCP Phát triển siêu thị Hapro Thanh Hoa (HNM góp 750 triệu đồng nhưng có khả năng mất trắng vì Công ty này có khả năng phá sản); các công nợ tồn đọng từ việc bán sữa; linh kiện tồn kho từ năm 2008 (trên 3,2 tỷ đồng). Tại đại hội, ông Thịnh cũng thừa nhận những sai sót của HĐQT lúc bấy giờ là đầu tư dàn trải vào cả… chứng khoán, dẫn đến việc phía nguyên đơn là Religare Technova Global Solution (UK) Limited kiện Hanoimilk và một số thể nhân là cổ đông sáng lập của CTCK Tầm nhìn Á châu đòi thanh toán và bồi thường tiền cài phần mềm cho CTCK này.

 

Cải tổ sâu rộng

Sau những "sóng gió" ồn ào, đại hội cũng đã thông qua chương trình cải tổ với một loạt dự án đầu tư giai đoạn 2010-2015, với tổng giá trị đầu tư gần 150 tỷ đồng, nhằm đưa HNM trở về vị trí thứ 3 (hiện là thứ 5) trên thị trường sữa, mà theo ông Chủ tịch, nếu không trở về vị trí này, HNM sẽ khó tồn tại lâu dài và dần bị loại khỏi cuộc chơi. Cụ thể, ngay trong giai đoạn 2010-2011, Công ty sẽ triển khai 3 dự án, đó là dự án đầu tư phát triển sản phẩm mới sữa chua uống (tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng) nhằm mục đích tăng doanh số, lợi nhuận và trở thành Công ty đầu tiên trên thị trường có sản phẩm sữa chua uống trong bao bì Classic; dự án đầu tư phát triển thị trường miền Nam (13,6 tỷ đồng); dự án xây dựng văn phòng làm việc mới (8,4 tỷ đồng). Còn giai đoạn 2010-2012, HNM sẽ triển khai 2 dự án, đó là dự án nâng cấp mở rộng nhà máy tại Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội (29 tỷ  đồng, nhằm mục đích đầu tư tăng công xuất sản xuất sữa UHT từ 30 triệu lít/năm lên 50 triệu lít/năm) và dự án đầu tư phát triển sữa chua ăn (30,9  tỷ đồng nhằm đầu tư tăng công xuất sản xuất sữa chua ăn từ 5 triệu lít/năm lên 15 triệu lít/năm, xây dựng thương hiệu sữa chua ăn Hanoimilk và IZZI…). Giai đoạn 2010-2015, Công ty sẽ triển khai dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu (50 tỷ đồng) nhằm chủ động nguồn sữa tươi tốt nhất.

 

Bù đắp thiệt hại cho cổ đông, cách nào?

Giải bài toán lỗ lũy kế 37 tỷ đồng, thêm một lần nữa, cổ đông HNM lại phải chấp nhận không được hưởng cổ tức. Tại đại hội, có 3 phương án xử lý tài chính được mang ra bàn thảo,  một là bù đắp lỗ lũy kế bằng lợi nhuận sau thuế của các năm tiếp theo; hai là xử lý lỗ lũy kế bằng thặng dư vốn cổ phần (63 tỷ đồng thặng dư), ba là tăng vốn điều lệ bằng thặng dư vốn cổ phần và chia cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu. Cuối cùng, ĐHCĐ đã ủy quyền cho HĐQT quyết định lựa chọn một trong ba phương án trên.