Hanoimilk, cổ tức là xa xỉ!

Hanoimilk, cổ tức là xa xỉ!

(ĐTCK) “Năm 2012, HNM đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 3,1 tỷ đồng, doanh thu 335,5 tỷ đồng. HNM khó có khả năng sớm bù đắp được lỗ lũy kế để có tiền trả cổ tức”.

Phần chất vấn giữa cổ đông với Ban lãnh đạo CTCP Sữa Hà Nội (Hanoimilk - mã HNM) tại ĐHCĐ ngày 24/6 diễn ra không “nóng” đến mức phải kéo dài thời gian như đại hội 3 năm trước đó, dù năm 2012 là năm thứ 4 liên tiếp HNM không chia cổ tức cho cổ đông. Cùng với đó, khoản lỗ năm 2008 của HNM (gần 50 tỷ đồng) do “cơn bão melamine” dội vào HNM đến nay không những không giảm, mà còn tăng thêm. Tính đến 31/12/2010, HNM có khoản lỗ lũy kế 61,92 tỷ đồng. Năm 2011, HNM đạt lợi nhuận sau thuế chỉ 1,58 tỷ đồng. Quý I/2012, Công ty lỗ gần 1 tỷ đồng.

“Năm 2012, HNM đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 3,1 tỷ đồng, doanh thu 335,5 tỷ đồng (giảm 12% so với thực hiện năm 2011). HNM khó có khả năng sớm bù đắp được lỗ lũy kế để có tiền trả cổ tức. Năm thứ năm liên tiếp, thậm chí các năm kế cận sau đó, cổ đông không được nhận cổ tức là điều có thể nhìn thấy trước”, cổ đông N.T.L chia sẻ với ĐTCK.

“Nhiều năm nay, với chúng tôi (cổ đông HNM), cổ tức là một cái gì đó quá xa xỉ”, một cổ đông khác nói.

Tại đại hội, Chủ tịch HĐQT HNM, ông Hà Quang Tuấn thừa nhận, Công ty vẫn đang gặp nhiều khó khăn do hậu quả của “cơn bão melamine” năm 2008 để lại (sản phẩm sữa của HNM bị cho là nhiễm chất melamine độc hại, nhưng kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng là không phải - PV). Thứ hạng của HNM trong cơ cấu thị phần sữa vẫn chưa được cải thiện.

Hiện tại, HNM chỉ chiếm khoảng 4% thị phần sữa. Thị phần lớn nhất thuộc về Vinamilk, với khoảng gần 40%, tiếp đến là Dutch Lady (khoảng 25%), Mộc Châu (gần 10%), Sữa Quốc tế (trên 5%).

Với cơ cấu thị phần trên, ông Tuấn chia sẻ, cơ hội cải thiện vị trí trong ngành sữa của HNM đang ngày càng khó khăn. Nếu không thể vươn lên nắm trên 5% thị phần, thì Công ty sẽ khó tồn tại lâu dài.

Tuy nhiên, ông Tuấn trấn an cổ đông khi cho rằng, HNM sẽ tăng tốc trong giai đoạn 2013 - 2015. Bởi lẽ, thị trường sữa nói chung và sữa chua nói riêng vẫn đang phát triển, hứa hẹn còn cơ hội tăng trưởng trong 10 năm tới; người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng sản phẩm và cơ quan quản lý đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, tạo cơ hội cho các DN ngành sữa cạnh tranh công bằng hơn; thị trường miền Nam chiếm trên 65% thị phần sữa toàn quốc sẽ là cơ hội gia tăng doanh số cho HNM.

“Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, Công ty xác định, phải thận trọng trong kế hoạch kinh doanh. Những năm qua, 2010 - 2012, Công ty trong giai đoạn củng cố, ổn định bộ máy, đầu tư sản xuất để giai đoạn 2013 - 2015 là lúc HNM tăng tốc”, ông Tuấn nói.