Xây dựng chuỗi nông nghiệp bền vững, đem lại tương lai mới cho cây quế đạt chuẩn hữu cơ của Việt Nam (Ảnh Vinasamex).

Xây dựng chuỗi nông nghiệp bền vững, đem lại tương lai mới cho cây quế đạt chuẩn hữu cơ của Việt Nam (Ảnh Vinasamex).

Hành trình tiến ra biển lớn của một thương hiệu quế hồi do người Việt làm chủ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bạn nghĩ gì khi nhìn một thanh quế Việt đặt bên cạnh một chai rượu thượng hạng đến từ thương hiệu hàng đầu thế giới?

Với nhiều người, đó là khoảng cách rất xa, nhưng với Nguyễn Thị Huyền – CEO Công ty cổ phần Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex), đó là một khoảng cách có thể rút ngắn bằng sự nỗ lực, bền bỉ và tình yêu dành cho nông sản quê hương.

Tôi gặp Huyền vào một buổi chiều cuối mùa Xuân Hà Nội. Cuộc trò chuyện diễn ra hơn 2 tiếng, nhưng chủ yếu là Huyền nói, còn tôi và các đồng nghiệp lắng nghe.

Cô gái sinh năm 89 nhưng đã là chủ của một công ty xuất khẩu quế hồi organic, mỗi năm xuất khẩu hơn 1.300 tấn đi các thị trường khó tính nhất như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc…

Sau 10 năm khởi nghiệp, Huyền vẫn nói say sưa về cây quế, cây hồi, về hành trình mình đến với con đường xuất khẩu nông sản và ước mơ được đưa cây quế hồi Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Nhưng hơn tất cả là niềm vui, có chút tự hào khi mang lại công việc, cải thiện đời sống cho hàng nghìn gia đình nông dân tại các tỉnh miền núi Việt Nam.

Khởi nghiệp bằng những cái lắc đầu

10 năm trước, Huyền khi đó là một cô sinh viên ngoại ngữ mới ra trường, có cơ hội đi công tác tại một rừng quế hồi ở Yên Bái. Ngay từ lần “chạm ngõ” đầu tiên ấy, Huyền đã thấy vô cùng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hùng vĩ và những giá trị tiềm ẩn của hai loại hương liệu này.

Khi về tìm hiểu, cô mới biết đây là một trong những loại nguyên liệu đặc trưng, được các quốc gia như Ấn Độ, Trung Đông nhập khẩu rất nhiều. Trong khi trên thế giới chỉ có 4 quốc gia trồng được loại hương liệu này, trong đó có Việt Nam. Nhưng nhiều năm qua, quế ở đây đang chủ yếu được bán cho các thương lái Trung Quốc với giá vài chục nghìn đồng một cân.

Lúc đó, Huyền nghĩ rằng mình cần phải làm gì đó để thay đổi giá trị cho nông sản Việt, để họ không còn bị thương lái Trung Quốc ép giá nữa. Và Huyền nghĩ đến một tương lai khác cho cây quế chuẩn hữu cơ của Việt Nam. Thế nhưng, đó là một hành trình “của những cái lắc đầu”.

Những ngày đầu khởi nghiệp bằng việc thuyết phục người dân trồng quế organic, hai vợ chồng Huyền đi đến đâu cũng bị mọi người từ chối, thậm chí cười nhạo. Chưa từng có một tiền lệ nào cho việc trồng quế chuẩn hữu cơ ở Việt Nam khi ấy. Càng không ai tin một cô gái từ tận Hà Nội xa xôi, lại lên tận đây để dạy bà con về tiêu chuẩn organic.

Những hộ dân tộc, sống bám vào những mảnh rừng, lần đầu tiên được dạy thế nào là ăn sạch, uống sạch. Họ được đào tạo để hiểu rằng, sạch – hữu cơ nghĩa là phải sạch từ nguồn đất, từ nguồn nước. Cứ thế, bằng sự nhẫn nại và quyết tâm, dần dần, Huyền và Vinasamex lấy được niềm tin của bà con, sự ủng hộ của chính quyền địa phương.

Từ những công hàng đầu tiên bị từ chối, trả về vì chưa đạt chất lượng, giờ đây, những cây quế của bà con dân tộc đã đạt chuẩn xuất khẩu tới những thị trường khó nhất thế giới, đã có thể truy xuất nguồn gốc, mang lại công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho hàng ngàn hộ dân.

Sản phẩm quế, hồi chuẩn hữu cơ tại Hội chợ nông sản BIOFACH 2020 tại Đức (Ảnh: Vinasamex).
Sản phẩm quế, hồi chuẩn hữu cơ tại Hội chợ nông sản BIOFACH 2020 tại Đức (Ảnh: Vinasamex).

Nếu như cách đây 5, 6 năm, thu nhập của mỗi hộ dân trồng quế chỉ khoảng 7 – 10 triệu đồng/ha thì bây giờ thu nhập trung bình đã tăng lên 150 triệu đồng/ha. Nếu như trước đây để vào được rừng quế, Huyền và mọi người phải đi bộ đường đất cả ngày vì xe không vào được, thì giờ đây nhà máy của Vinasamex đặt ở giữa vùng nguyên liệu, đường bê tông ô tô đi vào đến tận cửa nhà máy. Và quan trọng nhất là Huyền đã mang lại giá trị, sự bình đẳng giới cho hàng ngàn phụ nữ người Dao – xưa nay vốn là lao động chính trong gia đình nhưng hoàn toàn không có tiếng nói.

Và hành trình vươn ra biển lớn

Hành trình của những cây quế hồi từ cánh rừng bạt ngàn trên đỉnh đồi ở Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai… đến các nhà máy sản xuất rượu, hương liệu, thực phẩm chức năng ở EU, Mỹ, Hàn Quốc…là một quy trình được Huyền và Vinasamex xây dựng nghiêm ngặt.

Một chuyên gia thu mua của Vinasamex mất gần một thập kỷ để tích lũy kinh nghiệm. Các chị thành thạo về đặc tính của cây quế, về thị trường, về cách giao tiếp với đồng bào. Họ sẽ đảm bảo việc quản lý chất lượng của quế có sự tham gia của cả người nông dân và đưa quế nguyên liệu phẩm chất cao nhất về nhà máy.

Một công nhân chế biến sẽ mất 6 tháng học hỏi để bào vỏ không dày không mỏng, đặt thanh quế vào máy chẻ sao cho thẳng, rửa sấy cắt quế đúng với các tiêu chí kỹ thuật về kích thước, độ ẩm, ngoại hình...

Một chuyên gia kiểm soát chất lượng mất tối thiểu 6 năm để hiểu về độc tố nấm mốc, hàm lượng tinh dầu, độ ẩm, vi sinh bề mặt của cây quế, về phân loại sản phẩm cho đến khả năng tuân thủ quy trình sản xuất của công nhân để đảm bảo sản phẩm xuất kho thực sự đạt tiêu chuẩn hữu cơ của EU và các thị trường đối tác.

Các nhân viên bán hàng của Vinasamex không chỉ là chuyên gia thương mại quốc tế mà còn rất hiểu về nguyên liệu quế, về thị trường gia vị quốc tế. Ai trong số họ, cũng có thể giải thích cặn kẽ với khách hàng về những thanh quế đến từ đâu – giống như Huyền – ngày hôm nay, đang ngồi đây say sưa kể với chúng tôi . Và đó là cách mà một thương hiệu do người Việt làm chủ, đã đưa cây quế từ vùng núi cao Yên Bái đến với những thị trường khó tính nhất thế giới.

Với mục tiêu trở thành công ty trong lĩnh vực nông sản, gia vị hữu cơ đầu tiên ở Việt Nam có được sự minh bạch, cũng như trở thành công ty niêm yết để có thể kêu gọi vốn, mở rộng công ty, qua đó khẳng định thương hiệu của Việt Nam trên bản đồ hương liệu và gia vị thế giới, Vinasamex sẽ tổ chức sự kiện Nhịp cầu đầu tư - Kết nối tinh hoa, vươn tầm quốc tế tại Hà Nội. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể đăng ký tham dự và đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp sản xuất quế hồi, gia vị organic hàng đầu Việt Nam.

Thời gian: 8h30 ngày 7/4/2022

Địa điểm: Khách sạn Intercontinental Hanoi Landmark 72

Đầu mối liên hệ: 0978.673.887 (Ms. Yến); 0983.069.290 (Mr. Hoàng)

Tin bài liên quan