Có những doanh nghiệp đã gắn bó với thị trường ngay từ những ngày đầu niêm yết cho tới nay, trở thành cái tên thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nhờ giữ vững đà tăng trưởng ổn định, như DHG, VNM, REE, VCB…
Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp tuy sinh sau đẻ muộn nhưng vẫn có khả năng đạt được thành công trong việc thu hút dòng tiền đầu tư, nhờ tận dụng tốt các cơ hội trên TTCK. Trường hợp điển hình gần đây nhất là cặp đôi cổ phiếu DRH của CTCP Đầu tư Căn nhà Mơ ước và cổ phiếu KSB của CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương, đã chính thức khoác lên mình diện mạo mới khi “về chung một nhà”.
KSB hướng tới mục tiêu doanh nghiệp hàng đầu ngành vật liệu xây dựng
Lợi ích lớn nhất khi niêm yết trên TTCK chính là cơ hội tiếp cận kênh huy động vốn dài hạn một cách hiệu quả. Nhờ TTCK, câu chuyện huy động, chuyển nhượng vốn trở nên dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho DN đón nhận thêm nhà đầu tư mới với tiềm lực tài chính, năng lực quản trị tốt. Một trong các yếu tố quan trọng để thu hút giới đầu tư, chính là thực tiễn hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt và có chiến lược phát triển rõ ràng. Đây cũng là lý do, SCIC, cổ đông nhà nước từng sở hữu 50,5% vốn tại KSB, có thể nhanh chóng thoái vốn thành công ở mức giá hấp dẫn, tạo thêm luồng gió mới cho chính KSB.
Hoạt động kinh doanh chính của KSB là khai thác và chế biến đá xây dựng, với kết quả doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng ổn định qua các năm, cổ tức đều đặn 25 - 30% bằng tiền mặt. Trong cơ cấu doanh thu của KSB, doanh thu từ khai thác, chế biến khoáng sản chiếm tỷ trọng lớn, trong đó, doanh thu đá xây dựng (70% tổng sản lượng khai thác và tiêu thụ hàng năm đến từ mỏ đá Tân Đông Hiệp) chiếm hơn 90% doanh thu khoáng sản.
Hiện nay, KSB đang sở hữu 7 mỏ khoáng sản khác nhau, bao gồm mỏ đá, cao lanh, sét và cát. Với sản lượng tiêu thụ năm 2015 đạt hơn 3,7 triệu m3, KSB đang là doanh nghiệp hàng đầu về mảng đá xây dựng so với các công ty hoạt động cùng lĩnh vực đang niêm yết như C32, DHA, NNC.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, nhờ tình hình tiêu thụ đá có nhiều thuận lợi và giá bán cao hơn so với cùng kỳ năm trước, cộng thêm việc quản lý hiệu quả chi phí, KSB đạt kết quả khá ấn tượng với doanh thu thuần 404,7 tỷ đồng và lợi nhuận gần 90 tỷ đồng; tăng lần lượt 11% và 39% so với cùng kỳ năm 2015, hoàn thành 62,4% kế hoạch cả năm. Với tốc độ tăng trưởng này, dự báo cả năm 2016, Công ty sẽ vượt 35% - 40% kế hoạch lợi nhuận 144 tỷ đồng. Trong trường hợp tiến độ chuyển nhượng Dự án Khu dân cư Bình Đức Tiến diễn ra thuận lợi, kết quả lợi nhuận dự kiến còn cao hơn.
Định hướng của KSB là trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đá xây dựng và ngành vật liệu xây dựng. Theo đó, KSB lên kế hoạch sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động thông qua việc đầu tư hoặc tiến hành M&A với các doanh nghiệp cùng ngành, nhằm duy trì mức tăng trưởng 15% - 20%/năm trong những năm tiếp theo. Cụ thể, với mảng đá xây dựng, mỏ đá chính của KSB là Tân Đông Hiệp sẽ hết hạn khai thác vào cuối năm 2017.
Theo kế hoạch, đầu năm 2017, KSB sẽ trình phương án tới các cấp thẩm quyền về việc cải tạo toàn bộ khu vực mỏ Tân Đông Hiệp. Nếu có phương án cải tạo kết hợp tận thu hợp lý, sản lượng đá tận thu của KSB tại mỏ Tân Đông Hiệp sẽ khá lớn.
Hai mỏ đang khai thác còn lại là Phước Vĩnh và Tân Mỹ sẽ được Công ty tiếp tục đầu tư máy móc để tăng gấp đôi sản lượng trong năm 2017 (hiện là 1,5 triệu tấn/năm). Với mỏ mới Tam Lập, dự kiến trong năm 2016, KSB sẽ được cấp phép khai thác và cụm mỏ Phước Vĩnh, Tam Lập sẽ là các mỏ chủ lực trong tương lai của KSB. Việc đầu tư hạ tầng mỏ Tam Lập được đánh giá có nhiều thuận lợi, do vị trí giáp ranh với mỏ Phước Vĩnh. Theo đó, trong trường hợp mỏ Tân Đông Hiệp không được gia hạn khai thác tiếp, sản lượng dự kiến đạt 3 triệu tấn từ 2 mỏ cũ và sản lượng tiềm năng từ mỏ Tam Lập vẫn sẽ đảm bảo duy trì được sản lượng ổn định cho KSB.
Đối với cao lanh, KSB có 2 mỏ là Tân Lập và Minh Long. Công ty sẽ đẩy mạnh đầu tư để thực hiện chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, giảm tỷ lệ sản phẩm bán thô như hiện nay. Với nhiều ứng dụng trong lĩnh vực công nghiệp như gốm sứ, giấy, sơn, cao su, sợi thủy tinh, chất dẻo, vật liệu xây dựng,… thị trường tiêu thụ cao lanh còn rất nhiều tiềm năng.
Ngoài ra, KSB đang sở hữu các nhà máy, các mỏ sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng như: nhà máy gạch công suất khoảng 40 triệu viên/năm, nhà máy sản suất cống bê tông, 1 mỏ sét, 1 mỏ cát. KSB dự kiến tiếp tục đầu tư thêm nhà máy gạch để gia tăng sản lượng trong thời gian tới. Đồng thời, với nguồn nguyên liệu cát, đá sẵn có, KSB dự kiến sẽ nghiên cứu, xúc tiến kế hoạch xây dựng nhà máy bê tông nhằm gia tăng giá trị cho các sản phẩm thô của Công ty, đồng thời đáp ứng nhu cầu xây dựng đang rất lớn hiện nay trên thị trường.
Bên cạnh lĩnh vực khai thác khoáng sản là điểm mạnh, KSB còn tập trung vào lĩnh vực khu công nghiệp. Đối với Khu công nghiệp Đất Cuốc, tỷ lệ lấp đầy trong những năm qua ở mức thấp. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ lấp đầy của Đất Cuốc đạt 43%, tương đối thấp so với các khu công nghiệp trong tỉnh Bình Dương. Nguyên nhân chính là do chưa được đầu tư đúng mức cho việc tiếp thị.
Hiện nay, việc đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông của Bắc Tân Uyên cùng với vị trí thuận lợi của Đất Cuốc (cách trung tâm Bắc Tân Uyên khoảng 10 km) đang tạo ra sức hút lớn đối với khu công nghiệp này. Với giá thuê hiện nay từ 45 - 55 USD/m2, dự kiến diện tích tồn kho (diện tích chưa cho thuê) sẽ được lấp đầy trong giai đoạn 2016 - 2017 và sẽ là nguồn thu lớn, ổn định của KSB. Hiện KSB đang đẩy nhanh việc thương lượng, đền bù giải phóng mặt bằng và dự kiến hoàn thành mở rộng giai đoạn 2 trong giai đoạn 2016 - 2017.
DRH thâu tóm KSB, định hướng phát triển tập đoàn đa ngành
DRH chính thức đầu tư vào KSB hồi cuối tháng 3/2016 khi mua gần 10% vốn cổ phần của KSB.
Thị trường nhìn nhận, đây là phát súng hiệu mở đầu cho chiến lược đầu tư vào các doanh nghiệp có tiềm năng, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của DRH. Thực tế, đây cũng là thời điểm DRH đang thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ. Vốn là một doanh nghiệp có nền tảng về bất động sản, là đơn vị chuyên đào tạo và cấp chứng chỉ môi giới bất động sản nhưng sau khi thị trường bất động sản trầm lắng, mảng hoạt động đóng góp doanh thu chính cho công ty lại là kinh doanh phân bón, tuy nhiên, kết quả kinh doanh không mấy ấn tượng.
Với tiềm năng lớn ở quỹ đất, nhóm cổ đông mới của DRH định hướng hoạt động của Công ty chuyển trọng tâm vào bất động sản, từng bước giảm xuống hoạt động kinh doanh phân bón. Thay đổi định hướng hoạt động, ý tưởng và tham vọng của DRH phần nào được nhà đầu tư chấp nhận, khi Công ty tiếp tục tận dụng tốt TTCK để huy động vốn, phát hành riêng lẻ thành công 30,6 triệu cổ phiếu, thu về hơn 336,6 tỷ đồng bổ sung vào nguồn vốn hoạt động.
Tổng giám đốc DRH cho biết, trong vòng 5 năm tới, định hướng của DRH là phát triển theo mô hình tập đoàn với nhiều mảng hoạt động khác nhau. Trong đó, phát triển các dự án bất động sản là ngành mũi nhọn và sẽ được tập trung đầu tư mạnh mẽ.
Chính vì vậy, ngay sau khi nhận chuyển nhượng các dự án, bước đi chiến lược tiếp theo của DRH là đầu tư vốn vào KSB với tỷ lệ ban đầu là 10%; nâng lên 20% và gần đây nhất là thông qua việc tăng tỷ lệ sở hữu KSB tối thiểu 51%. Với những lợi thế kể trên của KSB, việc KSB trở thành công ty con giúp DRH khép kín quy trình hoạt động, sản phẩm đầu ra của KSB sẽ là đầu vào cho các dự án bất động sản của DRH. Từ đó giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động với biên lợi nhuận tốt hơn. Thêm vào đó, DRH cũng sẽ “hưởng lợi” từ việc hạch toán lợi nhuận và nguồn thu ổn định khi hưởng cổ tức đều đặn hàng năm từ công ty con KSB. Đây là hướng đi thường thấy ở các tập đoàn đa ngành khác.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, HĐQT DRH cho biết, Công ty đã xác định ít nhất 1- 2 năm đầu trong quá trình tái cấu trúc sẽ chưa có nguồn thu lớn từ bất động sản. Do đó, lợi nhuận năm 2016 của DRH chủ yếu đến từ thanh lý các bất động sản nhỏ lẻ đã đầu tư trước đây và lợi nhuận từ các công ty liên kết. Đối với các dự án đang triển khai, nếu so với các doanh nghiệp lớn trong ngành, DRH chưa thể cạnh tranh về số lượng dự án, cũng như vị trí đắc địa. Tuy nhiên, điểm mạnh của DRH là tận dụng được những gì đang có để cạnh tranh và phát triển.
Cụ thể, đối với Dự án D-Vela, phường Phú Thuận, Quận 7 (TP. HCM), DRH tập trung vào 3 mục tiêu chính: tốc độ triển khai dự án, đưa ra các sản phẩm phù hợp với thị trường và cuối cùng là những nét riêng so với các dự án khác trong khu vực.
Dự án D-Vela Bình Đông có vị trí khá đắc địa khi nằm ngay góc 2 mặt tiền đường Bến Bình Đông và Ngô Sĩ Liên sầm uất, tầm nhìn thoáng, đẹp ra kênh Tàu Hũ. Vị trí đẹp và hạ tầng giao thông thuận lợi khi kết nối với Đại lộ Đông Tây là những điểm mạnh tạo nên lợi thế cạnh tranh của dự án.
Với 2 dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc An và Dự án Suối Lớn, DRH sẽ phát triển trên cơ sở tận dụng tối đa mảng xanh tự nhiên hiện hữu. Không giống như các dự án bất động sản khác với mảng xanh tự nhiên thấp, DRH nghiên cứu phát triển dự án dựa trên các giải pháp thân thiện với môi trường, phát huy tối đa mảng xanh tự nhiên hiện hữu.
Riêng Dự án Dream House City, có quy mô hơn 45 ha, được xem là một trong những dự án lớn so với các dự án trong khu vực. Mục tiêu của DRH là phát triển dự án thành khu phức hợp với nhiều sản phẩm khác nhau được đưa ra thị trường. Trong những năm tới, với việc triển khai dự án sân bay Long Thành, cũng như kế hoạch xây dựng cầu Cát Lái nối Quận 2 và Đồng Nai, tiềm năng phát triển của dự án là khá lớn.