Hành trình Đông Dương và câu chuyện vượt thác ghềnh

Hành trình Đông Dương và câu chuyện vượt thác ghềnh

(ĐTCK) Cuối năm 2012, gánh nặng lãi vay, hàng tồn kho chất đống đè nặng lên Ân, chủ một DN. Nhưng may mắn thay, tại một khúc sông hiểm trở nhất trên dòng Mekong, anh đã tìm ra nghị lực và niềm tin để vượt qua.

Hành trình Đông Dương và câu chuyện vượt thác ghềnh  ảnh 1Khi vượt thác, nếu cá hoảng sợ quay đầu bỏ chạy thì chết, giám đốc gặp khó khăn, gặp nợ nần mà buông xuôi thì doanh nghiệp chết

5h30 sáng một ngày cuối tuần, không tài xế, không trợ lý và không cả máy tính xách tay, Ân khoác ba lô ra bắt xe đò ở Hàng Xanh, TP. HCM, bắt đầu chuyến đi xuyên Đông Dương. Với 4 con dấu đóng trên hộ chiếu và 800.000 đồng tiền vé, chuyến xe đã vượt quãng đường gần 600 km đưa Ân từ miền Nam nước Việt băng qua hết chiều dọc Campuchia đến cao nguyên Boloven miền Nam nước Lào. Trên đất bạn, đường vắng, xe chạy băng băng trên đường xuyên Á - AH11, khiến Ân mường tượng về con đường tơ lụa ngàn năm trước. Từng đoàn người và ngựa, lạc đà hàng hóa chất trên lưng bước từng bước băng qua sa mạc như thiêu như đốt, chống chọi với những cuộc cướp bóc, để lại dọc đường máu và mồ hôi để mang những xấp tơ lụa từ Trung Quốc tới tận châu Âu và mang về những sản vật khác mà châu Á không có.

Con đường tơ lụa thời cổ đại không đi qua Việt Nam . Nhưng giờ đây, dọc Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến TP. HCM rồi rẽ sang Tây Ninh, Ân đã nhìn thấy những tấm biển màu xanh chỉ đường AH1 - con đường bộ dài nhất châu lục chạy suốt từ Tokyo vượt biển qua bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc, tới Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện, băng qua Ấn Độ rồi chạy tiếp qua Iran tới Thổ Nhĩ Kỳ và nối mạng vào lưới giao thông của châu Âu. Việt Nam tự hào đóng góp 2.678 km vào con đường tơ lụa thời hiện đại - AH1 và một ngày không xa nữa, bất kỳ ai cũng có thể tự lái xe chạy thẳng đến xứ sở “Ngàn lẻ một đêm” tới thành Rome.

Ngày xưa, cụ nội Ân theo đoàn cơ khí sang Lào lắp máy phải đi ròng rã mất mấy tháng trời. Ngày nay, những tuốc-bin nhà máy điện cồng kềnh nặng vài trăm tấn được chở bằng tàu biển tới Việt Nam rồi vượt Trường Sơn bằng xe hạng nặng sang Lào cũng chỉ mất có mấy ngày. Ngày xưa, đoàn thám hiểm người Pháp ngược Mekong mất trọn 2 năm chỉ mong tìm ra con đường thủy thông thương. Ngày nay, vùng hạ lưu Mekong đang nhộn nhịp những chuyến tàu xuôi ngược. Chỉ hơn 200.000 đồng tiền vé, người ta dễ dàng đón tàu thủy chuyến 8h sáng tại thủ đô Phnompenh xuôi theo Mekong về tới Châu Đốc, hoặc chỉ với vài triệu đồng cho hơn chục tấn hàng hóa chở bằng tàu container từ cảng trung chuyển ở Vũng Tàu, ở TP. HCM chạy thẳng tới Phnompenh.

 

Có trở ngại nào không thể vượt qua?

Ân đã lần theo những dấu vết của đoàn thám hiểm người Pháp từ 146 năm trước trên đất Lào, rong ruổi từ Pakse lên cao nguyên Boloven, rồi ngược về đi thuyền đến vùng Siphandon. Câu chuyện tàu hỏa cõng tàu thủy vượt thác ở vùng này đã cho Ân một niềm tin rằng, không khó khăn nào là không thể không vượt qua.

Ngày 5/6/1866, trung tá hải quân Grée và đại uý Garnier cùng đoàn tùy tùng đã rời Sài Gòn trên một tàu chiến, ngược dòng Mekong với ý định tìm đường thủy từ biển Đông  -

Việt Nam tới Vân Nam - Trung Quốc. Trở ngại đầu tiên là thác Sambor thuộc tỉnh Kratie - Campuchia với vô số ghềnh đá giữa dòng, nước chảy xiết. Đoàn phải dỡ hàng từ tàu chiến sang thuyền độc mộc rồi dùng thừng kéo nhích từng đoạn một. Vượt qua được cửa ải thứ nhất, đi thêm vài chục cây số, đoàn thám hiểm lại gặp ngay khổ nạn thứ hai. Mekong - con sông lớn thứ 10 về lượng nước bắt nguồn từ nóc nhà thế giới - Tây Tạng, chảy về đến vùng Nam Lào thì xổ tung ra như một búi tóc. Mỗi lọn tóc là một dòng chảy bao bọc lấy vô số các cù lao, các đảo lớn, đảo bé. Người ta lấy luôn con số 4 ngàn (Si phan) ghép với từ Don là đảo thành tên địa danh Si Phan Don - nghĩa là 4 ngàn hòn đảo. Cả một vùng sông nước rộng lớn mênh mông vào mùa mưa kéo dài 50 km là vô số những ghềnh đá, vực sâu và thác Khone hùng vĩ nước đổ ầm ầm như đàn ngựa bất kham.

Dù tàu không thể vượt qua thác và đoàn thám hiểm ấy tiếp tục hành trình lên Vân Nam bằng nhiều loại phương tiện khác nhau, nhưng con người không chịu đầu hàng dòng sông. Ý định đưa tàu thuyền vượt qua vùng thác hiểm trở nung nấu các công ty Pháp và đến năm 1893, họ đã tìm ra cách vượt thác Khone bằng đường sắt! Hơn 7 km đường ray sắt khổ nhỏ và cầu cảng đã được xây dựng. Tàu thuyền khi đến vùng này, cập vào bến rồi được kéo lên đường ray giống như ở nhà máy đóng tàu bây giờ dùng ray để hạ thủy tàu xuống nước. Tàu lửa ở Siphandon “cõng” tàu thủy trên cạn băng qua đảo Khone và đảo Det, vượt qua thác nước Somphamit và được trả lại dòng Mekong để tiếp tục cuộc thủy trình. Một câu chuyện lạ lùng khác cũng đã xảy ra theo cách ngược lại - tàu thủy cõng tàu lửa ở Mỹ Tho. Năm 1885, tuyến đường sắt nối Sài Gòn xuống Mỹ Tho đã gần xong, chỉ còn thiếu cây cầu vượt sông Vàm Cỏ. Chưa có cầu, người ta nghĩ ra cách dùng phà thay thế. Các toa xe và đầu máy đến khúc sông này được tách rời ra, đưa lên phà, chở qua sông thì nối lại thành đoàn tàu rồi chạy tiếp.

Hơn 100 năm đã trôi qua, ngày nay trên hòn đảo ở Siphandon những thanh ray vẫn còn tồn tại như một bằng chứng sống về tinh thần dám nghĩ dám làm. Tàu thủy cõng tàu lửa, rồi ngược lại tàu lửa cõng tàu thủy, mỗi DN như một con tàu, nếu biết dựa vào nhau thì chả thác ghềnh nào ngăn cản được bước đi của họ.

 

Bài học từ loài cá bơi ngược dòng Mekong

Tại vùng thác Khone, nơi nước luồn lách qua các bãi đá, gặp những chỗ đáy sông đột ngột tụt xuống thì ầm ầm đổ xuống phía dưới làm bọt tung trắng xóa, Ân đã tận mắt nhìn thấy điều kỳ lạ - những con cá nhỏ dũng cảm nhảy vượt từng bậc đá và bơi ngược dòng nước lên phía thượng nguồn. Những con cá mình tròn như trắm, bơi chậm chậm ngược dòng chảy, gặp chỗ bọt trắng do nước từ phía trên đổ xuống, chúng dừng lại một chút rồi bất ngờ đồng loạt tung mình lao về phía trước. Nhảy lên được một bậc, chúng lẹ làng nép vào một khe đá, hay một bụi cây rồi tiếp tục bơi ngược dòng đến chân bậc đá kế tiếp. Cứ thế, đàn cá nhẫn nại, kiên trì vượt từng bậc, bơi từng chặng một. Nhưng cũng có con chừng như thấy nước đổ ầm ầm sợ quá quay đầu xuôi dòng không dám nhảy. Nước chảy quá mạnh khiến vây và đuôi của nó không còn điều khiển được nữa, như con thuyền mất lái, nó bị đập vào đá và chết.

Ân mải mê nhìn những con cá nhảy từng bậc, từng bậc vượt qua thác dữ và chợt nhận ra những điều tưởng như đơn giản: khi vượt thác, nếu cá hoảng sợ quay đầu bỏ chạy thì chết, giám đốc gặp khó khăn, gặp nợ nần mà buông xuôi thì DN chết. Có những lần tới hạn trả nợ, tìm không ra tiền, Ân đã định mặc kệ để ngân hàng xiết nợ. Những con cá nhỏ bé còn biết cách lựa dòng nước, biết lúc nào tung mình nhảy ngược thoát hiểm, chả lẽ mình không đủ dũng cảm, chả lẽ mình lại buông xuôi?!

Nhưng giá mà ở vùng ghềnh đá này, ta làm gì đó để giúp đàn cá bớt khó khăn khi vượt thác? Từ rất xa xưa rồi, trên nhiều dòng sông, người ta đã làm ra những cái “Thang cá” (Fish ladder) để giúp cá hồi và những loài cá di cư bơi ngược dòng sông về nơi sinh đẻ. Thang cá có thể là những bó cành cây, là các bậc đá được xếp đều nhau tương đối thấp trong dòng nước, chúng làm giảm vận tốc nước chảy, là chỗ tựa giúp đàn cá có thể lần lần nhảy và bơi từng bậc vượt qua quãng thác để lên đến phía nước chảy hiền hòa. Cá và nước, dòng tiền (cash flow) với DN và dòng nước với loài cá có khác gì. Dòng nước, dòng tiền ấy có lúc chảy êm đềm, có chỗ toàn ghềnh thác, có lúc đầy ắp nước, có lúc cạn trơ cát giữa dòng, cá muốn sống, muốn sinh sôi nảy nở phải biết tìm nguồn, biết dũng cảm vượt thác để tới chỗ nước chảy đều. Trên hành trình tồn tại và nảy đàn sinh đống, DN cũng rất cần những bậc “thang cá”. Những chính sách tài khóa - tín dụng, quản lý vàng, ngoại hối, giảm thuế… như những bậc thang, là chỗ dựa giúp họ từng bước, từng bước vượt qua thác ghềnh khó khăn của đợt suy thoái kinh tế toàn cầu.

Không còn là câu chuyện ngụ ngôn “vượt vũ môn, cá hóa rồng”, Ân đang nhìn thấy mùa xuân mới giúp đàn cá kình thêm sức, thêm tự tin dũng cảm vượt dòng nước ngược và thác ghềnh, trở ngại để sinh sôi nảy nở ở vùng nước bình yên.