VWEC, USABC và Coca-Cola Việt Nam ký kết biên bản cho chương trình 2020 hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp nữ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, đóng góp của khu vực tư nhân là rất lớn trong GDP, trong giải quyết việc làm, thu ngân sách. Tuy nhiên, khu vực này hiện nay đang rời rạc, năng lực còn hạn chế về thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ, tiếp cận thị trường, tiếp cận thông tin, khả năng liên kết các doanh nghiệp với nhau... trong khi 98% doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, nếu không tạo thành cộng đồng doanh nghiệp thì nền kinh tế không phát triển bền vững.
Liên kết doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong thời hội nhập để tạo nên sức mạnh đồng thuận trong mỗi ngành hàng, lĩnh vực, cũng như xây dựng nên những thương hiệu về sản phẩm, ngành hàng uy tín, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Theo một nghiên cứu của InsightAsia, vốn là khó khăn lớn nhất của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, nhưng các vấn đề về nguồn khách hàng, nhà xưởng và pháp lý cũng là những yếu tố quan trọng không kém níu chân sự phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Trong khi đó, thống kê mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, tỷ lệ thua lỗ của nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ là 32%, doanh nghiệp nhỏ là 17%, doanh nghiệp quy mô vừa là 16%. Trong khi đó, tỷ lệ này của nhóm doanh nghiệp quy mô lớn là 10%.
Theo Phó chủ tịch VCCI TP.HCM Trần Ngọc Liêm, doanh nghiệp quy mô càng nhỏ, tỷ lệ hoạt động có lãi càng thấp. Để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này, VCCI cũng đã có một số kiến nghị với Chính phủ nhằm cải thiện tính minh bạch của môi trường kinh doanh để giảm bớt và xóa bỏ chi phí không chính thức mà doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải chịu.
Ngoài ra, VCCI cũng đề xuất thiết kế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp; xây dựng chính sách mang tính hệ thống; tham vấn cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt mong muốn và nhu cầu của đối tượng thực hiện và thụ hưởng chính sách….
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, muốn tiến ra thế giới, Việt Nam phải có một lực lượng doanh nghiệp mạnh, có những “cánh chim đầu đàn” dẫn dắt tạo nên sức mạnh cạnh tranh của quốc gia. Và muốn vậy, phải xây dựng được một doanh nghiệp lớn, kết nối với các doanh nghiệp vừa, các doanh nghiệp này lại có xung quanh một hệ thống doanh nghiệp nhỏ tạo nên một hệ sinh thái doanh nghiệp đa dạng, hoàn chỉnh.
Kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo thành một chuỗi cung ứng cùng nhau phát triển là cách mà các công ty lớn nói chung đang nỗ lực thực hiện. Nhìn vào các tập đoàn lớn của Việt Nam hoặc các tập đoàn đa quốc gia đang hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể thấy được những kết quả lạc quan.
Đối với Coca-Cola Việt Nam nói riêng, doanh nghiệp với 900.000 khách hàng khắp cả nước trong suốt 25 năm qua, không chỉ đóng góp trung bình mỗi năm khoảng 3.500 tỷ đồng vào GDP quốc gia (tương đương khoảng 0,11% GDP cả nước) - theo chỉ số báo cáo do PwC thực hiện, tập trung vào giai đoạn 2016 - 2018, mà với chiến lược “nội địa hóa” của mình dành cho chuỗi cung ứng, hiện nay, có đến 91% nhà cung cấp của Coca-Cola là doanh nghiệp Việt, đồng nghĩa với việc phần lớn giá vốn bán hàng đến từ nguồn cung ứng nội địa.
Hãng nước giải khát này cũng xác định mục tiêu trong 10 năm tới sẽ sử dụng 100% nhà cung cấp trong nước và trong chiến lược phát triển chuỗi cung ứng nội địa của doanh nghiệp, Coca-Cola còn nhắm đến phụ nữ với mục tiêu trên 50% nhà cung cấp là doanh nghiệp nữ trong 5 năm tới.
Mới đây, tại diễn đàn “Định vị doanh nhân nữ trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, Coca-Cola Việt Nam cùng với Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) đã ký kết Biên bản Ghi nhớ Chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng.
Mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đã đạt các mức kỷ lục, nhưng những lợi ích lan toả mà đầu tư trực tiếp nước ngoài mang lại cho nền kinh tế của Việt Nam vẫn chưa phát huy hết tiềm năng do số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng vẫn còn hạn chế.
Chính vì thế, hành trình cùng kiến tạo cùng phát triển sẽ cần có thêm sự chung tay của không chỉ các doanh nghiệp tập đoàn lớn như Coca-Cola, hay Amazon ngay khi vào Việt Nam đã kết nối với Bộ công thương và các doanh nghiệp khác để xúc tiến chuỗi trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu…
Được biết, một dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ (LinkSME) cũng đã được khởi động nhằm tăng cường năng lực cho các tổ chức trung gian tại Việt Nam, như các hiệp hội doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, các đơn vị xúc tiến doanh nghiệp nhỏ và vừa, để thúc đẩy mối quan hệ cung-cầu giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp đầu chuỗi tại Việt Nam, đồng thời nâng cao khả năng tham gia chuỗi cung ứng sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ.