Giải thưởng “Thành tựu lãnh đạo” trao cho 12 nhà lãnh đạo ngân hàng xuất sắc châu Á - Thái Bình Dương

Giải thưởng “Thành tựu lãnh đạo” trao cho 12 nhà lãnh đạo ngân hàng xuất sắc châu Á - Thái Bình Dương

“Hành trang” chiến thắng của vị tướng doanh nhân

(ĐTCK) Là vị Tướng kiêm Tổng giám đốc (CEO) duy nhất của Việt Nam vừa được vinh danh trong giải thưởng “Thành tựu lãnh đạo” dành cho 12 nhà lãnh đạo ngân hàng xuất sắc tại mỗi quốc gia thuộc Châu Á - Thái Bình Dương, cảm xúc đầu tiên, như Thiếu tướng, TS. Lê Công chia sẻ, là bất ngờ và hạnh phúc. 

Asian Banker đánh giá cao vai trò của Tướng Lê Công khi lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vượt qua thách thức của môi trường kinh doanh, trong khi vẫn kiên định mục tiêu chiến lược dài hạn. Nếu ví thương trường như chiến trường thì điều gì đã giúp Tướng Lê Công chiến thắng? ĐTCK có cuộc trao đổi với vị CEO đặc biệt này. 

Xin chúc mừng Thiếu tướng. Xin ông chia sẻ cảm xúc của mình khi những nỗ lực vượt khó, vươn lên của cá nhân Tổng giám đốc, của MB được các chuyên gia kinh tế độc lập ASEAN ghi nhận và đánh giá?

Tôi bất ngờ và hạnh phúc khi được nhận giải thưởng này bởi đây là kết quả được các chuyên gia kinh tế độc lập đưa ra. Họ bình chọn khách quan, thực hiện 3 năm một lần trên cơ sở đánh giá thành tựu hoạt động của hệ thống ngân hàng châu Á. MB là ngân hàng niêm yết, mọi thông tin về hoạt động chúng tôi công bố công khai theo quy định pháp luật. Được phát biểu tại buổi lễ, tôi đã bày tỏ niềm tự hào với các lãnh đạo ngân hàng khu vực, đây là vinh dự của ngành ngân hàng Việt Nam, của MB, trong đó có cá nhân tôi. 

Thực tế, so với các ngân hàng khu vực, MB vẫn thuộc khối ngân hàng quy mô nhỏ. Điều chúng tôi được ghi nhận là những nỗ lực vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mà Việt Nam đã phải chịu ảnh hưởng rất lớn. Trong khó khăn chung, MB vươn lên, đạt kết quả kinh doanh vững vàng, nhiều chỉ tiêu kinh doanh (ROA, ROE, năng suất lao động…) dẫn đầu nhóm ngân hàng TMCP không có vốn Nhà nước chi phối.

Thiếu tướng, TS. Lê Công  

Asian Banker đánh giá cao vai trò quản trị điều hành của ông trong việc lãnh đạo Ngân hàng vượt qua thách thức ngắn hạn, trong khi vẫn kiên định mục tiêu chiến lược dài hạn. Nếu coi thương trường như chiến trường thì đâu là “hành trang” đã giúp ông lãnh đạo MB chiến thắng trên mặt trận kinh doanh?

Nhìn lại quá trình 6 năm đảm nhận cương vị Tổng giám đốc MB, tôi thấy có rất nhiều khó khăn, thách thức. Nếu như năm 2010, nền kinh tế đang tăng trưởng khá tốt, thì năm 2011, khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu ngấm sâu vào Việt Nam, các chỉ số đổi chiều.

Thời điểm đó, lạm phát tăng phi mã, lãi suất ngân hàng tăng cao, thanh khoản căng thẳng và nguy cơ đổ vỡ hệ thống là hiện hữu. Trong bối cảnh này, làm thế nào để đứng vững trong kinh doanh và góp sức giữ vững hệ thống là một bài toán chúng tôi buộc phải tìm lời giải. Xác lập chiến lược riêng, xây dựng mục tiêu và tầm nhìn trong hoạt động của MB là nhiệm vụ chúng tôi thực hiện đầu tiên.

Với sự tư vấn của McKinsey, nhà tư vấn hàng đầu thế giới, chúng tôi đã xác lập chiến lược 2011 - 2015 của MB và thực tế đã chứng minh chúng tôi thành công từ chiến lược. Đây chính là “kim chỉ nam”, giúp MB không bị chệch hướng trong mọi hoàn cảnh. Trong kinh doanh, việc điều hành luôn phải ứng biến linh hoạt, nhưng mục tiêu phải rõ ràng với đích đến xác định cụ thể, sẽ không lo lạc đường.

Cũng từ năm 2011, mục tiêu 5 chữ “C” của MB ra đời. Chữ C đầu tiên là “Chiến lược”, xác định MB phải đứng trong Top 3 ngân hàng TMCP tại Việt Nam, dựa trên 3 trụ cột: ngân hàng cộng đồng, ngân hàng chuyên nghiệp và ngân hàng giao dịch.

Chữ “C” thứ hai là “Con người”, xây dựng đội ngũ nhân sự có năng lực, có chuyên môn và đạo đức kinh doanh tốt.

Chữ “C” thứ ba là “Chất lượng”, MB phải đạt chất lượng phát triển về mọi mặt, nhưng ngân hàng là ngành nghề đặc biệt, kinh doanh tiền, nên quản trị rủi ro phải đứng hàng đầu.

Chữ “C” tiếp theo là “Công nghệ” và chữ “C” thứ năm là “Chính trị”, đây là giá trị riêng có của chúng tôi khi mang thương hiệu Quân đội. 

Tại MB, công tác Đảng - công tác chính trị và công tác quần chúng đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Người MB thấm nhuần chương trình hành động được thể hiện bằng 8 chữ T: Tận tâm, Tuân thủ, Trung thành, Thực thi. Nhìn lại hành trình đã qua, chắc các bạn cũng nhận ra, hành trang giúp chúng tôi vượt lên trên thương trường nằm ở 2 yếu tố cốt lõi: chiến lược và văn hóa của MB.

Trong thông điệp của Chính phủ nhiệm kỳ mới, năm 2016 được đặt tên là năm của cộng đồng DN. Chính phủ mong muốn có nhiều giải pháp để hỗ trợ cộng đồng DN. Ở vị thế của một ngân hàng, xin ông chia sẻ những giải pháp MB sẽ làm để hỗ trợ các DN vươn lên?

Chính phủ nhiệm kỳ mới đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ, tạo niềm tin và khát vọng rất lớn cho các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Trong cuộc làm việc với cộng đồng doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã truyền tải thông điệp quyết tâm xây dựng một Chính phủ trong sạch, minh bạch, một Chính phủ phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, của doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan công quyền.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ điều hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, trên tinh thần thượng tôn luật pháp. Tôi cho rằng, những giải pháp và nỗ lực cải cách trên khi triển khai trọn vẹn trong thực tế, sẽ tạo niềm tin và động lực rất lớn, thúc đẩy sự sáng tạo, sự chuyển động vươn lên của nền kinh tế Việt Nam.

So với các nước có nền kinh tế phát triển như Nhật, Mỹ, số DN thành lập ở Việt Nam còn rất nhỏ, nhỏ cả về cả quy mô và số lượng. Cụ thể, nước Nhật có trên 100 triệu dân, nhưng họ có tới 25 triệu DN. Nước Mỹ có trên 250 triệu dân nhưng có 45 triệu DN, những tập đoàn tư bản hàng đầu của Mỹ có thu nhập cao hơn cả GDP nước mình…

Thực tế này cho thấy, dư địa cho sự phát triển của các DN Việt Nam còn rất rộng. Khi có cơ chế tốt, định hướng vĩ mô rõ ràng, minh bạch, tôi tin rằng, rất nhiều người sẽ cống hiến, sẽ sáng tạo bằng con đường lập nghiệp, tìm cơ hội cho mình và cho nền kinh tế nói chung.

Ở vị thế của một ngân hàng, MB kinh doanh trên cơ sở luật pháp và chỉ đạo, định hướng của ngành. MB luôn đồng hành và hỗ trợ các DN, khách hàng trên nền tảng quản trị rủi ro hiệu quả. Thực tế, sức khỏe của các DN có vững thì hệ thống ngân hàng mới vững và hệ thống ngân hàng có vững thì nền kinh tế mới vững.

Nhận giải thưởng của Asian Banker, nhưng như ông chia sẻ, MB vẫn thuộc khối ngân hàng quy mô nhỏ trong khu vực. Xin ông chia sẻ khát vọng của Ngân hàng trong 5 năm tới? Dường như MB quá thận trọng khi tính việc M&A như một cách để tăng vọt về quy mô trên thương trường, thưa ông?

Nếu như 5 năm trước, mục tiêu chiến lược của MB là ghi tên mình trong Top 3 ngân hàng TMCP Việt Nam và nay đã đạt được, thì 5 năm tới, chúng tôi xác định mục tiêu của MB là trong Top 5 ngân hàng thương mại Việt Nam với khoảng cách giữa MB và 4 ngân hàng có vốn Nhà nước ngày càng nhỏ lại.

So với 4 ngân hàng có vốn Nhà nước, MB ít hơn nhiều về tuổi đời (năm 2016 là năm thứ 22 hoạt động của MB, trong khi VCB, Argibank, Vietinbank, BIDV có trên 50 năm hoạt động - PV) và theo đó, các chỉ số về quy mô (vốn điều lệ, tổng tài sản, nhân sự…) của MB còn khá nhỏ so với khối ngân hàng có vốn Nhà nước.

Dù mấy năm gần đây, MB đạt hiệu quả hoạt động tốt nhất trong hệ thống (tính trên chỉ tiêu ROA, ROE, lợi nhuận/nhân sự, cổ tức…), nhưng chúng tôi còn khoảng cách khá xa về quy mô với Top 4, nên còn phải phấn đấu nhiều để kéo gần khoảng cách này.

Về M&A, khi chúng tôi tìm hiểu các thị trường tài chính lớn trên thế giới và những ngân hàng hàng đầu, đã nhận ra rằng, M&A không hẳn là một bài toán hiệu quả. Chỉ có khoảng 10% các thương vụ M&A trong ngành ngân hàng trên thế giới là thành công, mang lại giá trị mới cho các chủ thể.

Vì thế, chúng tôi phải cân nhắc rất nhiều. Thực tế cũng cho thấy, bên cạnh các ngân hàng hàng đầu như Deusche Bank, Citibank, Standard Chartered Bank…, thì có nhiều ngân hàng ở quy mô nhỏ, nhưng quản trị tốt vẫn có thể đạt hiệu quả vượt trội. Vì thế, chúng tôi thiên về nỗ lực xây dựng và hoàn thiện MB theo mô hình tập đoàn tài chính, lấy hoạt động của ngân hàng mẹ làm trụ cột, làm cốt lõi để vươn lên.

Tin bài liên quan