Người lao động được bay miễn phí trong chương trình "Về nhà ăn tết, gắn kết yêu thương" do Vietjet, HDSAISON phối hợp cùng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức Tết Nguyên đán 2023 - ảnh: TL

Người lao động được bay miễn phí trong chương trình "Về nhà ăn tết, gắn kết yêu thương" do Vietjet, HDSAISON phối hợp cùng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức Tết Nguyên đán 2023 - ảnh: TL

Hạnh phúc được bay về nhà ngày Tết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những ngày này, người xa xứ bắt đầu hành trình về nhà ăn Tết. Sân bay đông đúc, dẫn tới chậm chuyến nhiều hơn ngày thường là dễ hiểu. Nhưng sự an toàn của mỗi chuyến bay và niềm vui đoàn tụ với gia đình mới là trên hết.

Thử đặt giả thiết: Nếu sân bay thông thoáng, các chuyến bay đúng giờ tuyệt đối thì sao?

Để có hiện thực đó trong điều kiện sân bay, đường băng, sân đỗ còn bất cập như hiện nay, các sân bay sẽ phải giảm bớt người ra vào, các hãng bay sẽ phải cắt giảm chuyến bay, giãn cách thời gian bay giữa các chuyến… Điều này tương tự với giao thông đường bộ, muốn giảm tình trạng kẹt xe, hạn chế tình trạng xe rời bến muộn, nếu đường sá không đủ rộng, thì giải pháp duy nhất là giảm số lượng xe giao thông trên đường.

Trong trường hợp ấy, chắc chắn một lượng lớn hành khách thuộc nhóm khách hàng yếu thế sẽ không được phục vụ, không thể đoàn tụ gia đình ngày Xuân. Và suốt những ngày Tết, họ sẽ phải lặng lẽ ở lại những thành phố lớn, nơi họ đã bươn chải kiếm sống cả năm.

Không gì buồn hơn, bất hạnh hơn khi ngày Xuân không được đoàn tụ cùng gia đình!

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng 5/2 (26 Tết) - ảnh: TL

Hành khách làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất sáng 5/2 (26 Tết) - ảnh: TL

Hạ tầng giao thông Việt Nam còn hạn chế, nên việc đáp ứng tốt nhất hoạt động khai thác của các đơn vị vận tải, là điều chưa thể.

Hàng không còn một yếu tố đặc thù khác, bất lợi trong quá trình khai thác, là thời tiết. Thời tiết xấu đồng nghĩa với việc các chuyến bay không thể hạ cánh, cất cánh đúng giờ, kéo theo hệ lụy chậm chuyến dây chuyền ở các chuyến bay kế tiếp. Tình trạng sương mù dày đặc những ngày qua tại các sân bay ở miền Bắc là một minh chứng điển hình.

Trên thế giới, hành khách quen thuộc với việc delay, họ hiểu rằng trên trời cũng có thể kẹt như dưới đất. Họ quan tâm nhiều hơn đến việc làm sao đến nơi cho an toàn.

Delay là câu chuyện muôn thuở của ngành hàng không. Càng vào những giai đoạn cao điểm, tình trạng delay càng dễ xảy ra.

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp Tết năm nay sẽ tăng khoảng 10-15% so với Tết năm 2023, thậm chí có thể tăng đột biến khoảng 30%.

Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách, các hãng hàng không đều tăng chuyến bay, có hãng thuê thêm tàu bay trong bối cảnh giá thuê tàu, giá nhiên liệu không rẻ. Nhân viên hàng không làm việc không nghỉ, xuyên suốt những ngày Tết. Cường độ làm việc tăng gấp đôi so với ngày thường. Đa số nhân viên hàng không phải hy sinh hạnh phúc sum vầy, họ không được quây quần bên gia đình ngày Tết. Họ đi làm không ngừng nghỉ dịp Tết để đem niềm vui đoàn tụ đến cho hàng triệu hành khách.

Còn biết bao người lao động ở các ngành nghề khác, vì đặc thù công việc, vì điều kiện khó khăn, đã không thể chung vui bên bữa cơm gia đình đầm ấm đêm giao thừa. Họ cũng thèm được không khí ách tắc tại sân bay, thèm được chờ đợi vì những chuyến bay delay, nhưng lại không thể.

Nghĩ đến những người không có điều kiện về nhà trong ngày Tết, những ai đã có tấm vé máy bay trên tay sẽ cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều. Chuyến bay của họ dù có chậm, dù có những bất cập thế nào, thì về nhà an toàn, sum vầy bên gia đình trong những ngày Xuân vẫn là hạnh phúc.

Tin bài liên quan