Ông đảm nhiệm nhiều “vai”, Chủ tịch CTCP Đồng Tâm kiêm Chủ tịch Kienlongbank, Câu lạc bộ Đồng Tâm – Long An và Chủ tịch Công ty điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp VPF. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm điều hành thành công cùng lúc nhiều lĩnh vực như vậy?
Tôi kế nghiệp cha kinh doanh vật liệu xây dựng, nhưng đó cũng là niềm đam mê từ nhỏ của tôi. Với lĩnh vực bóng đá, đây là sở thích thể thao và có chút tự ái dân tộc khi muốn đưa nền bóng đá quốc gia phát triển hơn nữa. Còn làm ngân hàng, lĩnh vực tài chính cũng là một ngành kinh doanh như các ngành khác.
Tôi làm kinh doanh là kế nghiệp cha tôi, cũng là niềm đam mê từ nhỏ của tôi
- Ông Võ Quốc Thắng.
Tôi không dám tự nhận mình là người thành công, mà chỉ chia sẻ một chút kinh nghiệm khi làm kinh doanh của mình. Dù kinh doanh vật liệu xây dựng, hay tài chính - ngân hàng và bóng đá, tôi luôn xem con người là yếu tố quan trọng nhất. Nhân viên tốt là một tài sản quý của công ty, của ngân hàng; cầu thủ tốt là tài sản quý của đội bóng. Xây dựng được đội ngũ nhân sự tốt, khát khao cống hiến là doanh nhân đã đi được một nửa của thành công.
Trong điều hành đội bóng hay doanh nghiệp, tôi luôn dùng văn hóa. Chỉ có văn hóa mới kêu gọi một tập thể thay đổi vì điều tốt đẹp hơn và chỉ có văn hóa mới có sức mạnh thuyết phục, loại trừ những hạn chế, yếu kém ra khỏi tổ chức.
Thời gian gần đây, các bạn có thấy sân cỏ không còn xả rác, cầu thủ không văng tục, không ném vật dụng khi thi đấu, cổ động viên cũng không còn xả rác, hút thuốc trên khán đài. Trong doanh nghiệp của tôi cũng áp dụng văn hóa điều hành, văn hóa đó được cụ thể qua nội quy, quy định của đơn vị. Trước là khuyến khích, chia sẻ, hướng dẫn, sau là đưa vào quy định, bắt buộc phải thực hiện.
Nhiều doanh nhân khi đạt đến một đỉnh cao trong kinh doanh thường chia sẻ, mục tiêu của họ không chỉ là làm giàu cho bản thân, vì tiền kiếm được cũng đã đủ. Với ông thì sao?
Cũng từng nhiều người hỏi tôi rằng, vì sao tôi lại làm nhiều thế, làm như vậy để làm gì, trong khi những gì thu hoạch được sau hơn 20 năm làm kinh doanh đủ để tôi và gia đình sống thoải mái đến già. Nhưng tôi nghĩ tôi là một doanh nhân hạnh phúc, tôi có nhiều bạn tốt, nhiều cộng sự tốt gắn bó với tôi gần 20 năm và cả những người mới đến nhưng đang hết lòng hết sức vì Công ty, vì Ngân hàng. Chính điều đó thúc giục tôi làm việc nhiều hơn, mang lại nhiều của cải hơn cho xã hội.
Với tôi, làm kinh doanh không phải nhằm mục đích kiếm thật nhiều tiền, hoặc bằng mọi cách chiến thắng người khác, chiến thắng đối thủ. Tôi làm kinh doanh để có thêm bạn. Sau mỗi cuộc thương thuyết, mỗi hợp đồng mua bán, tôi lại có thêm nhiều người bạn. Thêm bạn nghĩa là chúng ta có thêm sự thấu hiểu, chia sẻ, đồng cảm.
Người hạnh phúc nhất chưa chắc là người có nhiều tiền nhất, mà đó là người có nhiều người bạn nhất. Kinh doanh chỉ bền vững khi chúng ta tạo ra giá trị và chia sẻ giá trị đó cho nhiều bên liên quan. “Mang lại cho khách hàng, giá trị mang lại cho nhân viên, giá trị mang lại cho cổ đông và cho cộng đồng tại địa phương”, đó chính là triết lý kinh doanh của tôi.
Nhìn lại năm 2016, với các doanh nghiệp và lĩnh vực đang tham gia điều hành, ông hài lòng và trăn trở điều gì?
Kết thúc năm tài chính 2016, lợi nhuận sau thuế của CTCP Đồng Tâm đạt được 250 tỷ đồng, vượt gần 20% kế hoạch. Ngân hàng Kienlongbank phát triển ổn định. Tính đến 31/12/2016, tổng tài sản Ngân hàng tăng 20,26% so với năm 2015, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của Ngân hàng tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái…
Hoạt động kinh doanh ngân hàng, đặc biệt là với các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ được dự báo chưa hết khó khăn trong năm 2017, điều đó có tạo áp lực lớn lên ông với vai trò là Chủ tịch HĐQT Kienlongbank?
Kinh doanh lĩnh vực nào cũng rủi ro, cũng có thách thức và cơ hội đan xen. Quan trọng là cái tâm mình làm đúng, điều hành doanh nghiệp minh bạch, quan tâm chăm lo người lao động thì tôi tin rằng, tất yếu doanh nghiệp sẽ gặt hái được thành công.
Ông Võ Quốc Thắng: "Bóng đá là sở thích thể thao và có chút tự ái dân tốc khi muốn đưa nền bóng đá quốc gia phát triển hơn nữa"
Trong những lúc khó khăn, người đứng đầu càng cần phải giữ vững sự lạc quan và tin tưởng ở con đường phía trước. Phải khẳng định rằng, trong 4 năm gần đây, chính sách tiền tệ kịp thời của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức đề kháng của các ngân hàng trong tình hình kinh tế khó khăn.
Được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, trong 3 năm qua, Kienlongbank đã chủ động thực hiện tái cơ cấu, nâng cao năng lực kinh doanh, ổn định bộ máy tổ chức, đưa hoạt động kinh doanh tiếp tục ổn định.
Tôi không quan trọng quy mô lớn, nhỏ, mà mục tiêu của Kienlongbank là xác định được hướng đi riêng, hoạt động an toàn, hiệu quả. Chính vì lẽ đó, mà từ khi tôi về làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng đến nay, số lượng khách hàng đã tăng gấp 4 lần so với trước.
Ông có thể chia sẻ kế hoạch, đường hướng phát triển của Ngân hàng trong năm 2017?
Điều mà tôi tâm đắc nhất vẫn là Kienlongbank kiên trì thực hiện phương châm hoạt động “Sẵn lòng chia sẻ” với khách hàng, với đối tác và người lao động. Tôi luôn cố gắng hết sức mình để cùng với hơn 2.000 cán bộ, nhân viên đưa Ngân hàng tiếp tục phát triển.
Năm 2017, chúng tôi đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng. Ngoài những mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản, tiếp tục mở rộng mạng lưới và phát triển nền tảng khách hàng, Kienlongbank sẽ chú trọng phát triển sản phẩm mới, gia tăng các nguồn thu từ dịch vụ.
Ngân hàng đã được đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung. Đó cũng là một bước để nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp trong hoạt động của Ngân hàng.
Vừa qua, chúng tôi đã trình Ngân hàng Nhà nước kế hoạch phát triển Kienlongbank đến năm 2020, trong đó, mục tiêu của Ngân hàng trong giai đoạn này là tăng trưởng mạnh về quy mô vốn, tổng tài sản, mạng lưới cũng như các chỉ tiêu kinh doanh…
Chính phủ đang quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, đây là một thuận lợi lớn với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp của ông cũng sẽ được hưởng lợi…
Với quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ, hệ thống văn bản pháp lý và các quy định đã hoàn thiện hơn rất nhiều. Chính phủ cũng quan tâm nhiều hơn đến doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tư nhân.
Chính phủ đã chủ động tiếp cận với khối doanh nghiệp tư nhân để lắng nghe và xây dựng chính sách. Môi trường kinh doanh ngày càng minh bạch hơn, các dòng chảy về vốn và chất xám và công nghệ cũng nhiều hơn.
"Với tôi, làm kinh doanh không phải nhằm mục đích kiếm thật nhiều tiền, hoặc bằng mọi cách chiến thắng người khác, chiến thắng đối thủ".
Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu cũng gia tăng sức ép cạnh tranh lên các doanh nghiệp trong nước. Không chỉ phải cạnh tranh với hàng hóa được sản xuất trong nước, mà còn phải cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu ngay chính sân nhà. Môi trường kinh doanh trong nước ngày càng chịu tác động lớn bởi những thay đổi và biến động về kinh tế và chính trị của thế giới.
Từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, tham gia đại biểu Quốc hội khóa XI, theo ông, vai trò cũng như sức mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân đã được nhìn nhận xứng đáng?
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ngày càng phát triển cả về chất và lượng. Doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, tham gia tích cực vào các hoạt động giao thương quốc tế. Một số doanh nghiệp đã phát triển đến quy mô lớn ở tầm khu vực, hoạt động khá thành công trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, sức mạnh tiềm ẩn của khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn rất lớn. Để nền kinh tế phát triển đột biến, theo kịp đà tăng trưởng của khu vực, tôi cho rằng, Nhà nước cần mạnh dạn tạo nhiều hơn nữa cơ chế, chính sách để khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân đầu tư, mở rộng kinh doanh, góp phần tạo thêm nhiều của cải hơn nữa cho nền kinh tế.
Để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh hiện nay, theo ông cần những thay đổi quan trọng nào?
Để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp tư nhân, trước tiên, cần một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và chính sách phát triển kinh tế vĩ mô và hệ thống pháp lý ổn định. Khi đó, các doanh nghiệp tư nhân mới xây dựng những kế hoạch phát triển dài hạn, mạnh dạn đầu tư vào các công nghệ hiện đại, đi tắt đón đầu về công nghệ, phát triển nguồn nhân lực. Đó là những yếu tố cốt lõi nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong môi trường hiện nay.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải chủ động thay đổi, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng các phương thức kinh doanh mới, công nghệ mới, hợp tác với các đối tác quốc tế, tiếp cận trình độ quản trị hiện đại và nâng cao giá trị thương hiệu của mình.