Những rào cản phát triển ngân hàng số
Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Cục trưởng, Cục Công nghệ thông tin NHNN Việt Nam cho biết, xếp hạng an toàn bảo mật thông tin các quốc gia trên thế giới, Việt Nam hiện xếp hạng thứ 100, thuộc diện trung bình yếu.
Trên thế giới, trung bình đầu tư cho an toàn, bảo mật thông tin trong các dự án CNTT của các tổ chức chiếm 15% - 25%, thì tại Việt Nam chỉ gần 5%. Cứ trong 100 thư rác phát tán trên thế giới thì Việt Nam chiếm 11,17%, Trung Quốc 12,4%, Mỹ 8,5%, như vậy nếu tính theo đầu người thì Việt Nam gấp 13,4 lần Trung Quốc, 8 lần Mỹ, và đứng đầu thế giới về phát tán thư rác có chứa mã độc.
61% máy PC người dùng Việt Nam bị nhiễm mã độc so với trung bình thế giới là 19%. Tỷ lệ lây nhiễm các thiết bị cá nhân tại chỗ cao nhất thế giới, cuối năm 2016 tỷ lệ là 71,38%. Về nhận thức và hành vi của người dùng trong việc đảm bảo an toàn thông tin khi truy cập mạng thì người dùng Việt Nam thuộc diện yếu nhất thế giới; 60% người dùng trên thế giới khi được hỏi thì đều có nhận thức việc mất an toàn là do bản thân, nhưng tại Việt Nam chỉ có gần 11% người dùng nhận biết được điều này.
Ông Hưng cho biết thêm, các chuyên gia quốc tế khi đánh giá về nhận thức đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin của người dùng Việt Nam đã dùng 02 từ để mô tả chính xác nhất đó là “dễ dãi”.
Tại Việt Nam cũng phát sinh một số vụ việc tin tặc đã lợi dụng sự “dễ dãi” của khách hàng để lừa đảo, đánh cắp thông tin đăng nhập hệ thống ngân hàng điện tử, mật khẩu một lần (OTP) để thực hiện hành vi đánh cắp tiền thông qua hệ thống ngân hàng điện tử.
“Vì vậy, một trong các rào cản lớn trong việc đảm bảo an toàn bảo mật khi cung cấp dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam là nhận thức về an toàn thông tin của người dùng trên môi trường mạng”, ông Hưng nhấn mạnh.
Trên thế giới, trung bình đầu tư cho an toàn, bảo mật thông tin trong các dự án CNTT của các tổ chức chiếm 15% - 25%, thì tại Việt Nam chỉ gần 5%.
Ông Đặng Đức Huy, Phó Giám Đốc Khối, Khối Ngân hàng bán lẻ, SCB nêu quan điểm, với sự phát triển của điện thoại thông minh, người sử dụng có thể lưu trữ thông tin thẻ trên điện thoại, đó là lý do thẻ chip đối với họ không còn ý nghĩa, tương đồng với xu hướng thanh toán di động ngày nay chúng ta thấy, các thẻ thanh toán vật lý sẽ dần bị thay thế bởi các ví điện tử trên di động.
Cũng theo ông Huy, điều này cũng hoàn toàn tương đồng với bài học hệ thống thanh toán của Mỹ, trong khi khắp thế giới đã áp dụng công nghệ thẻ Chip cho chủ thẻ tín dụng, thì tại Mỹ việc chuyển đổi hầu như diễn ra rất chậm chạp do hệ thống quá lớn, chi phí cho việc chuyển đổi rất cao. Tuy nhiên khi làn sóng thanh toán di động diễn ra mạnh mẽ có thể nước Mỹ sẽ phải bất đắc dĩ thừa nhận thất bại trong việc nâng cấp Chip EMV và tiến thẳng lên hình thái thanh toán tiến bộ hơn, với cơ chế bảo mật cao hơn.
“Việc bảo mật quyền riêng tư, thông tin cá nhân là rào cản rất lớn ảnh hưởng đến việc triển khai, việc phân quyền truy cập, dữ liệu nào được bộ phận, đơn vị nào truy cập phải được xây dựng chi tiết cùng với sự đồng ý của người dùng và cơ quan thực thi pháp luật quy định”, ông Huy nói.
Và những kinh nghiệm có thể học hỏi
Là quốc gia có tốc độ Internet nhanh nhất thế giới, Hàn Quốc cũng không hề chậm chân trong cuộc đua số hóa ngân hàng trên thế giới với sự ra mắt của Kakao Bank cuối tháng 7 năm nay.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam thông tin, vòng 1 tháng đầu tiên, Kakao Bank đã thu hút 3 triệu người dùng, với lượng tiền gửi lên tới 2 nghìn tỷ won (tương ứng với 1,78 tỷ đô) và cho vay tới 1,8 nghìn tỷ won.
Quy trình định danh khách hàng của Kakao Bank khá khác biệt với các ngân hàng truyền thống. Theo đó, khách hàng không cần phải tới gặp trực tiếp nhân viên của Kakao Bank khi mở tài khoản như các ngân hàng truyền thống. Trong trường hợp khách hàng đã có sẵn tài khoản với một ngân hàng khác, khách hàng có thể lựa chọn cung cấp thông tin về tài khoản đó cho Kakao Bank, Kakao Bank sẽ chuyển khoản một số tiền rất nhỏ, 1 won, tới tài khoản được cung cấp với nội dung chuyển tiền là mã xác nhận.
Khách hàng sẽ nhập mã xác nhận này vào ứng dụng trên điện thoại của Kakao Bank để hoàn thành quy trình định danh. Đối với trường hợp khách hàng chưa từng mở tài khoản tại bất kỳ ngân hàng nào tại Hàn Quốc, khách hàng có thể lựa chọn thực hiện cuộc gọi video với nhân viên của Kakao Bank sau khi gửi bản sao của thẻ định danh qua email hoặc qua ứng dụng để hoàn tất quá trình định danh.
Trung bình, khách hàng mất từ 3 đến 7 phút để mở một tài khoản tại Kakao Bank và khoảng 60 giây cho một khoản vay 2.600 USD. Lãi vay tại Kakao Bank thấp hơn từ 0,5-2,7% trong khi lãi tiền gửi cao hơn từ 0,2-0,9% so với các ngân hàng truyền thống. Khách hàng của Kakao Bank có thể chuyển khoản nội địa và rút tiền tại 11,4 triệu ATM trên toàn quốc không mất phí và chuyển khoản ra nước ngoài với mức phí chỉ bằng 1/10 mức phí đang áp dụng tại các ngân hàng truyền thống.
“Trên thực tế, Ngân hàng số cũng là một mảng khá mới tại Hàn Quốc, do đó chưa có luật cụ thể về việc thành lập cũng như quản lý các ngân hàng số toàn phần như Kakao Bank. Việc thành lập sẽ được Cơ quan quản lý tài chính Hàn Quốc (FSS) xét duyệt theo từng trường hợp và theo nhu cầu của thị trường. Các hoạt động của ngân hàng số toàn phần hiện vẫn đang tuân theo quy định được đặt ra cho các ngân hàng truyền thống. Mặc dù vậy, việc ra đời một ngân hàng số toàn phần như KakaoBank cũng đã cho thấy Chính phủ Hàn Quốc đang rất tích cực trong nỗ lực thúc đẩy đẩy sự phát triển ngân hàng số tại quốc gia này”, bà Dương nhận định.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, Trung Quốc cũng chưa có một cơ sở pháp lý hoàn thiện nhưng đang thực hiện kế hoạch cân bằng giữa sáng tạo và rủi ro với việc chuyển dần từ khuyến khích sáng tạo và phát triển sang tăng cường giám sát và kiểm soát rủi ro trên 5 nguyên tắc của cơ sở pháp lý.
Cụ thể, thứ nhất, tài chính số nhằm nâng cao hiệu qủa và khả năng của dịch vụ tài chính; thứ hai, tài chính số phải đóng góp cho việc phân bổ nguồn lực hiệu quả và ổn định thị trường tài chính; thứ ba; nhà cung cấp dịch vụ tài chính số phải đảm bảo lợi ích và quyền lợi của khách hàng; thứ tư, cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà cung cấp; thứ năm, cân bằng giữa giám sát của Chính phủ và tính tự giám sát của thị trường.