Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thành công nếu có chiến lược bài bản và dài hạn với kinh doanh qua thương mại điện tử xuyên biên giới tại EU. (Ảnh: Lô vải thiều xuất khẩu sang EU qua trang thương mại điện tử)

Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thành công nếu có chiến lược bài bản và dài hạn với kinh doanh qua thương mại điện tử xuyên biên giới tại EU. (Ảnh: Lô vải thiều xuất khẩu sang EU qua trang thương mại điện tử)

Hàng Việt vào EU qua thương mại điện tử phải khai báo hải quan, chịu thuế VAT

0:00 / 0:00
0:00
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, từ 1/7/2021 tất cả hàng hóa vào EU có nguồn gốc giao hàng từ nước thứ ba đều thuộc diện chịu thuế VAT và phải khai báo hải quan.

Quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) nêu rõ, bất kỳ hàng hóa nào khi đưa vào EU và bán cho người tiêu dùng cuối cùng đều phải khai báo hải quan và chịu thuế VAT, ngoại trừ những hàng hóa có giá trị dưới 22 Euro được mua trực tuyến từ một nước thứ ba ngoài lãnh thổ EU.

Với quy định này, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam cần lưu ý quy định mới của EU để tuân thủ nghiêm trong hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, gần đây, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hoạt động giao dịch mua bán hàng hóa trên thương mại điện tử tăng vọt trên thế giới và EU cũng không là ngoại lệ.

Người dân EU không chỉ mua hàng và dịch vụ trực tuyến trong nước mà còn mua hàng từ nước thành viên EU khác cũng như từ một số nước ngoài lãnh thổ EU (đặc biệt là hàng hóa từ Trung Quốc và Hoa Kỳ).

Doanh nghiệp và các nhà lập pháp và EU cho rằng các quy định hiện hành trong thương mại điện tử đã tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng đối với doanh nghiệp EU, ít nhất là trên khía cạnh thuế VAT, khi mà toàn bộ giao dịch trực tuyến và tại chỗ tại EU đều phải nộp thuế VAT, trong khi các nhà cung ứng từ ngoài EU thì không phải nộp thuế cho các giao dịch thương mại điện tử có trị giá dưới 22 Euro.

Do vậy, Hội đồng châu Âu đã ban hành Chỉ thị 2017/2455 (vào tháng 12 năm 2017) và Chỉ thị 2019/1995 (vào tháng 11 năm 2019) thông qua quy tắc đánh thuế VAT đối với các giao dịch điện tử.

Chỉ thị quy định từ 01/07/2021, sẽ chính thức áp dụng thuế VAT đối với các giao dịch điện tử theo phương thức từ nhà cung ứng ngoài EU đến khách hàng. Theo đó, việc miễn thuế VAT đối với việc nhập khẩu hàng hóa có giá trị không vượt quá 22 Euro sẽ bị xóa bỏ.

Ngoài ra, EU thành lập Hệ thống IOSS (Import One-Stop Shop - tạm dịch là thủ tục nhập khẩu một cửa) để thông quan hàng hóa với những giao dịch thương mại điện tử có giá trị từ 150 Euro trở xuống. Điều này sẽ cho phép người bán hoặc thị trường trực tuyến tính thuế VAT tại điểm bán hàng và chuyển trực tiếp cho các cơ quan chức năng.

Nếu người bán có đăng ký IOSS, giá niêm yết cho khách hàng sẽ là giá đã bao gồm thuế VAT. Nếu người bán không đăng ký IOSS, giá niêm yết có thể không tính thuế VAT, khách mua hàng trực tuyến sẽ thanh toán thêm thuế VAT khi hàng hóa nhập khẩu vào EU.

Các nhà cung cấp dịch vụ như bưu điện hoặc người giao hàng có thể tính thêm phí thông quan cho khách hàng để thu khoản thuế VAT này và hoàn thành các thủ tục cần thiết khi nhập khẩu hàng.

Các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển bán hàng online hoặc qua sàn giao dịch TMĐT tới người tiêu dùng EU cần đăng ký kinh doanh ở một nước EU và nên khai báo các giao dịch theo trang web IOSS của từng nước thành viên.

Nếu nhà cung ứng thương mại điện tử không có trụ sở tại một nước EU thì cần phải chỉ định một đại diện đăng ký tại EU để thực hiện các thủ tục và nghĩa vụ thuế VAT. Như vậy nếu một sàn giao dịch điện tử nào của Việt Nam có chiến lược cung ứng dịch vụ đến EU đều phải tìm một đối tác đại diện tại EU để thực hiện nghĩa vụ thuế VAT của mình.

Trong bối cảnh giao dịch thương mại điện tử ngày càng phát triển, quy định mới trên của EU ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng EU và các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng B2C trên nền tảng trực tuyến, từ một nước thứ ba ngoài lãnh thổ EU.

Tuy nhiên đối với EU, quy định mới trên sẽ góp phần phát triển giao dịch thương mại điện tử theo hướng tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp TMĐT trong và ngoài EU.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho rằng, ở một góc nhìn khác, doanh nghiệp Việt Nam có thể thấy thương mại điện tử xuyên biên giới đang là cơ hội ngày càng lớn tại châu Âu.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội thành công trên thị trường này nếu tiếp cận một cách bài bản và có một chiến lược dài hạn. Các con số thống kê cho thấy, năm 2020, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 146 tỷ euro, tăng 35% so với năm 2019, và chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu (573 tỷ Euro).

Dự báo năm 2022, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU sẽ đạt 220 tỷ Euro, tức là tăng gấp đôi so với doanh số năm 2019 (108 tỷ Euro), trong đó thị trường Đức tăng 43% đạt 27 tỷ Euro, Pháp tăng 34% đạt 20 tỷ Euro, Tây Ban Nha tăng 30% đạt 10 tỷ Euro, Hà Lan tăng 26% đạt 4,4 tỷ Euro.

Tin bài liên quan