Xuất khẩu qua các “ông lớn” thương mại điện tử như Alibaba, Amazon mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp.
Tăng đơn hàng chốt qua mạng
Ông Đỗ Tuấn Lương, Phó giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Kiên Thuận (Yên Bái) cho biết: “Trước khi tham gia Alibaba.com, 80% doanh thu của Công ty đến từ thị trường nội địa, phần còn lại đến từ xuất khẩu. Sau khi gia nhập Alibaba.com, tỷ lệ này đã đảo ngược. Doanh thu xuất khẩu qua nền tảng Alibaba.com của Công ty đã đạt 1 triệu USD”.
Sau một thời gian đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến và có được khách hàng, ông Lương khẳng định, bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống, doanh nghiệp cần đẩy mạnh mảng kinh doanh xuất khẩu trực tuyến để tối ưu hóa hoạt động và chốt thêm được đơn hàng mới, nhất là có sự hậu thuẫn từ các tập đoàn thương mại điện tử toàn cầu.
Công ty TNHH DSW là một trong những doanh nghiệp có được đơn đặt hàng xuất khẩu nhờ tham gia các khóa hỗ trợ đưa hàng lên mạng của Alibaba.com. Bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc điều hành Công ty chia sẻ, thông qua việc tham gia các lớp đào tạo bán hàng qua mạng xuyên biên giới của Alibaba.com, từ đơn đặt hàng đầu tiên trị giá 3.000 USD, sau một năm, doanh thu xuất khẩu qua kênh này của Công ty đã đạt 260.000 USD”.
“Tôi đã học được các bài học thực tế từ nhà bán hàng Trung Quốc thông qua Alibaba.com, như các phương thức thanh toán đa phương tiện, hay các cách để livestream sản phẩm của mình…”, bà Phi chia sẻ.
Để khai thác hiệu quả kênh xuất khẩu trực tuyến, từ năm 2019, Bộ Công thương đã “bắt tay” với các tập đoàn lớn về thương mại điện tử như Alibaba, Amazon nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực về thương mại điện tử, đưa sản phẩm lên sàn Alibaba.com và có những đơn hàng xuất khẩu thành công.
Đến nay, đã có hơn 1.000 doanh nghiệp đăng ký đào tạo, hơn 300 doanh nghiệp tham gia tư vấn xuất khẩu, nâng cao năng lực thương mại điện tử. Sắp tới, sẽ có thêm một số doanh nghiệp tiềm năng trong các ngành như nông sản, thủy hải sản, đồ gỗ, thực phẩm chế biến đóng gói sẽ “lên sàn”.
Dư địa lớn
Tại Hội nghị Thương mại điện tử quốc tế B2B Alibaba.com 2021 vừa được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Alibaba.com tổ chức, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18%, với quy mô 11,8 tỷ USD và Việt Nam là thị trường duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số.
“Kinh tế số được xác định là một trụ cột tăng trưởng của Việt Nam. Năm 2020, dịch Covid-19 đã để lại cho nền kinh tế những hậu quả rất nặng nề. Do đó, việc chuyển sang các nền tảng kỹ thuật số để xuất khẩu không còn là một lựa chọn, mà là điều bắt buộc để các doanh nghiệp Việt Nam tồn tại, phát triển và kết nối được với sự chuyển động của thương mại toàn cầu”, ông Hải lưu ý.
Tham gia sân chơi xuất khẩu qua nền tảng trực tuyến, ngoài việc có được cơ hội chốt các đơn hàng xuất khẩu mới, doanh nghiệp Việt còn được cải thiện đáng kể về trình độ. Đại diện Alibaba.com thừa nhận, điểm mạnh của các nhà bán hàng Việt Nam là năng lực sản xuất ngày càng cải thiện về chất lượng và số lượng, danh mục sản phẩm đa dạng, giá cả cạnh tranh và định hướng tăng cường tập trung vào xuất khẩu. Một số ngành hàng của Việt Nam đã tiếp cận khách hàng ấn tượng, bao gồm thực phẩm, đồ uống, nhà, vườn và xây dựng.
Xuất khẩu qua các “ông lớn” thương mại điện tử như Alibaba, Amazon mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ với tiềm lực về tài chính và nhân lực hạn chế.
Dẫu vậy, để duy trì và tăng doanh số xuất khẩu là cả một chặng đường dài cần chinh phục. Sau hơn một năm được Amazon hỗ trợ đưa hàng lên Amazon.com, doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp Việt mới đạt 1 triệu USD - con số còn khá khiêm tốn, nhất là với hàng loạt mặt hàng từ nông sản, thực phẩm, đồ nội thất... vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông Gijae Seong, Giám đốc Quốc gia của Amazon Global Selling Việt Nam, ngày càng nhiều sản phẩm “Made in Vietnam” trên các cửa hàng của Amazon toàn cầu như đồ gia dụng, phụ kiện thời trang, dụng cụ nhà bếp, tiện ích gia đình... đang được đông đảo khách hàng quốc tế ưa chuộng, nhờ chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh.
Ngoài ra, khẩu trang y tế, găng tay và quần áo bảo hộ cũng là 3 nhóm sản phẩm quan trọng mà đội ngũ Amazon đã và đang tiếp tục làm việc với các nhà sản xuất Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu nhiều hơn nữa trong năm 2021.
Ông Zhang Kuo, Tổng giám đốc Alibaba.com cho biết, Alibaba.com đã liên tục xây dựng quan hệ đối tác với các hiệp hội, đối tác kinh doanh và ngân hàng, với mục tiêu giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nâng cao năng lực kỹ thuật số, kỹ năng vận hành, quản lý khách hàng và hoàn thành đơn hàng.
Thông qua hợp tác với các đối tác tại Việt Nam và trên toàn cầu, ông Zhang Kuo tham vọng, đến năm 2024, Alibaba sẽ đạt tổng giá trị giao dịch (GMV) hơn 100 tỷ USD, hỗ trợ hơn 10 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa trên khắp thế giới và có trên 10.000 nhà cung cấp đến từ Việt Nam hoạt động thương mại trên nền tảng Alibaba.com.