“Trừ bất kỳ diễn biến bất ngờ tiêu cực nào, chúng tôi hy vọng sẽ có một sự tăng trưởng chậm lại khi bước sang năm 2024, một sự tăng trưởng sẽ không bùng nổ như những gì chúng ta đã biết trong vài năm qua, nhưng chắc chắn, nhu cầu sẽ phù hợp hơn một chút với những gì chúng tôi thấy về mặt tiêu dùng và không phải là sự điều chỉnh hàng tồn kho quá nhiều”, Vincent Clerc, Giám đốc điều hành của hãng vận tải Maersk cho biết.
Trong đó, người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu là động lực chính dẫn đến sự gia tăng nhu cầu này và những thị trường đó đã tiếp tục gây bất ngờ về sự hồi phục.
Vào năm 2022, Maersk đã cảnh báo về nhu cầu yếu khi các kho hàng tăng cao không mong muốn, niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm và chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn.
Ông Vincent Clerc cho biết, các thị trường mới nổi đang tỏ ra kiên cường, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, đặc biệt là trong trường hợp của Ấn Độ, Mỹ Latinh và châu Phi.
Bắc Mỹ cũng có vẻ mạnh mẽ trong năm tới, mặc dù đã chững lại cùng với nhiều nền kinh tế lớn khác do các yếu tố kinh tế vĩ mô bao gồm xung đột Nga-Ukraine và sự suy giảm nhu cầu của Trung Quốc.
“Khi điều này bắt đầu bình thường hóa và tự giải quyết, chúng ta sẽ thấy nhu cầu phục hồi…Tôi có thể nói rằng các thị trường mới nổi và Bắc Mỹ chắc chắn là những điểm mà chúng tôi thấy có tiềm năng tăng trưởng cao nhất”, ông cho biết.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNBC cho biết, con đường thúc đẩy thương mại và tăng trưởng toàn cầu không nhất thiết phải bằng phẳng.
“Có sự phân mảnh trong thế giới của chúng ta. Lần đầu tiên thương mại toàn cầu dự kiến tăng trưởng chậm hơn nền kinh tế toàn cầu trong năm nay, trong đó thương mại là 2% và tăng trưởng toàn cầu là 3%. Nếu chúng ta muốn thương mại một lần nữa trở thành động lực tăng trưởng thì chúng ta phải tạo ra các hành lang và cơ hội”, bà Kristalina Georgieva cho biết khi đề cập đến một hành lang kinh tế đường sắt nối liền Ấn Độ với các nước Trung Đông và châu Âu đã được lên kế hoạch.