Hàng tỷ USD lợi nhuận của phương Tây bị mắc kẹt ở Nga

Hàng tỷ USD lợi nhuận của phương Tây bị mắc kẹt ở Nga

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp phương Tây tiếp tục hoạt động ở Nga kể từ khi xung đột Nga-Ukarine đã tạo ra lợi nhuận hàng tỷ USD, nhưng Nga đã ngăn họ tiếp cận nguồn tiền này trong nỗ lực trừng phạt các quốc gia “không thân thiện”.

Theo số liệu do Trường Kinh tế Kyiv (KSE) tổng hợp, các tập đoàn từ các quốc gia mà Nga xem là “không thân thiện” chiếm 18 tỷ USD trong số 20 tỷ USD lợi nhuận của Nga mà các công ty nước ngoài báo cáo chỉ riêng trong năm 2022, và 199 tỷ USD trong tổng doanh thu 217 tỷ USD của các công ty nước ngoài ở Nga.

Phó giám đốc phát triển KSE, Andrii Onopriienko cho biết: “Các số liệu có thể đã tăng đáng kể kể từ đó, mặc dù không thể đánh giá chính xác là bao nhiêu vì hầu hết các doanh nghiệp quốc tế hoạt động ở Nga chỉ tiết lộ kết quả kinh doanh tại địa phương của họ hàng năm”.

Quy mô doanh thu và lợi nhuận không chỉ phản ánh tầm quan trọng lâu dài của các công ty phương Tây đối với nền kinh tế Nga mà còn phản ánh tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các doanh nghiệp này phải đối mặt về việc phải làm gì với hoạt động của họ ở Nga.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang cố gắng bán các công ty con ở Nga nhưng bất kỳ thương vụ nào cũng cần có sự chấp thuận của Nga và phải chịu mức chiết khấu cao. Trong những ngày gần đây, British American Tobacco và nhà sản xuất xe tải Thụy Điển Volvo đã công bố các thỏa thuận chuyển giao tài sản của họ ở Nga cho các chủ sở hữu địa phương.

Theo dữ liệu của KSE, trong số các công ty có nguồn gốc “không thân thiện” vẫn hoạt động ở Nga, ngân hàng Raiffeisen của Áo đã báo cáo lợi nhuận năm 2022 lớn nhất ở nước này với 2 tỷ USD.

Số liệu của KSE cho thấy, các doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ đã tạo ra tổng lợi nhuận lớn nhất là 4,9 tỷ USD, tiếp theo là các công ty Đức, Áo và Thụy Sĩ với lần lượt là 2,4 tỷ USD, 1,9 tỷ USD và 1 tỷ USD.

Trong khi đó, các khoản tiền không thể tiếp cận đã làm tăng thêm chi phí mà các doanh nghiệp quốc tế phải đối mặt do hậu quả của xung đột Nga-Ukraine. Tờ Financial Times đưa tin vào tháng trước rằng, các công ty châu Âu đã báo cáo các khoản lỗ và thiệt hại trị giá ít nhất 100 tỷ euro từ hoạt động của họ ở Nga kể từ cuộc xung đột nổ ra vào năm ngoái.

Aleksandra Prokopenko, một học giả tại Carnegie Russia Eurasia Center cho biết, các quan chức Nga vẫn chưa vạch ra “một chiến lược rõ ràng để xử lý các tài sản bị phong tỏa. Tuy nhiên, xét đến mong muốn mạnh mẽ của các thực thể nước ngoài để lấy lại cổ tức, họ có thể sẽ xem xét sử dụng chúng làm đòn bẩy, ví dụ như thúc giục chính quyền phương Tây giải phóng tài sản của Nga”.

Bộ Tài chính Nga vào tháng trước đã nới lỏng các quy định về cổ tức nhưng cũng chính thức hóa khuôn khổ các công ty “tốt” và “xấu”.

“Nếu một công ty không thực hiện nghĩa vụ của mình thì tất nhiên sẽ bị xếp vào loại công ty xấu. Chúng tôi nói lời tạm biệt với những công ty đó. Và những gì chúng tôi làm với tài sản của họ sau đó là việc của chúng tôi”, Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết.

Nhưng ngay cả một số công ty từ các quốc gia "thân thiện” cũng đang gặp khó khăn trong việc chuyển cổ tức của họ về nước.

Theo Ranjit Rath, một quan chức dầu mỏ của Ấn Độ cho biết, Nga đang ngăn cản các công ty năng lượng của Ấn Độ chuyển khoản tiền cổ tức khoảng 400 triệu USD về nước.

Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Oil India cho biết vào tháng Năm: “Chúng tôi đã nhận được thu nhập cổ tức thường xuyên và số tiền đó nằm trong tài khoản ngân hàng ở Nga”.

Theo giám đốc điều hành của một công ty lớn của Nga hoạt động tại Ấn Độ, Nga đã mở rộng việc khóa cổ tức cho các tập đoàn năng lượng Ấn Độ để đáp lại thực tế là một lượng lớn tiền từ xuất khẩu dầu của Nga đang bị mắc kẹt ở Ấn Độ.

“Đồng rupee được sử dụng để thanh toán không thể chuyển đổi sang bất kỳ loại tiền tệ nào khác. Chúng chỉ có thể được sử dụng để mua hàng ở Ấn Độ, nhưng việc mua thứ gì đó trị giá hàng tỷ USD để xuất khẩu sang Nga là một thách thức”, vị giám đốc điều hành cho biết khi đề cập đến các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt của Ấn Độ.

Vào tháng Ba, trước khi đồng rúp bắt đầu sụt giá mạnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất nới lỏng các hạn chế về cổ tức bằng cách cho phép “những người bạn và đối tác đáng tin cậy” có nguồn gốc “không thân thiện” rút một phần lợi nhuận của họ nếu họ cũng muốn đầu tư vào trong nước.

Nhưng 5 tháng sau, việc gia hạn lệnh cấm cũng nằm trong số những đề xuất được Bộ Tài chính Nga soạn thảo nhằm ngăn chặn sự trượt giá của đồng rúp. Mặc dù Nga đã cố gắng mang lại một số hỗ trợ cho đồng rúp bằng các công cụ khác, nhưng sự sụt giảm thêm nữa có thể thúc đẩy việc đánh giá lại các hạn chế về vốn.

Tin bài liên quan