Hàng tỷ USD đã đầu tư điện gió, điện mặt trời tiếp tục dài cổ chờ chính sách

0:00 / 0:00
0:00
Theo ước tính của các nhà đầu tư, khoảng 2.000 MW điện gió không kịp COD để hưởng giá mua điện theo Quyết định 39/QĐ-TTg, tương đương vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, đang không biết đi về đâu.
Hàng tỷ USD đã đầu tư điện gió, điện mặt trời tiếp tục dài cổ chờ chính sách

Liên quan đến kiến nghị mua điện, huy động các dự án điện gió và điện mặt trời đã đầu tư xây dựng xong không đủ điều kiện áp dụng biểu giá cố định đã hết hiệu lực, tại văn bản 200/TB-VPCP ngày 9/7/2022 của Văn phòng Chính phủ, thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề của ngành điện có cho hay, đây là lĩnh vực đã có phân công Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo cụ thể.

Bộ Công thương khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng về vấn đề này; nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia của các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp để giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn cũng như xây dựng cơ chế xây dựng quy định giá điện gió cho các dự án đầu tư mới theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm giá mua điện hợp lý và mức độ khuyến khích phát triển hợp lý theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật, đặc biệt chú ý hài hòa lợi ích của Nhà nước – nhà đầu tư – nhân dân.

Thực hiện đấu thầu, đấu giá theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm và “chạy” dự án, “xin-cho” dự án.

Thống kê của ngành điện cho hay, kết thúc ngày 31/10/2021 - là ngày cuối cùng các dự án điện gió được hưởng giá bán điện cố định trong 20 năm với mức 8,5 - 9,8 UScent/kW theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, chỉ có 69 dự án với tổng công suất 3.298,95 MW được công nhận vận hành thương mại (COD).

So với con số 106 dự án có tổng công suất 5.655,5 MW đăng ký thì còn khoảng 2.300 MW đã lỡ hẹn.

Theo ước tính của các nhà đầu tư, khoảng 2.000 MW điện gió không kịp COD để hưởng giá mua điện theo Quyết định 39/QĐ-TTg tương đương vốn đầu tư trên 3 tỷ USD đang không biết đi về đâu, giá bán ra sao, trả nợ thế nào, gây lãng phí vốn đầu tư toàn xã hội.

Ở khối các dự án điện mặt trời, hiện có 5 dự án/hoặc một phần dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62 MW đã thi công xong, chờ xác định giá bán điện.

Đó là các dự án Phù Mỹ (Phù Mỹ 1 - 64,75 MW đã vận hành ngày 30/12/2020; Phù Mỹ 3 - 23,75 MW đã vận hành ngày 24/12/2020).

Tiếp đó là 3 phần dự án, gồm: Thiên Tân 1.2 (80 MW) đã hoàn thành toàn bộ và đã được COD 48,23 MWp, Thiên Tân 1.3 (32 MW) đã hoàn thành nhưng chưa được công nhận COD, Thiên Tân 1.4 (80 MW) đã hoàn thành toàn bộ ngày 306/2021 nên chưa được công nhận COD:

Ngoài ra còn 172,12 MW thuộc Dự án điện mặt trời Phước Minh, Thuận Nam (có tổng công suất 450 MW) là chưa xác định được giá bán bởi vượt khỏi mốc 2.000 MW điện mặt trời tại Ninh Thuận được hưởng giá 9,35 UScent/kWh, dù toàn bộ dự án đã về đích trong năm 2020.

Vào ngày 8/7/2022, trước phản ánh của nhà đầu tư Dự án điện gió Nhơn Hội giai đoạn 2 về việc đã hoàn thành lắp đặt, được cấp chứng nhận nghiệm thu hoàn thành công trình và đã phát điện lên hệ thống lưới điện quốc gia, cũng như ghi nhận trên dữ liệu điện tử của EVN nhưng bởi tại thời điểm ngày 31/10/2020, nhà máy chưa hoàn thiện các bước thử nghiệm, dẫn tới chưa được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) và không được vận hành nối lưới, không được hưởng giá ưu đãi (giá FTT), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ trưởng Bộ Công thương nghiên cứu xem xét đúng sai và có giải pháp xử lý đúng quy định.

Đây là lần thứ 2 Thủ tướng có chỉ đạo Bộ Công thương xem xét, giải quyết vướng mắc, bất cập liên quan tới các dự án này.

Với một số dự án điện mặt trời đã đầu tư xong nhưng chưa có giá, ngày 14/1/2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 17/TB-VPCP, thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành có liên quan đến câu chuyện này.

Theo đó, về giá điện với phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhưng không đáp ứng yêu cầu áp dụng giá điện tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương khẩn trương chỉ đạo EVN nghiên cứu, đề xuất theo hướng đấu thầu/đấu giá công khai minh bạch.

Đối với việc vận hành phần phát điện phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn Ninh Thuận mà hiện chưa có giá điện, Phó thủ tướng giao Bộ Công thương chỉ đạo EVN có phương án vận hành hợp lý theo quy định chung của ngành điện; đồng thời khẩn trương nghiên cứu, xác định giá điện với phần công suất này theo chỉ đạo nêu trên.

Tin bài liên quan