Trong những phiên đầu năm mới 2018, thanh khoản của thị trường chứng khoán trong nước đã tăng lên đáng kể, có phiên tiến sát con số 10.000 tỷ đồng. Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm là: Dòng tiền này đến từ đâu? Từ nhà đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư trong nước? Có phải sự biến động giá cổ phiếu lớn trong phiên khiến các nhà đầu tư bán hàng cũ mua hàng mới?
Câu trả lời của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS) là từ tất cả các yếu tố trên, trong đó tập trung từ nguồn tiền cũ của nhà đầu tư, tiền margin bơm mạnh hơn và dòng tiền mới của cả nhà đầu tư nội và ngoại.
Nhìn lại 3 tháng cuối năm 2017, một số công ty chứng khoán lớn gần như đã cho vay kịch hạn mức, dù vẫn còn tiềm lực về vốn. Theo khảo sát của MBS, lượng tiền margin các công ty chứng khoán bơm vào thị trường tính tại thời điểm cuối tháng 11/2017 lên tới khoảng 40.000 tỷ đồng, vượt tất cả các kỷ lục trong 10 năm qua. Đáng chú ý, một số công ty chứng khoán tham gia mảng trái phiếu cũng đã quay trở lại thị trường cổ phiếu để tìm kiếm cơ hội giải ngân.
Theo ông Sơn, lượng tiền margin tăng mạnh còn đến từ một số công ty chứng khoán được các nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc mua lại, bơm thêm vốn để tham gia mảng bán lẻ, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam có quy mô giao dịch và vốn hóa thị trường đang tốt. Ngoài ra, lượng tiền mới từ nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng không ngừng tăng lên. Tại MBS, lượng tài khoản quản lý tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, đáng nói là tài khoản hoạt động trở lại tăng đến 55%.
Về dòng tiền ngoại, chuyên gia MBS nhận định, khối ngoại đã có một năm 2017 giao dịch ấn tượng và dự báo sẽ mua ròng mạnh trong năm 2018. Nhóm ngành được khối ngoại mua ròng mạnh nhất là thực phẩm và đồ uống, bất động sản, ngân hàng, dịch vụ tài chính. Điểm chú ý, Việt Nam nằm trong Top 3 thị trường thu hút dòng vốn ETF lớn nhất trong khu vực và xu hướng này được ông Sơn dự báo sẽ vẫn diễn ra trong nửa đầu năm 2018.
Yếu tố chính thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam là quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn được thực hiện quyết liệt. Dòng tiền ngoại đã kích thích thêm sự tham gia của dòng tiền nội. Ông Sơn dự báo, bức tranh tăng trưởng ngành không thay đổi nhiều, tập trung vào các ngành chính như ngân hàng, thực phẩm và đồ uống, bất động sản, dịch vụ tài chính và dầu khí.
MBS tới các quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam cho thấy, một số quỹ đầu tư đang đầu tư tại thị trường Thái Lan gần như đóng quỹ và chuyển toàn bộ NAV vào thị trường Việt Nam. Một số quỹ cho rằng, có thể đổ hàng tỷ USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam miễn là thị trường có cơ hội thực sự tốt.
Nhận định về một số yếu tố có khả năng tác động đến diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước, chuyên gia MBS cho rằng, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương sẽ thay đổi nhanh chóng, nhất là quý I và II.
Điều này tác động ngay đến tỷ giá ở các thị trường mới nổi. Việc bầu cử Tổng thống tại Nga vào tháng 3 tới và những căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên cũng là những sự kiện cần quan tâm.
Tuy nhiên, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất toàn cầu đang tăng trưởng mạnh mẽ và đây là động lực cho thị trường chứng khoán nước này cũng như các thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam tăng trưởng tích cực.
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ nhắm đến nhóm doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết mới, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước; cổ phiếu có vốn hóa lớn, vị thế đầu ngành và có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao.
Với dự báo tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết trong năm 2018 đạt bình quân 30%, MBS nhận định, chỉ số VN-Index có thể đạt 1.280 điểm trong năm theo đồ thị răng cưa đi lên và những nhịp điều chỉnh chính là thời điểm tốt để giải ngân.