Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng từ cổ tức sắp về tài khoản nhà đầu tư

Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng từ cổ tức sắp về tài khoản nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều ngân hàng công bố kế hoạch trả cổ tức cho nhà đầu tư, phần lớn trả bằng cổ phiếu, với ước tính có khoảng hơn 1,5 tỷ cổ phiếu ngân hàng sẽ được phát hành từ nay đến cuối năm 2023.

Trả cổ tức bằng cổ phiếu

Eximbank (mã: EIB) đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ để trả cổ tức. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức là 25/9/2023.

Theo đó, Eximbank dự kiến sẽ phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 18% nhằm tăng vốn điều lệ thêm tối đa 2.656 tỷ đồng như phương án đã thông qua trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2023. Vốn điều lệ dự kiến sau phát hành của Eximbank sẽ được nâng lên mức 17.569 tỷ đồng.

Nguồn vốn thực hiện là từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế năm trước (đến cuối năm 2021) và lợi nhuận của năm 2022 sau khi trích lập các quỹ. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023. Trước đó, đầu năm 2023, Eximbank cũng đã phát hành thêm 246 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20%, giúp tăng vốn điều lệ lên 14.814 tỷ đồng.

OCB (mã: OCB) đã công bố kế hoạch thực hiện phương án tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 50%.

Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành gần 685 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, từ đó tăng vốn điều lệ từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành là 20/9/2023.

VietinBank (mã: CTG) cũng dự kiến phát hành thêm tối đa 564,3 triệu cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận năm 2020, dự kiến thực hiện trong quý III và IV/2023. Số cổ phiếu này tương đương với giá trị phát hành theo mệnh giá là gần 5.643 tỷ đồng.

Tỷ lệ phát hành dự kiến tương đương với 11,7415% số cổ phần lưu hành. Nếu hoàn thành kế hoạch trên, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng từ 48.057 tỷ đồng lên 53.700 tỷ đồng, vượt qua quy mô của MB. Nếu hoàn thành tất cả kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2023, VietinBank sẽ là ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ hai hệ thống.

Ngoài số 564,3 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành, VietinBank còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại từ năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2016.

Theo đó, VietinBank sẽ nâng vốn điều lệ thêm 12.330 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Với tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 22,96%, vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành thành công là 66.030 tỷ đồng.VPBank (mã: VPB) cũng là một ngân hàng hiếm hoi chia cổ tức bằng tiền mặt trong nửa cuối năm 2023. Dự kiến trong quý III/2023, VPBank sẽ chi gần 8.000 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận năm 2022 để trả cổ tức với tỷ lệ 10%.

Nhận định trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng với kịch bản phần lớn hoạt động kinh tế sẽ hồi phục từ cuối năm 2023 và khả quan trong năm 2024 thì cổ phiếu ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trưởng về giá ở mức P/B hiện tại.

Theo các chuyên gia của VDSC, định giá ngành đã phục hồi tương đối sau khi có hướng tháo gỡ cho các nút thắt về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và bất động sản (BĐS). Mức P/B hiện tại của ngành ngân hàng tương đương giai đoạn 2016 – 2017 khi thị trường bất động sản bắt đầu khởi sắc sau giai đoạn dài trầm lắng.

Do vậy, cho bối cảnh hiện tại, VDSC cũng kỳ vọng các hoạt động kinh tế sẽ cho thấy sự phục hồi rõ rệt hơn để nhóm cổ phiếu ngân hàng được tái định giá lên mặt bằng cao hơn.

Theo đó, chính sách hỗ trợ cho thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp giúp rủi ro nợ xấu tăng cao ở một số ngân hàng thương mại được trì hoãn và có thể không hiện thực hóa. Trong trường hợp này, các ngân hàng thương mại nhóm 1 như Techcombank và MB sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Cần thiết tăng bộ "đệm" vốn

Theo thống kê trong năm 2023, ước tính có hơn 4 tỷ cổ phiếu ngân hàng được phát hành để trả cổ tức cho nhà đầu tư. VPBank là ngân hàng hiếm hoi dự chi cổ tức bằng tiền mặt, mức chi ước 8.000 tỷ đồng. Trước đó, đã có gần 2,8 tỷ cổ phiếu ngân hàng đã về tay các nhà đầu tư thông qua phương án trả cổ tức.

Tuy nhiên, theo số liệu của NHNN, đến cuối năm 2022, hệ số CAR tính theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN của nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước ở mức 9,04%.

Trong khi đó, nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần lại có tỷ lệ an toàn vốn cao hơn khá nhiều so các ngân hàng thương mại Nhà nước, đạt 12,29%. Riêng nhóm ngân hàng nước ngoài, có hệ số CAR đạt 18,61% (tương đồng so mức bình quân trong khu vực).

VNDirect đánh giá, hệ số CAR tại các ngân hàng Việt Nam đã có những cải thiện tốt, tuy nhiên, “bộ đệm” vốn của các ngân hàng Việt còn tương đối thấp so tiêu chuẩn quốc tế.

Đặc biệt, CAR trung bình của ngành Ngân hàng Việt hiện thấp hơn tương đối nhiều so ngân hàng trong khu vực (CAR bình quân của Indonesia là 22,6%; Philippines là 17,2%; Singapore là 17,1%; Thái Lan 19,6%; Malaysia 18,5%).

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, khối ngân hàng thương mại cổ phần sẽ tiếp tục đặt mục tiêu tỷ lệ CAR cao hơn nhờ sự chủ động trong quản lý vốn và tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn Basel III để xây dựng cơ sở vốn vững chắc, thúc đẩy tăng trưởng cho vay.

Trong số hơn 20 ngân hàng đã thực hiện Basel II, một số ngân hàng hoàn thành Basel III như Lienvietpostbank, VPBank, ACB, TPBank... và tất cả đều từ khối ngân hàng cổ phần, chưa có ngân hàng thương mại Nhà nước.

Còn theo nhận định của Tiến sĩ Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, hệ số CAR của các ngân hàng Việt cải thiện chậm và ở mức thấp so khu vực là một trong những thách thức trong năm 2023.

Trong khi, các nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III, các ngân hàng thương mại Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel II. Vì thế, việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính là hết sức cần thiết đối với các nhà băng.

Tin bài liên quan