Takata đang thỏa thuận với Key Safety Systems, hãng túi khí và dây an toàn Mỹ, nhờ hỗ trợ tài chính và tìm cách đối phó với hàng tỷ USD nợ nần do hệ lụy từ scandal năm 2013, theo Reuters.
Túi khí của Takata bị cáo buộc gây ra 16 trường hợp tử vong trên khắp thế giới, đồng thời lập kỷ lục triệu hồi với 100 triệu túi khí liên quan tới hàng loạt hãng xe trên toàn cầu.
Riêng khối nợ của Takata với các hãng ôtô lớn đã lên tới 850 triệu USD, là một phần của thỏa thuận đạt được hồi đầu năm. Đến năm 2018, hãng túi khí phải trả xong khoản tiền này.
Ngoài ra, Takata cũng đã đồng ý nộp 25 triệu USD tiền phạt và thanh toán 125 triệu USD bồi thường cho các nạn nhân. Nhưng đôi bên có thể không thể đạt được thỏa thuận trước khi Takata nộp đơn. Hãng túi khí Nhật sẽ nộp đơn xin phá sản ở cả Mỹ và tại quê nhà.
Hiện nhiều hãng ôtô tỏ ra lo ngại trước khả năng này, bởi nếu đôi bên không thỏa thuận được với nhau, việc thay thế bộ phận lỗi của túi khí sẽ bị gián đoạn.
*Video cho biết túi khí Takata khi bung gây sát thương ra sao:
Takata sử dụng hợp chất amoni nitrat dễ bay hơi rất nguy hiểm trong bơm túi khí, bộ phận quan trọng đẩy túi khí bung. Ít nhất 16 người thiệt mạng và hơn 180 người bị thương bởi bơm túi khí Takata bị lỗi, nổ quá mạnh khiến mảnh vỡ kim loại găm vào người trên xe. Hơn 100 triệu túi khí lắp trên ôtô ở Mỹ của GM và 16 hãng khác.
Vụ triệu hồi lớn nhất lịch sử ngành công nghiệp ôtô với hơn 100 triệu túi khí do Takata sản xuất do xe hơi ngày nay thường trang bị cùng lúc nhiều loại túi khí khác nhau. Riêng tại Mỹ, con số có thể tới 50 triệu.
Tổng cộng 19 hãng xe khác nhau phải triệu hồi xe, từ những thương hiệu "nhỏ" như Ferrari cho tới "gã khổng lồ" Toyota. Honda có mối quan hệ rộng nhất với Takata và phần lớn xe được sửa túi khí kể từ năm 2008 khi rắc rối bắt đầu nảy sinh.
Trong khi gần như truyền thông cả thế giới đã đưa tin và nỗ lực cảnh báo các chủ xe về những vấn đề liên quan, vẫn còn hơn 65% xe nằm trong phạm vi triệu hồi vẫn chưa được sửa chữa, theo Reuters.