Trên 80% ô tô điện chưa đăng kiểm
Sau hơn 5 năm chạy thí điểm, Bộ GTVT vừa yêu cầu rà soát số lượng ô tô điện trên địa bàn cả nước để đưa vào diện quản lý theo luật. Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, ô tô điện đang hoạt động tại các địa phương như một ô tô chở khách trên đường.
Tuy nhiên, ngoài văn bản cho phép hoạt động thí điểm, xe, thậm chí cả người lái không có bất kỳ thứ giấy tờ gì cả. Đây là lỗ hổng lớn trong quản lý và cần điều chỉnh ngay để tránh những hệ lụy xấu. Cục Đăng kiểm Việt Nam cung cấp số liệu, trong 1.300 ô tô điện trên cả nước, mới chỉ có 176 xe được đăng kiểm; hơn 1.100 xe còn lại - tương đương 87% đang chạy tự do. Trước thực trạng này, Bộ GTVT cho biết, đã đến lúc siết chặt loại xe này bằng luật, thậm chí cả quy định hoạt động có điều kiện như Thông tư 86 (Bộ GTVT) đang áp dụng với ô tô chở khách.
Cục Cảnh sát Giao thông đang phối hợp với Bộ GTVT triển khai đăng ký biển số cho ô tô điện theo Thông tư 15, do vậy sau 2 tháng nữa nếu ô tô điện ra đường không có biển số sẽ bị tạm giữ.
Ông Thọ cho biết, Bộ GTVT đang yêu cầu 10 địa phương có ô tô điện hoạt động thí điểm, gồm Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Vụ Vận tải tiến hành rà soát số xe hiện có, từ đó phải làm các thủ tục đăng kiểm, đăng ký biển số và dán tem lưu hành. Bộ GTVT yêu cầu các địa phương thực hiện việc này trong tháng 4 và tháng 5, sau thời gian này nếu xe nào ra đường vẫn chưa có đăng kiểm, biển số, tem lưu hành sẽ bị xử lý theo quy định.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an cũng cho biết, xe điện có kiểu dáng như ô tô và khi chạy trên đường còn chở theo rất nhiều hành khách nên cần phải có biển số để lực lượng làm nhiệm vụ giám sát, xử lý vi phạm.
Hàng trăm xe không thể đăng kiểm
Theo số liệu các địa phương khai báo với Cục Đăng kiểm, cả nước hiện có 1.300 ô tô điện. Tuy nhiên, sau khi Vụ Vận tải Bộ GTVT và một số địa phương rà soát lại thì con số này là trên 2.000 xe. Cụ thể, Thanh Hóa được khai báo có 441 ô tô điện hoạt động, nhưng số liệu khảo sát cho thấy số thực tế là trên 900 xe. Nghệ An khai báo 110 xe nhưng số liệu thực tế là hơn 500 xe, Hà Nội khai báo 53 xe, nhưng số liệu thực tế gần 100 xe… Như vậy, số lượng thực tế ô tô điện trên cả nước hiện nay là trên 2.100 xe.
Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam còn nêu thực tế, qua quá trình triển khai đăng kiểm ô tô điện tại một số địa phương có nhiều ô tô điện như Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng… thấy số phương tiện đến và không đủ tiêu chuẩn, giấy tờ liên quan nên các trung tâm đăng kiểm đã từ chối đăng kiểm hàng trăm xe.
Theo ông Trí, để ô tô điện được làm thủ tục đăng kiểm, ngoài phiếu xuất xưởng, biên lai mua bán để làm biển số, xe phải có 3 loại giấy tờ khác là đăng ký biển số, bảo hiểm dân sự, văn bản chấp thuận hoạt động của chính quyền sở tại. Nếu DN vẫn còn thiếu một trong những thủ tục trên thì ô tô điện sẽ không được đăng kiểm.
Là đơn vị được phép thí điểm triển khai ô tô điện đưa khách dạo xung quanh hồ Tây, nhưng đến nay, ngoài biển số cấp tạm, 40 xe điện của Cty Cổ phần TLC Hồ Tây vẫn chưa được đăng kiểm. Lý giải việc này, ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Cty Cổ phần TLC cho biết, thời gian qua đơn vị phải chờ các văn bản hướng dẫn, sửa đổi về đăng ký, đăng kiểm cho ô tô điện của Bộ GTVT. Theo ông Hùng, hiện đơn vị ông đã chuẩn bị đầy đủ thủ tục và cuối tuần này, toàn bộ ô tô điện của Cty Cổ phần TLC sẽ bắt đầu đi đăng kiểm.