Nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ “chết lặng”
Theo Chủ tịch hiệp hội mía đường Việt Nam, ông Phạm Quốc Doanh, lượng hàng tạm nhập tái xuất này buộc phải xuất trả trở lại nước ban đầu chứ không được gia hạn thêm. Lý giải được đưa ra từ Hiệp hội mía đường, nếu gia hạn cho các giấy phép TNTX sẽ làm tăng áp lực lên ngành đường trong nước.
Đáng chú ý khi ngành mía đường đã bước vào niên vụ mới được 2 tháng, 100 nghìn tấn đường mới ra lò, trong khi hàng trăm nghìn tấn đường của niên vụ cũ còn tồn đọng trong kho không thể bán nổi vì bị đường lậu lấn lướt.
Nếu gia hạn TNTX đường không khác gì giáng thêm “đòn chí tử”, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước, nhất là những doanh nghiệp quy mô nhỏ sớm đóng cửa, thay vì thoi thóp như hiện nay. Ngành đường năm nay đang chịu nhiều sức ép từ nhiều phía mà nổi bật nhất là các hiệp định dỡ bỏ bảo hộ ngành đường chính thức thực hiện. Ngoài ra thực trạng đường lậu vẫn diễn ra công khai khiến ngành đường trong nước càng điêu đứng hơn.
Ngành đường Việt Nam đã có một bước tiến rất dài từ trạng thái cung không đủ cầu là luôn trong trạng thái thiếu thốn những năm trước 2000 thì đến nay đã dư cung và chuyển sang bài toán tìm nguồn đầu ra cho sản phẩm.
Cả nước hiện nay có trên 40 nhà máy đường từ bắc đến nam. Diện tích mía nguyên liệu đạt gần 300.000 ha và chiếm 5% diện tích đất nông nghiệp cả nước.
Ngành đường sản xuất được trên 1,3 triệu tấn, với doanh thu toàn ngành ước đạt trên 25 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng chưa đến 1% GDP. Nhiều người cho rằng ngành mía đường không nằm trong tỷ trọng đóng góp cao tổng sản phẩm nội địa, tuy nhiên đường là một trong bốn mặt hàng an ninh lương thực, cây mía là cây xoá đói giảm nghèo, ổn định chính trị ở vùng sâu vùng xa biên giới, ngoài ra, cây mía nếu làm đúng, sẽ đóng góp giá trị bền vững rất lớn cho xã hội và môi trường thông qua sản xuất điện sinh khối và cồn nhiên liệu.
Nếu gia hạn TNTX đường không khác gì giáng thêm “đòn chí tử”, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước, nhất là những doanh nghiệp quy mô nhỏ sớm đóng cửa.
Ngành đường cũng như nhiều ngành khác đã không được quan tâm đúng mức và tạo điều kiện phát triển để bắt kịp thế giới. Sự thiếu quan tâm dẫn đến việc thiếu sự liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp trong ngành mía đường và thiếu một thủ lĩnh đầu tàu để kiến trúc đưa ngành mía đường cạnh tranh với khu vực bên ngoài.
Một số quan điểm cho rằng, vấn đề tồn tại của ngành mía đường trong suốt nhiều năm là các doanh nghiệp quen được bảo hộ mà không đi sâu tăng cường năng suất và chất lượng cạnh tranh với các nước khu vực.
Hai quốc gia so sánh với Việt Nam gần nhất là Brasil và Thái Lan đều có năng suất và giá thành ưu thế hơn hẳn Việt Nam. Brasil đã học hỏi tăng cường cơ giới hóa như Úc và lại được hưởng lợi thêm từ giá nhân công vì vậy đường của Brasil có tính cạnh tranh rất cao.
Cần sự quan tâm trên tầm vĩ mô
Bên cạnh quan điểm trên, thì đến giờ, so với một số cường quốc mía đường, họ đều nhận được các chính sách cụ thể về việc trồng và phát triển cây mía. Nên không ít ý kiến cho rằng, cũng đã đến lúc có sự quan tâm trên tầm vĩ mô hỗ trợ ngành đường trong nước. Đây là việc làm không khó mà cần có sự đồng bộ và quyết tâm thực hiện từ nhiều phía, trong đó có cả doanh nghiệp.
Một trong những thay đổi nhỏ mang lại hiệu qủa cao là ở Quảng Ngãi khi nhà máy đã thỏa thuận với nông dân gom lại các đất canh tác và nhà máy tiến hành cơ giới hóa chung toàn bộ.
Nhờ việc thực hiện đồng bộ đã giảm chi phí và tăng cường công suất thu hoạch. Sau đó sản lượng được phân chia theo tỷ lệ đóng góp đất đã làm người dân hưởng lợi hơn khi chi phí bỏ ra thấp hơn nhưng năng suất cao hơn.
Đây chỉ là một sự thay đổi nhỏ đầu tiên, nhưng nó cho thấy tình hình ngành mía đường Việt Nam cần nhiều vấn đề để làm. Sự hỗ trợ từ Chính phủ là rất cần thiết vì về mặt xã hội lượng nhân công làm việc liên quan đến ngành mía đường lên đến 7 triệu người. Tại Thái Lan chính phủ cấp ngân sách lên đến 1,3 tỉ đô la Mỹ/năm (gần 30.000 tỉ đồng) để hỗ trợ ngành mía đường trở thành quốc gia hàng đầu ASEAN và Châu Á sản xuất và chi phối ngành đường.
Cho đến lúc này ngành mía đường trong nước vẫn chưa có hướng đi rõ ràng để tạo thế cạnh tranh ngay trên sân nhà. Trong khi, ngành mía đường Thái Lan đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực phụ trợ và đầu tư đồng bộ để phát huy hiệu quả cao nhất.
Nhiều chuyên gia đồng thuậnngoài viêc gia hạn các thỏa thuận quốc tế có tính chất cấp bách, về dài hạn, nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân trong nước tăng cường cơ giới hóa, tăng năng suất lao động và xây dựng đồng bộ các ngành phụ trợ.
Đánh giá đưa ra các công ty chứng khoán, viễn cảnh ngành đường sẽ có sự phân hóa mạnh và các hoạt động M&A sẽ diễn ra trên diện rộng trong thời gian tới. Các doanh nghiệp lớn như CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) sẽ vẫn có nhiều lợi thế nhờ là danh nghiệp đầu ngành và được đầu tư bài bản từ đầu. Các doanh nghiệp nhỏ yếu vốn có thể sẽ bán lại hoặc sát nhập để có thể trụ lại với ngành.
Số lượng nhà máy đường sau 2 - 5 năm có thể sẽ thu hẹp còn 1/2 so với hiện nay. Theo phân tích, trong ngắn các doanh nghiệp ngành đường quy mô nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng về bình diện chung với cả ngành, những doanh nghiệp đầu ngành sẽ càng chiếm lĩnh thị phần và có tính cạnh tranh hơn.
Theo ước tính của FPTS, từ năm tài chính 2018 - 2020, doanh thu xuất khẩu của SBT sẽ chiếm từ 15 - 20% tổng doanh thu của Công ty. Vì thế, khả năng trước mắt việc giảm giá bán để cạnh tranh khi ngành đường Việt Nam hội nhập, để lợi nhuậnkhông bị ảnh hưởng, SBT phải tăng thị phầnlên 700000 tấn/năm. Ngoài ra, công ty sẽ lấy từ các nguồn thu khác như: thanh lý các khoản đầu tư tài chính. Lộ trình đến 2020, SBT cải thiện dần biên lợi nhuận thông qua hạ giá thành sản xuất mía.
Trên cơ sở đó, giới phân tích dự báo, lợi nhuận trước thuế của SBT năm tài chính 2018 có thể đạt được kế hoạch đề ra - đạt 682 tỷ đồng.Hiện nay, tốc độ tăng trưởng ngành đường ở các nước đã phát triển là 2% (theo OECD), do đó với phương pháp chiết khấu dòng tiền doanh nghiệp FCFF, FPTS định giá giá trị nội tại mỗi cổ phiếu SBT là 30.000đ/cp (Theo báo cáo của FPTS).
Đường Quảng Ngãi, TTC Biên Hòa hay các doanh nghiệp ngành đường nếu được hỗ trợ bởi các chính sách đồng bộ và hiệu quả hơn nữa, có thể tự tin rằng, các thương hiệu Việt này có thể trụ vững trên sân nhà và mang lại các hiệu quả đóng góp kinh tế xã hội thiết thực.