Hàng trăm mã giảm sàn, thị trường mất hơn 45 điểm

Hàng trăm mã giảm sàn, thị trường mất hơn 45 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán tháo gần như duy trì suốt từ đầu phiên đã khiến cho thị trường gần như không có cơ hội để tìm kiếm điểm tựa nào để bấu víu. Có lẽ kỳ vọng sẽ đến từ phiên "rũ bỏ" với thanh khoản tăng vọt và nhịp nảy cuối phiên sẽ giúp xu hướng ngắn hạn bớt tiêu cực hơn.

Sau phiên sáng lao dốc không phanh, dòng tiền bắt đáy túc tắc hoạt động ngay khi giao dịch trở lại trong phiên chiều. Tuy nhiên, lực cầu cũng chỉ đủ giúp chỉ số VN-Index vượt nhẹ lên trên 1.060 điểm trước khi bị đẩy ngược trở lại.

Thậm chí có thời điểm VN-Index đã thủng 1.050 điểm khi số mã giảm sàn tiếp tục tăng lên và hơn 150 mã. Tại ngưỡng điểm này, chỉ số thêm một lần được “cứu” nhờ một số cổ phiếu thu hẹp đà giảm và VN-Index trồi nhẹ lên trên 1.055 điểm khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HOSE chỉ còn 24 mã tăng và 505 mã giảm (122 mã giảm sàn), VN-Index giảm 46,21 điểm (-4,19%), xuống 1.055,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,17 tỷ đơn vị, giá trị 23.243,6 tỷ đồng, tăng tới gần 120% về khối lượng và 110% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 47,5 triệu đơn vị, giá trị 1.045 tỷ đồng.

Nhóm bluechip với MSN, PLX, GVR cùng bộ ba nhà Vin giảm sàn. Trong đó, cp VHM có những tín hiệu bớt tiêu cực hơn khi khớp hơn 6 triệu đơn vị và nhiều nhà đầu tư đã hủy lệnh bán sàn, khi có khoảng 32 triệu cổ phiếu dư bán sàn trong phiên đã chỉ còn hơn 5,8 triệu đơn vị khi đóng cửa.

Phần còn lại giảm mạnh vẫn là SSI -6,8% xuống 28.700 đồng, thanh khoản vươn lên cao nhất sàn với hơn 54,1 triệu đơn vị.

Theo sau là GAS -6,1% xuống 75.500 đồng, HPG -5,2% xuống 22.800 đồng, VIB -5,2% xuống 17.350 đồng. Các cổ phiếu BVH, TPB, TCB, FPT, SHB, BCM, STB giảm từ 4% đến gần 5%.

May mắn nhất phiên này là các cổ phiếu ngân hàng BID, VCB, SSB khi chỉ mất từ 0,5% đến 1,5%. Phần còn lại giảm từ hơn 2% đến 3,8%, như CTG, HDB, VJC, MBB, MWG, ACB.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu YEG là điểm sáng hiếm hoi, khi bật trở lại mức giá trần +6,8% lên 17.400 đồng, khớp lệnh hơn 1,5 triệu đơn vị. Cổ phiếu HSL +6,3% lên 9.410 đồng, khớp 0,11 triệu đơn vị. Các cổ phiếu còn tăng khá chỉ có thanh khoản thấp.

Đối với các mã giảm, hơn 120 mã giảm sàn ở khắp các nhóm ngành lớn nhỏ không kể kết, nhưng một số đáng chú ý như VND và VIX khi thanh khoản cũng chỉ đứng sau cổ phiếu cùng ngành SSI trên sàn với 48,7 triệu và 46,4 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu bất động sản, xây dựng giảm sàn đáng kể là HQC, HHV, BCG, TCH, KBC, CII, VCG, PDR, NVL, GEX khi khớp lệnh thuộc top cao nhất sàn, từ hơn 10 triệu đến hơn 31,5 triệu đơn vị. Các cổ phiếu khác như DIG, DXG giảm trên dưới 5%, khớp 37 triệu và 32,2 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã hồi phục đôi chút vào đầu phiên chiều trước khi lực bán quay trở lại đẩy chỉ số giảm sâu hơn và có nhịp nảy nhẹ về cuối ngày.

Đóng cửa, sàn HNX có 20 mã tăng và 185 mã giảm (37 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 12,03 điểm (-5,3%), xuống 219,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 175,4 triệu đơn vị, giá trị 3.133,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 10,4 triệu đơn vị, giá trị 280,5 tỷ đồng.

Cũng như phiên sáng, cổ phiếu CVN đáng chú ý nhất khi ngược dòng thị trường tăng kịch trần +6,9% lên 3.100 đồng, khớp 0,87 triệu đơn vị.

Trong số các cổ phiếu thanh khoản cao, các mã NDN, APS, MST, VIG, API, DDG, VGS, TAR, TTH, HUT đều giảm sàn, khớp từ 0,8 triệu đến hơn 11 triệu đơn vị.

Phần còn lại cũng giảm sâu, với SHS -9,3% xuống 14.700 đồng, khớp lệnh cao nhất toàn thị trường khi có hơn 63,1 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu TNG, IDC MBS, PVS, CEO giảm 4% đến hơn 9%, khớp từ 3,59 triệu đến hơn 20,8 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng nới đà đi xuống khi lực bán tiếp tục gia tăng và cũng chỉ có nhịp nảy nhẹ thu hẹp đôi chút đà giảm ở cuối phiên.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 2,78 điểm (-3,25%), xuống 82,79 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 61,9 triệu đơn vị, giá trị 821,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ có thêm 0,47 triệu đơn vị, giá trị 4 tỷ đồng.

Toàn bộ nhóm cổ phiếu thanh khoản cao nhất, khớp từ 0,25 triệu đơn vị đến hơn 16 triệu đơn vị đều chìm trong sắc đỏ.

Trong đó, BSR -8,1% xuống 18.100 đồng, thanh khoản cao nhất UpCoM với hơn 16,6 triệu đơn vị. Các mã SBS, AAS, DDV, G36, BIG giảm 10% đến hơn 13%.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm sâu, mất từ hơn 43 điểm đến gần 60 điểm. Trong đó, VN30F2311 giảm 49,2 điểm, tương đương -4,44% xuống 1.060 điểm, khớp lệnh tăng vọt với hơn 427.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 49.300 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng lấn át, với CVPB2307 phiên này là mã được giao dịch nhiều nhất khi có hơn 8 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 21,7% xuống 180 đồng/cq, theo sau là CHPG2324 với hơn 6,33 triệu đơn vị và giảm mạnh hơn 37% xuống 170 đồng/cq.

Tin bài liên quan