Hàng tồn kho tăng mạnh, có đáng lo?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo tài chính quý I/2021 của nhiều doanh nghiệp cho thấy, giá trị hàng tồn kho tăng khá mạnh so với giai đoạn đầu năm.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Tồn kho tăng mạnh ở nhiều ngành

Từ đầu năm đến nay, giá của nhiều loại nguyên vật liệu thô như đồng, sắt, nhôm, gỗ, thép… tăng vọt. Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy giá hàng hóa tăng mạnh là đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu khả quan.

Nhiều quốc gia châu Âu tái mở cửa nền kinh tế sau khi đã thực hiện tiêm ngừa Covid-19 cho phần lớn người dân. Tại Trung Quốc, nơi nguồn cung và sức cầu chiếm vị trí quan trọng hàng đầu của thị trường hàng hóa đang cố gắng cắt giảm sản lượng sắt và thép đã ảnh hưởng đến giá của các mặt hàng này.

Thép là một trong những ngành có sự gia tăng hàng tồn kho mạnh nhất thời gian qua, những công ty đầu ngành như HPG, HSG, NKG đã gia tăng hàng tồn kho so với cùng kỳ năm trước trung bình khoảng 30%. Còn tính chung các doanh nghiệp sản xuất thì mức tồn kho tăng thêm chỉ khoảng 10%.

Giá trị hàng tồn kho của các công ty thép (tỷ đồng).

Giá trị hàng tồn kho của các công ty thép (tỷ đồng).

Gia tăng hàng tồn kho để tích trữ nguồn nguyên liệu, phòng bị khi giá đang lên quá cao là chiến lược kinh doanh hợp lý của các doanh nghiệp. Dĩ nhiên, chiến lược này cũng tùy tình hình của từng doanh nghiệp mà áp dụng.

Vì nếu doanh nghiệp nhỏ mà dùng đòn bẩy nợ quá lớn để tích trữ hàng tồn kho, khi có biến cố bất ngờ xảy ra sẽ chịu khó khăn cả hai đầu: hàng không bán được trong khi phải chịu chi phí lãi vay cao.

Hàng tồn kho tại một số doanh nghiệp bất động sản cũng ghi nhận tăng mạnh so với thời điểm đầu năm.

Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã NLG) ghi nhận lượng hàng tồn kho tăng vọt lên 13.521 tỷ đồng, gấp đôi so với đầu năm, tập trung ở các dự án Waterfront Đồng Nai, dự án Akari, Paragon Đại Phước, dự án Cần Thơ, VSIP Hải Phòng, Ehome tại Bình Dương, Phú Đức, Tiền Hùng….

Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2021 của NLG cho thấy doanh thu bán hàng quý này của NLG đạt 235,8 tỷ đồng, giảm 43% cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, nhờ khoản lợi nhuận khác đột biến 427 tỷ đồng đã giúp Công ty lãi trước thuế 348 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 366 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm 2020.

Báo cáo tài chính quý I/2021 của Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIG) cũng cho thấy, hàng tồn kho dự án tăng lên 340,5 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, theo DIG, lượng hàng tồn kho đối với doanh nghiệp hiện tại tăng đang là lợi thế. Giá bất động sản vẫn đang có xu hướng nhích lên, việc hàng tồn kho với giá vốn thấp sẽ giúp doanh nghiệp hưởng lợi lớn.

Lượng hàng tồn kho tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (mã NVL) thì chỉ tăng nhẹ so với đầu năm. Tại thời điểm cuối quý I/2021, tổng tài sản của Tập đoàn đạt 153.666 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2020.

Trong đó, hàng tồn kho ghi nhận 90.042 tỷ đồng, tăng 3,7% so với thời điểm 31/12/2020, chủ yếu đến từ việc tăng chi phí đầu tư phát triển tại các dự án như The Grand Manhattan, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, NovaHills Mui Ne và NovaBeach Cam Ranh.

Giá trị hàng tồn kho của Vinmilk tại thời điểm cuối quý I là gần 6.466 tỷ đồng, tăng 32% so với hồi đầu năm.

89% tổng hàng tồn kho (tương đương 80.261 tỷ đồng) là giá trị quỹ đất và chi phí dự án đang xây dựng, phần còn lại là bất động sản đã hoàn thiện, chờ bàn giao cho khách hàng.

Một số ngành sản xuất khác cũng ghi nhận biến động hàng tồn kho. Đơn cử, tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (mã VNM), giá trị hàng tồn kho gần 6.466 tỷ đồng, tăng 32% so với hồi đầu năm. Quý vừa qua, VNM ghi nhận doanh thu thuần 13.190 tỷ đồng, giảm 7% so cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 2.576 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2020.

Lợi thế của doanh nghiệp này, rủi ro của doanh nghiệp khác

Ông Nguyễn Thọ Phùng, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (mã XMC) cho rằng, hiện nay, giá nhiều loại nguyên vật liệu, đặc biệt là thép đã tăng quá mạnh trong thời gian qua và đang ở mức khá cao. Việc nhiều doanh nghiệp đang có chỉ số hàng tồn kho cao cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thứ nhất, đó là biến động giá nguyên vật liệu thời gian tới, bởi không có mặt hàng nào cứ tăng mãi mà không có điều chỉnh.

Thử hai là quan hệ cung - cầu, khi cung vượt quá cầu sẽ dẫn tới tình trạng thừa cung, dẫn đến biến động giá. Trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của bệnh dịch, nhiều nước “từ chối” nhập hàng từ Trung Quốc nên Việt Nam được hưởng lợi.

Thực tế, hàng tồn kho quá lớn sẽ khiến cho dòng vốn bị đọng lại. Giám đốc tư vấn tài chính doanh nghiêp của một công ty chứng khoán chia sẻ, cần phân biệt hàng tồn kho cụ thể từng trường hợp.

Doanh nghiệp chủ động tích trữ hàng do lo ngại rủi ro giá nguyên vật liệu tăng mạnh và có nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất và các đơn hàng đã ký lại là điều tốt, nhưng nếu tồn kho là vì không bán được hàng do nhu cầu mua giảm sút lại là vấn đề khác.

Các doanh nghiệp thường sử dụng vốn vay, vốn ngắn hạn để tích trữ hàng tồn kho. Nếu hàng tồn kho tăng rơi vào trường hợp thứ 2 thì đó là rủi ro khi phải trả lãi vay và giảm giá. Với thị trường hiện nay, nhóm thép thuộc trường hợp đầu tiên, hàng tiêu dùng thuộc trường hợp còn lại, song điều này cũng có thể biến động trong thời gian tới.

Có nhiều năm làm trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, ông Nguyễn Thọ Phùng cho rằng, cần hiểu đúng về hàng tồn kho, chỉ số hàng tồn kho của các doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung để có được một cái nhìn đúng bản chất về hàng tồn kho.

Về chỉ số hàng tồn kho, trên thế giới hiện đang sử dụng hai dạng chỉ số khác nhau. Đối với các nước phát triển, chỉ số hàng tồn kho được tính bằng tỷ lệ lượng hàng tồn kho trên lượng sản phẩm tiêu thụ được trong một khoảng thời gian, thông thường được tính bằng năm.

Theo cách tính này thì chỉ số hàng tồn kho được coi là tốt khi nằm trong khoảng từ 5 - 6%, nếu tỷ lệ này vượt lên mức trên 8% thì được coi là cao. Tất nhiên, tỷ lệ này tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp và mặt hàng mà doanh nghiệp đó sản xuất.

Thời gian trung bình xử lý hàng tồn kho (ngày).

Thời gian trung bình xử lý hàng tồn kho (ngày).

Cũng cần lưu ý với ngành thép khi giá sản phẩm này tăng quá nhanh và mạnh vừa qua. Giá thép chỉ chưa đầy nửa năm tăng đến 70% thì doanh nghiệp sản xuất thép rõ ràng có lợi.

Tuy nhiên, phần thiệt đang thuộc về doanh nghiệp xây dựng và chắc chắn họ sẽ phải đàm phán lại, các doanh nghiệp muốn xây dựng sẽ chậm lại chờ giá giảm, điều này có thể dẫn đến giá trị xây dựng giảm đi trong tương lai. Quan sát sóng thép từng diễn ra hồi cuối 2009 - 2010 thì chu kỳ này kéo dài 1 năm thì bắt đầu giảm. Thế nên, khi nhu cầu suy yếu, câu chuyện tồn kho lại giống trường hợp 2.

Chẳng hạn, tại HSG, năm 2016 và 2017, doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận ròng sau thuế khá ấn tượng, đạt lần lượt là 1.504 và 1.332 tỷ đồng nhờ việc đầu cơ hàng tồn kho khi giá HRC tăng. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng sau thuế của HSG sụt giảm mạnh xuống chỉ còn 409 tỷ đồng trong năm 2018 và 361 tỷ đồng trong năm 2019 do giá bán và giá nguyên vật liệu giảm mạnh trong khi hàng tồn kho ở giá cao, cùng với áp lực nợ vay cao khiến cho biên lợi nhuận ròng giảm mạnh trong những năm này.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất chung, việc duy trì hàng tồn kho khá lớn sẽ khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro khi nhu cầu thị trường tiêu thụ giảm khiến cho giá bán cũng sụt giảm theo, từ đó biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp do giá vốn hàng bán chiếm tỷ trọng lớn từ hàng tồn kho giá cao.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho do giá trị hiện tại giảm mạnh so với giá gốc ban đầu khiến cho lợi nhuận sụt giảm.

Tin bài liên quan