Điều đáng nói, năm 2020, rất nhiều mẫu xe hơi mới có thể được đổi đời, ra mẫu mới nên nếu không xử lý được hết lượng xe tồn kho sản xuất năm 2019 hoặc xa hơn là 2018, chắc chắn các hãng xe sẽ gặp vô số khó khăn thách thức.
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, hết 3 tháng đầu năm chỉ số tồn kho ô tô tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019.
Sản lượng tồn kho tăng nhanh đồng nghĩa với doanh số bán xe của các hãng giảm mạnh, lợi nhuận giảm, chi phí sản xuất tăng cao.
Bên cạnh lượng xe tồn kho tăng cao, linh kiện xe nhập về Việt Nam cũng suy giảm, 15 ngày đầu tháng 3, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này cũng chỉ đạt 150 triệu USD, giảm gần 10 triệu USD so với cùng kỳ tháng trước và giảm hơn 20 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế, trong tháng 3, doanh số bán xe hơi tại Việt Nam đã suy giảm, đến tháng 4, xu hướng này càng giảm mạnh hơn do Việt Nam áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội.
Hầu hết các hãng xe, doanh nghiệp xe lớn đóng cửa, dừng giao dịch trong vòng 15 ngày.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hiền, đại diện của đại lý xe hơi tại Hà Nội: Việc đóng cửa kinh doanh của đại lý theo đúng quy định của Chính phủ là phù hợp bởi trong tháng 3, doanh số các đại lý đều giảm mạnh, cả tháng không phát sinh doanh số, nếu tiếp tục duy trì gánh nặng cho đại lý là rất lớn vì tiền điện, chi phí trả lương nhân viên cũng tăng.
"Trong 15 ngày nghỉ chống dịch, việc bán hàng sẽ thực hiện trên mạng, các nhân viên chăm sóc khách hàng, qua email, hotline và tư vấn trực tiếp qua điện thoại", ông Hiền nói.
Thực tế, từ tháng 2, các mẫu xe trên thị trường đã giảm rất mạnh, đơn cử như Toyota Fortuner, Honda CRV, Ford Everest, Explorer đều đang được giảm giá từ 30 triệu đồng lên đến gần 300 triệu đồng/chiếc.
Các mẫu sedan bán ra trên thị trường của Hyundai Thành Công, của Thaco như Kia và Mazda hiện cũng đều được giảm giá từ 10 đến 30 triệu đồng như Hyundai Accent, Kia Cerato hay Mazda 2, 3.... Tất cả đều có mục tiêu cuối cùng là kích cầu, đẩy hàng nhanh ra thị trường.
Trong khi đó, ở phân khúc hẹp hơn của MPV, Xpander và Innova tại đại lý ở Hà Nội cũng đang được khuyến mãi chiết khấu hàng chục triệu đồng từ đại lý và nhân viên kinh doanh.
Trong khi đó, hàng loạt hãng xe ra mắt thị trường mẫu mới của mình khiến các đối thủ trên thị trường thực sự lo ngại về cuộc cạnh tranh giá mới được tiếp diễn.
Điển hình như Mitsubishi Pajero Sport 2020 sẽ cạnh tranh với Toyota Fortuner, Ford Everest; Nissan Xtrail 2021 sẽ cạnh tranh với Mitsubishi Outlander, Ford EcoSport hay Suzuki Ertiga 2020 có thể là đối thủ của Toyota Innova và Mitsubishi Xpander...
Về tỷ lệ tồn kho, giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu xe hơi phía bắc cho biết, họ đang cân đối lại doanh số và lượng tồn kho. Chắc chắn xu hướng sẽ giảm giá để kích cầu người tiêu dùng.
"Thị trường xe không giống như các thị trường hàng tiêu dùng khác, nó sẽ phục hồi khá lâu sau suy giảm và đặc biệt tác động mạnh làm giảm tổng cầu. Ít nhất các hãng xe sẽ mất 1 tháng để lấy lại doanh số bán ra, trong khi đó, các mẫu xe đắt tiền sẽ mất khoảng 3 tháng đến 6 tháng để cân bằng doanh số", đại diện doanh nghiệp xe nhập ở phía bắc cho biết.
Theo nhiều người kinh doanh xe, thị trường xe hậu Covid-19 vẫn chưa thể biết khôi phục khi nào bởi còn dựa vào tình hình dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế.
Doanh nghiệp, doanh nhân và người dân ảnh hưởng đến thu nhập, thị trường có thể sụt mạnh, không cách nào cứu vãn dù có giảm giá.
"Các mẫu xe phổ thông, giá trung bình hoặc xe giá rẻ sẽ ít chịu tác động hơn vì suy giảm tổng cầu. Năm 2020, các hãng cũng ra mắt nhiều mẫu xe mới, đời xe mới, chính vì vậy giảm giá để kích cầu sẽ khiến cuộc chơi trên thị trường xe hậu Covid-19 trở nên gay cấn, khốc liệt hơn", đại diện thương hiệu xe nhập phía Bắc cho hay.
Vị này cũng chia sẻ, người tiêu dùng đang có xu hướng chờ đợi quý 2 hoặc quý 3, hết dịch Covid-19 và đặc biệt đây là thời điểm các mẫu xe mới về nhiều, xe nhập gia tăng và bùng nổ cuộc chạy đua doanh số của doanh nghiệp sẽ khiến giá xe giảm, đây là thời điểm đổ tiền mua xe.