Giống như mọi năm, iPhone mới ra mắt kéo theo một lượng không nhỏ các thiết bị giả, nhái, chất lượng kém ăn theo. Tại TP HCM năm nay, iPhone 7 nhái bày bán công khai trên các trục đường chính, như Hùng Vương (quận 5), Tô Hiến Thành (quận 10), Lũy Bán Bích (quận Tân Phú)...
Theo tiết lộ của một chủ cửa hàng bán điện thoại di động trên đường 3/2 (quận 10), những chiếc iPhone nhái này chủ yếu nhập từ Đài Loan và Trung Quốc. "Mỗi ngày, tôi bán được 3 – 5 chiếc, nếu đắt khách thì khoảng 10 chiếc", người này cho biết.
Bên cạnh đó, chúng còn xuất hiện trên các diễn đàn rao vặt, mạng xã hội... Khi truy cập vào các trang web mua bán hay hội nhóm trên Facebook, người dùng dễ dàng gặp các chủ đề bán điện thoại như "iPhone 7 Đài Loan", "iPhone 7 fake loại 1", "iPhone 7 cao cấp"… với giá chỉ từ 2,2 triệu đồng.
iPhone 7 và 7 Plus hàng Đài Loan tràn ngập trên một trang rao vặt.
Người ít sử dụng sẽ rất khó phân biệt iPhone thật và nhái nếu chỉ nhìn qua hình thức, bởi chúng có thiết kế gần như tương đồng: từ vị trí nút Home, các phím bấm vật lý cho đến loa ngoài, hay lỗ cắm giắc tai nghe 3,5mm cũng bị loại bỏ. Máy chạy Android nhưng giao diện được làm trông giống iOS 10 và kiểm tra thông tin trong phần mềm cũng không phát hiện được.
Những chiếc iPhone giả còn có các tính năng "ăn theo" iPhone 7 của Apple, như phím Home vẫn có thể rung dạng cảm ứng lực, quay lại (Back) bằng cách nhấn nhẹ; xem ứng dụng đang chạy bằng cách nhấp đúp; hay nhấn và giữ phím để về màn hình chính. Thiết bị giả cũng sử dụng cổng giắc cắm Lightning, vốn là cổng cắm độc quyền của Apple.
Cách dễ dàng nhất để phân biệt hàng thật, hàng nhái là truy cập vào cửa hàng ứng dụng, nếu đó là Play Store thay vì App Store thì đích thị là iPhone nhái.
Tiếp đó, hãy để ý đến thiết kế. iPhone 7 giả tuy có ngoại hình giống nhưng chất lượng vẫn kém xa so iPhone 7 thật: màu sơn không mịn và đồng nhất, dải nhựa viền ăng-ten rất thô, gia công kém, các mối nối không liền mạch, vẫn có độ hở nhất định giữa các phím bấm vật lý, phần ống kính camera có thêm một vòng kim loại bên trong, khay sim không trùng màu với vỏ máy, logo quả táo không tinh xảo, nhất là phần mép nối giữa vỏ và logo rất mất cân bằng...
Riêng với phím Home, dù sao chép các tính năng như iPhone của Apple nhưng chúng vẫn có độ trễ, thay vì phản ứng tức thời, cũng như cảm giác rung không tốt bằng iPhone thật.
Khi bật màn hình, iPhone nhái cho hình ảnh hiển thị nhợt nhạt, không sắc nét như hàng "xịn". Tốc độ phản hồi cảm ứng của thiết bị nhái cũng chậm hơn, cảm giác không tốt.
Ngoài ra, một số tính năng trong menu cài đặt không thể sử dụng, ví dụ CarPlay hay iTunes... Với giao diện trợ lý ảo Siri, trên iPhone thật hiển thị biểu tượng sóng, trong khi hàng nhái có biểu tượng micro.
Khi truy cập vào App Store, iPhone 7 nhái hiển thị Play Store
Giá bán cũng là yếu tố để phân biệt iPhone thật và giả. Những chiếc iPhone 7 và 7 Plus hiện nay trên thị trường có giá không dưới 15 triệu đồng, do đó nếu thiết bị được bán với giá rẻ hơn nhiều lần, người dùng cần cảnh giác, tránh mất tiền oan.