Theo ước tính của UBS, số tiền mà các chính phủ sẽ rút ra khỏi nền kinh tế vào năm 2022 lên tới khoảng 2,5% GDP của thế giới (tương đương khoảng 2.100 tỷ USD - PV), lớn hơn gấp 5 lần so với bất cứ điều gì xảy ra trong giai đoạn chuyển sang thắt lưng buộc bụng sau cuộc khủng hoảng 2008.
Việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại, mặc dù điều này cũng có thể giúp hạ nhiệt áp lực lạm phát đang gia tăng ở một số quốc gia. Động thái thắt chặt chính sách tiền tệ đang diễn ra với tốc độ khác nhau ở các nơi khác nhau trên thế giới vì nhiều lý do.
Tại Mỹ, các chương trình kích thích khẩn cấp đang kết thúc, nhưng chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang thúc đẩy một kế hoạch chi tiêu dài hạn hơn. Cuộc tranh luận về thắt lưng buộc bụng của châu Âu từ thập kỷ trước đã sẵn sàng bùng phát trở lại, trong khi các nhà lãnh đạo của Anh tuyên bố nên bắt đầu cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Trung Quốc đã thận trọng với kế hoạch ngân sách và đây cũng là một lập trường có thể thay đổi khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Ở một số quốc gia mới nổi như Brazil, lạm phát tăng cao đang dẫn đến cuộc tranh luận về giới hạn chi tiêu. Kế hoạch ngân sách cho năm tới chưa được hoàn thiện và các chính phủ có thể điều chỉnh nếu đại dịch vẫn tiếp diễn.
Mỹ
Mỹ hiện đã có một số chính sách để bù đắp cho việc thu hồi các chương trình kích thích do ảnh hưởng của đại dịch như trợ cấp thất nghiệp nâng cao. Chính quyền Tổng thống Biden đã mở rộng các khoản trợ cấp cho trẻ em, cung cấp khoản thanh toán hàng tháng trị giá khoảng 300 USD cho mỗi trẻ em. Đây là một chính sách tạm thời có thể được gia hạn như một phần của dự luật chi tiêu xã hội trị giá 1.750 tỷ USD trong một thập kỷ và chiếm khoảng 0,6% GDP.
Tuy nhiên, gói hỗ chi tiêu này đã bị cắt giảm khoảng một nửa, vì vậy cách thức phân bổ và tác động tài chính của gói tài chính này vẫn chưa rõ ràng.
Ngoài ra, một dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 550 tỷ USD đã được thông qua với sự ủng hộ của lưỡng đảng và được Tổng thống Biden ký vào ngày 15/11. Tuy nhiên, chỉ một lượng nhỏ trong tổng số đó có thể sẽ được chi tiêu vào năm tới.
Khu vực đồng Euro
Các cuộc đàm phán về cách trở lại bình thường tài khóa đã làm dấy lên căng thẳng giữa phe “tài chính lành mạnh” do Đức lãnh đạo và những người lo ngại cuộc suy thoái lặp lại do thắt lưng buộc bụng của thập kỷ trước.
Vấn đề mâu thuẫn đó sẽ không được giải quyết nhanh chóng do các quy tắc về nợ và thâm hụt vốn bị đình chỉ trong đại dịch sẽ vẫn duy trì trong suốt năm 2022.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây đã thúc đẩy các kế hoạch chi tiêu trong ngân sách năm 2022 để bảo vệ các hộ gia đình khỏi giá năng lượng cao hơn. Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire thừa nhận thách thức của việc giảm nợ, nhưng nói rằng, có những ưu tiên cao hơn sau khủng hoảng, như giải quyết lạm phát, bất bình đẳng, cũng như đầu tư để đưa ngành công nghiệp và việc làm trở lại Pháp.
Nhật Bản
Thủ tướng mới của Nhật Bản Fumio Kishida đã sẵn sàng để công bố một gói kích thích tài khóa khác, trong đó có thể bao gồm phân phối tiền mặt và khôi phục các khoản trợ cấp cho du lịch trong nước.
Tuy nhiên, quy mô của gói kích thích vẫn chưa rõ ràng, nhưng các nhà kinh tế đã kỳ vọng gói kích thích rơi vào khoảng 30.000 tỷ yên, hơn 5% GDP của Nhật Bản.
Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc đã tương đối hạn chế trong việc triển khai sức mạnh tài khóa khi nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ và với quan điểm rằng sự hỗ trợ sẽ dần được kiềm chế. Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu thâm hụt khoảng 3,2% trong năm 2021, giảm từ hơn 3,6% vào năm 2020 và dữ liệu gần đây cho thấy mức này có thể nhỏ hơn.
Điều đó một phần do Bắc Kinh đang thúc đẩy cắt giảm chi tiêu lãng phí và giảm nợ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, với đà tăng trưởng đang chậm lại, một số nhà kinh tế hiện đang kêu gọi chính quyền thúc đẩy tài khóa mạnh mẽ hơn. Chi tiêu trong năm nay được tập trung nhiều hơn vào các dự án “cải thiện đáng kể đời sống của người dân” như cải tạo nhà ở cũ, dịch vụ công và tăng lương hưu.
Thị trường mới nổi
Brazil là quốc gia đưa ra các gói kích thích đại dịch hào phóng nhất trong số các nền kinh tế mới nổi và đã thực hiện giảm bớt phần lớn kích thích trong năm nay. Nhưng gần đây, Tổng thống Jair Bolsonaro muốn tăng cường chuyển tiền mặt đến các hộ gia đình nghèo nhất vào năm 2022 khi ông sẽ tái tranh cử với dự báo đầy khó khăn. Việc này đòi hỏi phải thay đổi giới hạn chi tiêu kể từ năm 2016 và nó đã gây ra một cơn bão trên thị trường tài chính, làm thúc đẩy lãi suất tăng trong bối cảnh lo ngại rằng lạm phát đã có thể trở nên tồi tệ hơn.
Trong khi đó, Mexico đã thực hiện cách tiếp cận ngược lại trong đại dịch và chi tiêu chặt chẽ hơn.
Ở khu vực châu Á, các gói chi tiêu kích thích kinh tế đã được duy trì trên hầu hết các nền kinh tế mới nổi của khu vực này khi khu vực phục hồi sau làn sóng lây nhiễm nặng nề trong năm nay.
Ấn Độ đã báo hiệu rằng họ sẽ không rút lại các gói kích thích trong giai đoạn đại dịch, trong khi Thái Lan và Malaysia đã tăng mức trần nợ để đáp ứng nhiều chi tiêu hơn, trong khi Việt Nam đang xem xét một gói hỗ trợ mới lớn. Trong khi đó, Indonesia đã cắt giảm ngân sách và tăng thuế nhằm mục đích đưa thâm hụt trở lại dưới 3% GDP vào năm 2023.