“Nấu cháo” trên lưng người khác
Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng phát hiện hơn 7.290 chai rượu lậu mang nhãn hiệu Men’s Hà Nội tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tuấn Bình (trụ sở số 82, đường Điện Biên Phủ, Đà Nẵng), trong đó có 3.240 chai rượu loại 300 ml được đóng thành 162 thùng; 3.948 chai loại 500 ml, đóng thành 329 thùng lớn. Qua kiểm tra, chủ doanh nghiệp không xuất trình được các loại hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Hoàng Thị Thu Giang, đại diện của Công ty cổ phần Rượu bia nước giải khát Aroma, đơn vị sở hữu nhãn hiệu rượu Men’Vodka cho biết, sản phẩm rượu Men’s Hà Nội nhái rượu Men’Vodka do Công ty TNHH CB thực phẩm Đại La (địa chỉ tại CN Cao - Cổ Nhuế - Từ Liêm - Hà Nội và H58 Kha Vạn Cân, phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP.HCM) sản xuất.
Ngay sau khi vụ việc được phát hiện, Công ty cổ phần Rượu bia nước giải khát Aroma đã trưng cầu Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) giám định sở hữu công nghiệp về sản phẩm Men’s Hà Nội lưu trữ tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tuấn Bình.
Tại Kết luận số NH092 – 14TC/KLGĐ, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ cho biết, dấu hiệu “Men’s” và hình gắn trên vỏ chai rượu loại 500 ml, vỏ thùng đựng rượu được sản xuất và đóng chai tại Công ty TNHH CB thực phẩm Đại La là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại Điều 11, Nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 8536 (cho sản phẩm rượu Men’Vodka) của Công ty cổ phần Rượu bia nước giải khát Aroma.
Tương tự, dấu hiệu “Men’s và hình” gắn trên vỏ chai rượu 300 ml, vỏ thùng đựng rượu” của Công ty TNHH CB thực phẩm Đại La cũng vi phạm quy định này. Điều đáng nói là, địa chỉ đóng chai sản phẩm rượu Men’s Hà Nội đều là địa chỉ ảo. Cụ thể, không có địa chỉ CN Cao - Cổ Nhuế - Từ Liêm - Hà Nội tồn tại trên thực tế. Còn địa chỉ H58 Kha Vạn Cân, phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP.HCM không có cơ sở sản xuất hoặc đóng chai bất kỳ sản phẩm rượu nào.
Theo ông Nguyễn Hữu Cẩn, Phó viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), theo cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ quản lý, Công ty TNHH CB thực phẩm Đại La không có nhãn hiệu nào được bảo hộ và không được Công ty cổ phần Rượu bia nước giải khát Aroma cho phép (cấp li xăng) sử dụng nhãn hiệu số 85346.
Như vậy, Công ty TNHH CB thực phẩm Đại La đã cố tình sử dụng nhãn hiệu không được bảo hộ tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng (nhãn hiệu số 85346 cho sản phẩm rượu Men’Vodka). Việc làm này là bất hợp pháp.
Làm thật, dễ thiệt
Bà Hoàng Thị Thu Giang cho biết, Công ty TNHH CB thực phẩm Đại La từng có hành vi làm hàng nhái và đã bị Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM xử phạt hành chính, nhưng do mức phạt quá nhẹ (từ 10 đến 20 triệu đồng), nên đơn vị này tiếp tục “ngựa quen đường cũ”.
Theo bà Giang, ngoài Men’s Hà Nội, trên thị trường còn có một số sản phẩm khác nhái nhãn hiệu Men’Vodka. Đặc điểm chung của các sản phẩm này là đều sử dụng “dấu hiệu “Men’s” tương tự về cấu trúc và cách trình bày đến mức gây nhầm lẫn cho người mua. Trong khi đó, các thông tin khác về nhà sản xuất, địa chỉ sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng… lại được ghi một cách chung chung, không rõ ràng.
Điều làm các doanh nghiệp làm ăn chân chính nản lòng nhất hiện nay là chế tài xử phạt với hành vi làm hàng giả, hàng nhái còn quá nhẹ, nên so với lợi nhuận thu được từ hàng giả, hàng nhái, thì các doanh nghiệp này hầu như không có “cảm giác chùn tay” và lại tiếp tục “ngựa quen đường cũ”.
“Để sản xuất một sản phẩm thực, được người tiêu dùng nhớ mặt, biết tên, doanh nghiệp phải mất hàng chục năm gây dựng, với số vốn đầu tư nhiều tỷ đồng. Trong khi đó, những kẻ làm hàng nhái có thể nhởn nhơ sống khoẻ mà không cần “tấc đất cắm dùi”. Sản phẩm hàng giả, hàng nhái là thuốc độc giết chết người làm ăn chân chính và thị trường một cách từ từ”, bà Giang nói.