Quốc lộ 20 trước khi được cải tạo, nâng cấp
Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đi qua thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, huyện Di Linh, huyện Đức Trọng, thành phố Đà Lạt và huyện Đơn Dương với tổng chiều dài gần 125 km do nhà đầu tư Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long thực hiện. Theo Bộ Giao thông Vận tải, đây là công trình đặc biệt quan trọng phục vụ việc vận chuyển sản phẩm cho các nhà máy bauxite tại 2 tổ hợp bauxite Tân Rai và Nhân Cơ và đáp ứng nhu cầu giao thông của vùng.
Tổng vốn đầu tư của dự án trên 4.500 tỷ đồng (sau được điều chỉnh lên trên 5.200 tỷ đồng) nhưng khi hoàn thành cũng chỉ có hai làn xe với tốc độ cho phép 60 - 80 km/giờ. Do chưa thể bố trí được vốn nên dự án được đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Theo KTNN, ngay từ khâu chấp hành trình tự, thủ tục đầu tư đã có nhiều sai sót. Cụ thể, công tác đo bóc khối lượng mặt đường làm khái toán có sai sót dẫn tới chi phí xây dựng tăng thêm khoảng 30 tỷ đồng; việc lập, thẩm định và phê duyệt dự toán tại Dự án còn một số tồn tại về định mức, đơn giá, khối lượng so với quy định, tương ứng với giá trị dự toán giảm 25,7 tỷ đồng.
Theo đánh giá của đoàn kiểm toán, trách nhiệm trước các sai phạm trên thuộc về đơn vị tư vấn lập dự toán (Liên danh Công ty Tư vấn khảo sát thiết kế xây dựng Bộ Quốc phòng - Công ty cổ phần Xây dựng công trình 625 và Công ty Xây dựng công trình giao thông phía Nam); tư vấn lập dự toán là liên danh Công ty TNHH MTV Tư vấn và Khảo sát thiết kế xây dựng - Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải 4 - Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình giao thông 7; đơn vị thẩm định dự toán là Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông - Vận tải).
Bên cạnh đó, theo KTNN, dù khối lượng nghiệm thu thanh toán đã được tính toán, xác nhận giữa doanh nghiệp dự án, nhà thầu và tư vấn giám sát, nhưng vẫn xảy ra việc nghiệm thu sai khối lượng, định mức và đơn giá thanh toán vẫn áp dụng theo dự toán được duyệt, dẫn tới sai lệch về chi phí với số tiền lên tới 46,1 tỷ đồng.
KTNN cũng cho biết, việc huy động vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư không đảm bảo quy định của hợp đồng BT. Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2015, trước thời điểm thông xe công trình 3 tháng, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư còn thiếu so với cam kết tiến độ huy động là 136,1 tỷ đồng. Đến thời điểm ngày 13/11/2015, nhà đầu tư mới đóng đủ toàn bộ vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, công tác thanh toán còn chưa rà soát đối chiếu lại các căn cứ, tài liệu có liên quan do thay đổi chế độ chính sách mà vẫn đang thanh toán theo dự toán được duyệt dẫn đến sai sót trong nghiệm thu thanh toán.
Đáng lưu ý, về phương án tài chính của dự án, tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư được xác định ở mức 12% trên phần vốn chủ sở hữu, tuy nhiên đến nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể về tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư. Do đó, KTNN đã đề nghị Bộ Tài chính cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư, tránh tình trạng các bên liên quan tại các dự án BOT, BT phải tự tham khảo mức lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tương ứng để rồi rơi vào những rủi ro pháp lý không đáng có.
Ngoài ra, một số chi phí thanh toán của khoản vay đang thực hiện theo hợp đồng tín dụng nhưng chưa được cập nhật trong hợp đồng (BT), do đó chưa đủ điều kiện ghi nhận như: phí bảo lãnh MIGA, phí đại lý ngân hàng cho vay, một số khoản mục phí liên quan đến công tác thu xếp khoản vay. Việc phê duyệt phương án tài chính trong đó kế hoạch thanh toán lần cuối cùng bằng 3% tổng giá trị thanh toán là không đúng quy định.
Công tác giải phóng mặt bằng, đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa thu hồi được số tiền hơn 8,5 tỷ đồng để hoàn trả lại đơn vị cấp phát vốn. Đối với chi phí giải phóng mặt bằng tỉnh Đồng Nai, có một gói thầu do nhà đầu tư thực hiện vẫn còn nghiệm thu thanh toán sai đơn giá 555 triệu đồng.