Hàng loạt phòng công chứng sẽ không còn tồn tại

Hàng loạt phòng công chứng sẽ không còn tồn tại trong thời gian tới, nếu Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2014. Xử lý vấn đề này thế nào, chấm dứt hoạt động hay chuyển đổi thành văn phòng công chứng là câu hỏi được phóng viên Báo Đầu tư đặt ra với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.
Hàng loạt phòng công chứng sẽ không còn tồn tại

Vì sao phải thu hẹp số lượng phòng công chứng, thưa ông?

Sau 5 năm thi hành Luật Công chứng, cả nước có 625 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 138 phòng công chứng (đơn vị sự nghiệp công) và 487 văn phòng công chứng, bao gồm 352 đơn vị hoạt động theo loại hình doanh nghiệp  tư nhân và 135 đơn vị hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.

Công chứng là hoạt động cung cấp dịch vụ công, cũng như lĩnh vực dịch vụ công khác, với tinh thần, cái gì mà khu vực ngoài Nhà nước đảm đương được, thì Nhà nước chuyển dần cho khu vực ngoài Nhà nước thực hiện thông qua xã hội hóa. Thực tế cho thấy, khu vực tư nhân đảm trách việc công chứng tốt hơn các đơn vị sự nghiệp công rất nhiều, người dân được hưởng lợi vì không còn phiền hà, mất thời gian, thậm chí mất tiền cho “cò công chứng”. Nhà nước được hưởng lợi nhờ việc thu được thuế từ hoạt động công chứng và giảm được bộ máy hành chính. Xã hội được hưởng lợi do văn phòng công chứng tạo ra công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động (sau 5 năm triển khai Luật Công chứng, số lượng công chứng viên tăng gấp 4 lần, không kể những người làm các công việc khác của văn phòng công chứng).

Nhưng vấn đề là xử lý đối với phòng công chứng tại các địa phương có điều kiện xã hội hóa công chứng thế nào?

Khi bàn về vấn đề này trong Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi sẽ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, nhiều quan điểm cho rằng, ở những nơi hoạt động công chứng đã được xã hội hóa ở mức độ cao, không cần thiết duy trì phòng công chứng, thì UBND cấp tỉnh xem xét giải thể. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến đề nghị, ở những địa phương có điều kiện phát triển dịch vụ công chứng như Hà Nội, TP.HCM… không nên giải thể, mà nên thực hiện chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng. Tôi ủng hộ quan điểm thứ hai.

Vì sao ông lại ủng hộ quan điểm chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng, thay vì giải thể?

Thứ nhất, việc chuyển đổi tạo thuận lợi cho việc tiếp quản quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm từ phòng công chứng sang văn phòng công chứng.

Thứ hai, thực hiện chuyển đổi, ngân sách nhà nước sẽ thu được một khoản kinh phí không nhỏ phục vụ cho việc khác. Tại những quận nội thành Hà Nội, TP.HCM, giá trị của phòng công chứng rất lớn, hàng chục tỷ đồng, nếu chuyển đổi, Nhà nước thu được khoản tiền này để giải quyết chế độ cho chính những công chức đang làm việc tại phòng công chứng nếu không bố trí được việc làm khác, tạo điều kiện cho tiến trình giảm biên chế mà Bộ Nội vụ đang triển khai. Ngược lại, nếu giải thể, thì ngân sách mất trắng số tiền này.

Dựa vào đâu mà ông ước tính giá trị phòng công chứng tại nhiều nơi trị giá hàng chục tỷ đồng, thậm chí lên tới cả trăm tỷ đồng?

Phòng công chứng và văn phòng công chứng là một sản nghiệp rất có giá trị. Giá trị của nó không chỉ được tạo lập bằng thương hiệu và kinh nghiệm, truyền thống, mà còn do hoạt động đặc thù đem lại.

Đặc thù chính là, khi khách hàng đã công chứng hợp đồng kinh tế, dân sự ở đâu, thì chỉ nơi đó mới có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh hợp đồng. Khách hàng lập di chúc ở đâu, thì chỉ nơi đó mới có quyền sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh di chúc khi khách hàng yêu cầu. Và có điều đặc thù nữa là văn phòng công chứng ở quận 1 (TP.HCM) chẳng hạn mới có quyền công chứng các giấy tờ liên quan đến bất động sản trên địa bàn quận 1, chứ không thể đến văn phòng công chứng ở địa phương khác để công chứng. Ở các quận, huyện khác trong cả nước cũng tương tự. Giá trị của phòng công chứng, văn phòng công chứng không thể đo, đếm được bằng cơ sở vật chất, vị trí trụ sở mà giá trị được tạo lập nhờ số lượng khách hàng ổn định, đặc biệt là khách hàng công chứng giấy tờ liên quan đến bất động sản vô cùng lớn.

Chính vì vậy, ông ủng hộ quan điểm cho phép chuyển nhượng văn phòng công chứng thay vì giải thể trong trường hợp tổ chức nào đó không thể tồn tại được?

Văn phòng công chứng hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nhưng khác với doanh nghiệp khác, văn phòng công chứng phải hoạt động liên tục, không được ngắt quãng do các hợp đồng, di chúc, giấy tờ đã công chứng vẫn còn hiệu lực, nên không thể giải thể.

Trong trường hợp tổ chức nào đó do thua lỗ, không thể tồn tại được, thì phải thực hiện chuyển nhượng. Tuy nhiên, do văn phòng công chứng là tổ chức đối nhân, gắn liền với uy tín, kỹ năng chuyên môn và khả năng chịu trách nhiệm toàn bộ của công chứng viên là thành viên, là nơi cung cấp dịch vụ công, phi lợi nhuận vì vậy, khác với việc chuyển nhượng doanh nghiệp, người nhận chuyển nhượng phải đáp ứng những điều kiện nhất định như phải là công chứng viên, có kinh nghiệm hành nghề, cam kết hành nghề tại địa phương... và việc chuyển nhượng phải được UBND cấp tỉnh cho phép.

Tin bài liên quan