Hàng loạt ngân hàng hé lộ kế hoạch lợi nhuận 2021 xin ý kiến cổ đông

Hàng loạt ngân hàng hé lộ kế hoạch lợi nhuận 2021 xin ý kiến cổ đông

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng đang diễn ra và kéo dài đến hết tháng 6/2021. Các mục tiêu kinh doanh 2021 được ngân hàng trình ĐHCĐ thông qua, trong đó chỉ tiêu lợi nhuận cũng là vấn đề được cân nhắc kỹ, nhưng nhìn chung vẫn lạc quan. 

Các ngân hàng đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2021

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 được BIDV thông qua tại ĐHCĐ trong kỳ họp sáng ngày 12/3 ở mức 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu không vượt 1,6%.

BIDV đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng trưởng 10 - 12%, đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng do NHNN giao. Huy động vốn tăng trưởng phù hợp với sử dụng vốn, cân đối với tốc độ tăng trưởng tín dụng, dự kiến khoảng 12 - 15%.

Năm 2020, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV chỉ đạt hơn 9.000 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước đó.

Kết thúc năm 2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt 1.516.686 tỷ đồng, tăng trưởng 1,8% so với năm 2019, tiếp tục là Ngân hàng TMCP có tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.438.520 tỷ đồng, tăng trưởng 8,5% so với năm 2019.

Năm 2021, Vietinbank cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận từ 10 - 20% và tín dụng tăng 8-11%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Với VietinBank, SSI Research còn đưa ra dự báo rằng, VietinBank có thể thu 350 triệu USD từ thỏa thuận bancassurance từ thỏa thuận bảo hiểm độc quyền với Manulife được ký kết vào cuối năm 2020.

Đáng chú ý, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2021 đạt 25.200 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước. Vietcombank cũng lên kế hoạch tổng tài sản tăng 6%, huy động vốn thị trường 1 tăng 8%, tín dụng tăng 12% và ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1% năm nay.

MBBank cũng là một trong số ngân hàng thương mại cổ phần đặt mục tiêu kinh doanh năm 2021 với mức tăng khá cao khi đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 25 - 30% so với năm 2020, tương đương đạt hơn 14.600 tỷ đồng.

Tổng tài sản tăng khoảng 15% lên 545.000 tỷ đồng, tín dụng tăng trưởng theo chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao, nhưng phấn đấu ở mức cao nhất, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng hợp nhất dưới 1,3%.

Trong khi đó, OCB cho hay, lợi nhuận trước thuế mục tiêu 2021 của Ngân hàng tăng khoảng 15%, đạt 5.560 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, trong bối cảnh khó khăn của năm 2020 khi dịch Covid-19 xảy ra và kéo dài, nhưng ngành ngân hàng vẫn đạt được kết quả tích cực, riêng OCB đạt lợi nhuận trước thuế 4.414 tỷ đồng, hoàn tất mục tiêu đề ra.

Tương tự, Ngân hàng MSB với mục tiêu tăng lợi nhuận 30% mỗi năm. Theo đó, MSB đặt mục tiêu đạt tổng tài sản 340.400 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng kép gần 17% đến năm 2024 thông qua đầu tư công nghệ, tái cấu trúc nhóm khách ưu tiên...

Với triển vọng lạc quan trong năm 2021, SHB đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 70% so với năm trước, tương ứng lãi hơn 5.500 tỷ đồng trước thuế.

Ngân hàng cũng cho biết, đã chính thức khép lại quá trình sáp nhập Habubank trong năm 2020, cơ bản hoàn tất các tồn đọng của đề án sáp nhập.

Cũng trong năm nay, SHB đã thực hiện tăng vốn thành công lên hơn 17.500 tỷ đồng thông qua chi trả cổ tức và phát hành cổ phiếu, hoàn thành cả ba trụ cột của Basel II.

Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản của SHB đạt hơn 412.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2019. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 15,3%, lên mức 305.637 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng đạt 303.632 tỷ, tăng 17,1%.

Tổng dư nợ xấu nội bảng của SHB cuối năm là gần 5.255 tỷ đồng, tăng 3,9%. Tương ứng tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,72%, giảm so với 1,91% vào cuối năm 2019.

Lợi nhuận trước thuế cả năm của SHB đạt 3.268 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước và hoàn thành kế hoạch cổ đông đề ra.

SHB cho biết, trong các năm tiếp theo, ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ và trích dự phòng để xử lý toàn bộ trái phiếu VAMC. Mục tiêu đến cuối năm 2022, SHB không còn trái phiếu VAMC.

Eximbank vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021 sẽ trình ĐCHĐ thường niên với chỉ tiêu lợi nhuận 2.150 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến tổng tài sản năm 2021 tăng 10% so với năm 2020, đạt 177.000 tỷ đồng. Huy động vốn dự kiến tăng 10% đạt 148.000 tỷ đồng.

Dư nợ cấp tín dụng tăng khoảng 15% lên 117.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát không quá 2,5% tổng dư nợ.

Trước đó, năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 1.399 tỷ đồng, tăng 22,3% so với năm trước, lãi ròng đạt 1.070 tỷ đồng.

Kienlongbank đã đặt mục tiêu năm 2021 tổng tài sản hợp nhất là 66.800 tỷ đồng (tăng 16,62%) và lợi nhuận trước thuế là 1.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận toàn ngành sẽ tăng trưởng ở mức 2 con số

Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cho rằng, lợi nhuận trước thuế toàn ngành sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 28%, đóng góp chủ yếu bởi tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2021. Cùng với đó là mặt bằng lãi suất đi ngang và giảm áp lực chi phí dự phòng.

SSI Research thì ước tính lợi nhuận trước thuế trung bình của nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng trưởng 21% so với cùng kỳ.

Trong đó, các ngân hàng thương mại quốc doanh ước tính đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cao hơn (tăng 30%) so với ngân hàng thương mại cổ phần (tăng 17,2%).

Theo SSI Research, các động lực tăng trưởng lợi nhuận trước thuế chính trong năm 2021 bao gồm tăng trưởng thu nhập lãi thuần mạnh mẽ hơn, nhờ mở rộng tín dụng và NIM (chỉ số phản ánh mức độ hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất giữa hoạt động huy động và hoạt động đầu tư tín dụng) cải thiện nhẹ.

SSI ước tính thu nhập lãi thuần trong năm 2021 sẽ tăng 15% trong khi tăng trưởng tín dụng là 12 - 13% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính, áp lực dự phòng rủi ro gia tăng cũng sẽ tác động lên kết quả kinh doanh của ngân hàng trong 2021.

Thực tế, các ngân hàng đã thực hiện trích lập mạnh mẽ trong năm 2020 cho các khoản nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN hết hiệu lực.

Thông tư 01 đang được trình dự thảo sửa đổi, hệ thống ngân hàng sẽ phải chuyển nhóm nợ để đánh giá nợ một cách thực chất hơn.

Đồng thời, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho những khoản nợ cơ cấu lại đó. Lộ trình trích lập dự phòng đang được dự kiến kéo dài trong 3 năm.

Do đó, theo nhận định của giới phân tích tài chính, năm 2021 nợ xấu hệ thống sẽ tăng lên đòi hỏi các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, nợ xấu tăng sẽ tác động lên chi phí trích lập của các ngân hàng dần dần trong 2 năm 2021 và 2022 do dư nợ vẫn có quy trình 360 ngày chậm trả tính từ hạn trả nợ mới để chuyển từ nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) sang nợ nhóm 5 (nợ có nguy cơ mất vốn và phải trích lập 100% dự phòng rủi ro).

Tin bài liên quan